PVN - Bản lĩnh trước thử thách

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Ngày 3/9/1975, Chính phủ ban hành Nghị định số 170/CP thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN). Chặng đường 43 năm xây dựng và phát triển của PVN đầy thách thức, chông gai nhưng cũng rất đáng tự hào. Tập thể lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, công nhân viên ngành dầu khí Việt Nam qua các thời kỳ đã cống hiến không mệt mỏi, vượt qua muôn vàn gian khó để thực hiện mong ước của Bác Hồ là Việt Nam có ngành công nghiệp dầu khí hùng mạnh.

Trải qua quá trình phát triển, để phù hợp với mô hình và quy mô hoạt động từng giai đoạn, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam được đổi tên thành Tổng công ty Dầu khí Việt Nam và nay là PVN theo Quyết định số 199/2006/QĐ-TTg ngày 28/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ.

Mũi nhọn kinh tế của đất nước

Ngày nay, PVN đã khẳng định được vị thế của Tập đoàn kinh tế trụ cột, mũi nhọn của đất nước, đóng góp quan trọng cho ngân sách hằng năm, góp phần điều tiết ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh và cân đối năng lượng, an ninh lương thực, an sinh xã hội và góp phần tham gia giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia trên biển.

Ý nghĩa to lớn của những thành tựu mà PVN đã đạt được là quy mô và phạm vi của Tập đoàn đã phát triển vượt bậc, khá toàn diện cả về chiều rộng và chiều sâu, về tiềm lực tài chính và năng lực quản lý, điều hành; trở thành ngành kinh tế – kỹ thuật hoàn chỉnh, đồng bộ, đa dạng các hình thức sở hữu từ khâu tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu.

pvn-JPG-4840-1524761943.jpg

Thương hiệu PVN đã được khẳng định uy tín ở trong nước và nâng cao vị thế trong cộng đồng dầu khí quốc tế; sức cạnh tranh được cải thiện, hoạt động đầu tư ra nước ngoài mở rộng, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, đầu tư chiều sâu, áp dụng nhiều công nghệ mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh và trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, dẫn dắt và phát triển của một số ngành công nghiệp mũi nhọn khác ở trong nước. Tập đoàn đã xây dựng được một đội ngũ những người làm dầu khí hùng hậu với số lượng gần 6 vạn người, có tinh thần đoàn kết, có trình độ cao, làm chủ các hoạt động dầu khí ở trong và ngoài nước; tạo ra việc làm và thu nhập ổn định đối với người lao động.

Trong 5 năm 2010-2015, tổng doanh thu của toàn bộ các đơn vị trong tập đoàn đạt 3.675 nghìn tỷ đồng, bằng 102,4% kế hoạch, tốc độ tăng bình quân đạt 10%/năm, tăng gấp 2,5 lần so với thực hiện 5 năm 2006-2010. Nộp ngân sách nhà nước toàn tập đoàn đạt 880,3 nghìn tỷ đồng, bằng 104,5% kế hoạch, tốc độ tăng bình quân đạt 5,2%/năm, tăng 73% so với thực hiện 5 năm 2006-2010.

Dự kiến trong 5 năm 2015-2020, PVN sẽ đạt chỉ tiêu gia tăng trữ lượng 165-200 triệu tấn quy dầu, khai thác 85-90 triệu tấn dầu thô và 55-60 tỷ m3_khí.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo PVN ngày 12/10/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Ngành dầu khí đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, nhất là trong thời gian gần đây, đóng góp của ngành dầu khí cho nền kinh tế là rất lớn, luôn vào top đầu về nộp ngân sách nhà nước. Mỗi 1 triệu tấn dầu đóng góp khoảng 0,25% GDP.

Trong khó khăn càng phải vững vàng

Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ rõ: “Gần đây, nhất là từ năm 2015 đến nay, PVN gặp nhiều khó khăn, có nhiều chuyện không vui”. Từ đó, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đặt vấn đề đối với sự phát triển của PVN: “Đảng, Nhà nước và xã hội đang dõi theo các hoạt động của tập đoàn để xem chúng ta có đủ bản lĩnh để vượt lên không? Đó là câu hỏi đặt ra đối với Đảng bộ, lãnh đạo PVN”.

Tiếp thu và quán triệt sâu sắc sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Công Thương với ý thức đầy đủ về trách nhiệm là tập đoàn kinh tế quan trọng của đất nước, xác định kết quả hoạt động của Tập đoàn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng GDP, an ninh năng lượng, an ninh quốc gia và nguồn thu ngân sách nhà nước, tập thể lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên toàn PVN đã giữ vững niềm tin, bình tĩnh vượt khó, chủ động xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ, kế hoạch Nhà nước giao.

Theo Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn, PVN hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch đề ra, đã về đích trước 3 – 53 ngày hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch được giao thực hiện trong năm 2017. Đặc biệt, sản lượng khai thác dầu thô trong nước vượt 1,29 triệu tấn so với kế hoạch Chính phủ giao đầu năm, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP cả nước đạt 6,81%; nộp ngân sách nhà nước 97,5 nghìn tỷ đồng, vượt 22,9 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch đề ra là cố gắng vượt bậc của tập đoàn.

Trước những dự báo đầy thách thức, khó khăn trong năm 2018, với quyết tâm cao nhất và trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ và nhân dân, bằng những giải pháp quyết liệt, cụ thể, sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương, Tổng Giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn khẳng định: Năm 2018, PVN nhất định sẽ hoàn thành toàn diện và về đích trước kế hoạch tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ giao.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao tập thể lãnh đạo, người lao động ngành dầu khí nói chung, PVN nói riêng trong việc đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2017.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng đánh giá cao tinh thần, ý thức trách nhiệm của các tập thể lãnh đạo, người lao động của tập đoàn dầu khí trong việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các cuộc làm việc chuyên đề của Thủ tướng Chính phủ với PVN trong năm 2017, thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng đặt ra là “Trong khó khăn càng phải vững vàng, bằng bản lĩnh để vượt qua thử thách”.

nguoi-lao-dong-pvn-JPG-7246-1524761943.jpg

Phó Thủ tướng khẳng định: “Đây cũng là cơ hội để chúng ta cùng nhau nhìn thẳng sự thật, cùng nhau tái cấu trúc tập đoàn một cách mạnh mẽ, toàn diện, tạo tiền đề cho một giai đoạn phát triển vững mạnh hơn trong thời gian tới”.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII khẳng định, Việt Nam phải sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, tái cấu trúc nền kinh tế gắn với lựa chọn mô hình tăng trưởng hợp lý nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là các nguồn lực tài nguyên (trong đó có dầu khí) gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu…

Thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2018, PVN phải thích ứng với những khó khăn, rủi ro từ các yếu tố khách quan như giá dầu tuy đã có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa ổn định, còn tiềm ẩn nhiều biến động khó lường; việc giảm sút sản lượng ở các mỏ đang khai thác; sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ những tập đoàn dầu khí trên thế giới; những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và thế giới…

Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị PVN quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị và các quyết định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện hiệu quả mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến 2025 và tầm nhìn đến 2035.

Vừa qua, PVN đã có công văn gửi Bộ Công Thương về Đề án Tái cơ cấu toàn diện PVN giai đoạn 2017-2025. Theo đó, PVN đang nỗ lực tái cơ cấu theo hướng minh bạch, hiện đại, tinh gọn, hiệu quả nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế. Việc triển khai thực hiện tái cơ cấu tại PVN và các đơn vị thành viên được chia thành 3 giai đoạn: 2017-2020; 2021-2025; giai đoạn sau năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.

Lê Minh
Thoibaokinhdoanh.vn
 

Việc làm nổi bật

Top