Qatar Petroleum - “Người khổng lồ bí ẩn”

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Nói Công ty Dầu khí Qatar (Qatar Petroleum - QP) là “người khổng lồ giấu mặt” của ngành công nghiệp năng lượng toàn cầu cũng không ngoa, bởi lâu nay tiếng tăm của họ thường bị lu mờ trước Tập đoàn Dầu khí Saudi Aramco hùng mạnh của nước láng giềng Arập Xêút. Thế nhưng, nguồn khí đốt tự nhiên khổng lồ của quốc gia Trung Đông này lại cho phép Qatar Petroleum bơm thêm dầu và khí đốt nhiều hơn so với cả 2 ông lớn lừng lẫy khác là Rosneft (Nga) hay ExxonMobil (Mỹ). Những điều gì đã giúp khắc họa nên bức chân dung của Qatar Petroleum và vị thế của công ty này trên thị trường năng lượng thế giới?

Khí đốt tự nhiên

Câu chuyện năng lượng của Qatar cũng như các nước láng giềng của họ ở Vịnh Ba Tư bắt đầu bằng dầu mỏ. Năm 1939, quốc gia sa mạc với hơn 2,6 triệu dân đã bắt đầu khoan giếng. Ảnh hưởng của chiến tranh thế giới 2 khiến 10 năm sau đó, Qatar mới xuất khẩu lô hàng dầu thô đầu tiên, dù lượng dầu được tìm thấy khá lớn.

Năm 1971, Shell phát hiện mỏ North Field ngoài khơi Qatar, với trữ lượng khí đốt có thể sánh ngang với mỏ khí đốt lớn nhất thế giới South Pars của Iran. Nhưng phát hiện này là một sự thất vọng vào thời điểm đó, đơn giản vì North Field chỉ chứa khí chứ không có dầu thô, mà Qatar lúc đó thì chưa có cơ sở hạ tầng để phát triển lĩnh vực khí đốt.

Phải mất hơn 20 năm sau, Qatar Petroleum mới hợp tác với ExxonMobil, Shell, Total và ConocoPhilippines, cũng như các khách hàng Nhật Bản Mitsui & Co và Marubeni Corp, bắt đầu xây dựng 14 nhà máy hóa lỏng khí để vận chuyển tới châu Á và châu Âu. Đến năm 2006, Qatar đã là nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới. Năm 2015, Qatar đã xuất khẩu 78 triệu tấn khí đốt hóa lỏng, chiếm 32% lượng cung cấp toàn cầu của năm đó.

Bằng cách tăng gấp đôi sản lượng khai thác dầu mỏ và khí đốt từ năm 2006, Qatar đã trở thành nhà cung cấp năng lượng lớn thứ tư trên thế giới và là quốc gia giàu có nhất thế giới tính theo thu nhập bình quân trên đầu người. Qatar Petroleum đã vượt qua Rosneft và ExxonMobil về tổng sản lượng và là công ty sản xuất, cũng như bán LNG nhiều nhất thế giới. Về sản xuất năng lượng, Qatar Petroleum chỉ xếp sau Saudi Aramco, Gazprom của Nga và Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran.

Al-Zubarah.jpg

Qatar Petroleum thông qua các công ty con sản xuất LNG của mình là Qatargas và RasGas, cùng với các đầu tư khác trong các doanh nghiệp có liên quan, nắm giữ cổ phần trong các công ty trích xuất, xử lý, vận chuyển và lưu trữ khí đốt. Chuỗi cung ứng tích hợp này giúp cho LNG của Qatar rẻ nhất thế giới về chi phí sản xuất. Đó cũng là một lợi thế ưu việt của Qatar trước các “kỳ phùng địch thủ” khác là Australia và Mỹ.

Helium

Helium là một sản phẩm có nguồn gốc từ khí tự nhiên trong quá trình chế biến và được thu hồi từ một số mỏ khí đốt tự nhiên, nơi nó được tìm thấy ở nồng độ thấp dưới 0,05%. Helium được chiết xuất trong giai đoạn cuối của quá trình làm mát LNG qua các giai đoạn phân tách khác nhau. Nó được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu trong tương lai, thay thế cho nguồn dầu mỏ đang dần cạn kiệt. Mỏ North Field của Qatar chứa khoảng 26% trữ lượng helium được biết đến, dòng helium thô được chiết xuất từ tổng cộng 14 tàu LNG tại Ras Lafan.

RasGas là một công ty liên doanh giữa QatarPetroleum và ExxonMobil, sẽ được sáp nhập với Qatargas trong năm nay. Ngoài công việc chính là tập trung vào khai thác, chế biến, hóa lỏng, lưu trữ và xuất khẩu LNG, RasGass còn tham gia sâu vào các dự án tài nguyên thiên nhiên khác, làm tối đa hóa việc sử dụng các chất lỏng chiết xuất từ North Field. RasGas hiện điều hành 2 nhà máy Helium công suất 2 tỉ feet khối mỗi năm, đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu helium toàn cầu hiện hành. Điều này giúp Qatar trở thành nước xuất khẩu lớn nhất, là nước sản xuất helium lớn thứ 2 thế giới.

Dầu mỏ

Sự lão hóa của các mỏ dầu và thiếu những khám phá lớn đã tạo áp lực lên sản lượng dầu thô của Qatar Petroleum. Qatar đã bơm 615.000 thùng dầu thô trong tháng 1-2017, giảm hơn 200.000 thùng so với mức đỉnh 880.000 thùng vào tháng 6-2008. Nhưng bù lại, sản lượng condensate và các chất lỏng khí tự nhiên khác tiếp tục tăng lên gần gấp đôi so với lượng dầu thô mà nước này đang khai thác. Bên cạnh nguồn lợi từ LNG, các đường ống xuất khẩu khí đốt sang Các tiểu vương quốc Arập thống nhất và Oman, cùng các sản phẩm nhiên liệu chế biến từ khí đốt mà Qatar Petroleum hợp tác sản xuất cùng Shell và Sasol thừa sức bù đắp sự suy giảm trong sản lượng dầu mỏ và tạo ra thặng dư tài chính, khiến Qatar giữ vững vị thế là một trong các nhà đầu tư toàn cầu hàng đầu thế giới.

Điện

Qatar Petroleum sở hữu cổ phần thiểu số trong Công ty Điện lực Nebras, một chi nhánh đầu tư quốc tế của một công ty điện ở Qatar. Không chỉ tập trung vào các dự án điện sử dụng khí đốt do Qatar sản xuất, Nebras còn tham gia đầu tư vào các dự án điện gió, điện mặt trời và khả năng sắp tới là các dự án than đá.

Qatar Petroleum cũng có cổ phần đa số trong các nhà máy lọc nước, hóa dầu và các công ty nhôm.

Linh Phương - Petrotimes.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top