Quản lý ngoại hối đối với đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí để thay thế Thông tư 36/2013/TT-NHNN nhằm hướng dẫn thực hiện Nghị định 124/2017/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018.

gian-khoan-dau-khi-66555-1514182910219.jpg

Theo dự thảo, nguyên tắc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài như sau: Nhà đầu tư được chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để đáp ứng các chi phí cho hoạt động chuẩn bị đầu tư ở nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí theo quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 5 Nghị định 124/2017/NĐ-CP.

Việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài của nhà đầu tư phải được thực hiện thông qua tài khoản ngoại tệ trước đầu tư.

Số ngoại tệ chuyển ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và số tiền đăng ký chuyển ra nước ngoài sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài không vượt quá tổng vốn đầu tư ra nước ngoài bằng tiền của nhà đầu tư theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ trước đầu tư

Nhà đầu tư chỉ được mở 01 tài khoản ngoại tệ trước đầu tư cho 01 dự án đầu tư tại 01 tổ chức tín dụng được phép để thực hiện việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Sau khi dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, tài khoản ngoại tệ trước đầu tư phải được sử dụng là tài khoản vốn đầu tư và phải được đăng ký với Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Điều 21, Điều 22 Nghị định 124/2017/NĐ-CP.

Nhà đầu tư có nhu cầu chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho nhiều dự án đầu tư ở nước ngoài phải mở tài khoản ngoại tệ trước đầu tư riêng biệt cho từng dự án.

Mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư phải mở 01 tài khoản vốn đầu tư bằng 01 loại ngoại tệ cho 01 dự án đầu tư phù hợp với nhu cầu chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài tại 01 tổ chức tín dụng được phép.

Trường hợp chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài bằng đồng Việt Nam, nhà đầu tư được mở và sử dụng đồng thời 01 tài khoản vốn đầu tư bằng đồng Việt Nam và 01 tài khoản vốn đầu tư bằng ngoại tệ tại 01 tổ chức tín dụng được phép.

Nhà đầu tư có nhiều dự án đầu tư ở nước ngoài phải mở tài khoản vốn đầu tư riêng biệt cho từng dự án.

Trường hợp dự án đầu tư ở nước ngoài có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, mỗi nhà đầu tư phải mở tài khoản vốn đầu tư riêng biệt để chuyển vốn ra nước ngoài trong phạm vi tổng vốn đầu tư và tỷ lệ phần vốn góp theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Dự thảo cũng quy định, nhà đầu tư có trách nhiệm chuyển lợi nhuận, thu nhập hợp pháp và chuyển vốn đầu tư về nước sau khi thanh lý, chấm dứt, giảm vốn đầu tư, chuyển nhượng dự án đầu tư theo quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí.

Ngoài ra, nhà đầu tư sử dụng lợi nhuận thu được từ hoạt động đầu tư ở nước ngoài để tăng vốn, mở rộng hoạt động đầu tư ở nước ngoài phải thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư ra nước ngoài và phải có văn bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước trong vòng 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài điều chỉnh.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Phong Xuy
Báo Chính Phủ​
 

Việc làm nổi bật

Top