Thanh Hóa đã quyết định cho phép Lọc hóa dầu Nghi Sơn được xả thải ra biển

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Ngày 1/11, Thanh Hóa vừa có quyết định cho phép công ty lọc hóa dầu Nghi Sơn được xả nước thải vào nguồn nước tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

Theo quyết định, nguồn nước tiếp nhận nước thải là vùng nước biển ven bờ (khu vực xã Hải Yến, huyện Tĩnh Gia).

Vị trí xả nước thải ở vị trí công trình thu gom, trạm xử lý nước thải đặt trong khu đất được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp giấy phép và vị trí xả nước thải là cửa xả ra vùng biển ven bờ xã Hải Yến.

cty-tnhh-loc-hoa-dau-nghi-son-duoc-xa-thaira-bien_2114990.jpg

Lưu lượng xả thải trung bình 200 m3/ngày đêm, lưu lượng xả thải lớn nhất là 600 m3/ngày đêm. Phương thức xả thải tự kết hợp với bơm chuyển tiếp; chế độ xả 24h/ngày đêm…

Ngoài ra, quyết định cũng nói rõ yêu cầu Cty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn quan trắc nước thải, quan trắc nguồn nước tiếp nhận, lập sổ theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện quan trắc nước thải và nước nguồn tiếp nhận. Chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý tài nguyên nước và môi trường các cấp. Giấy phép này có thời hạn từ ngày 27/10/2016-2/6/2019.

Cùng với đó, nhằm đảm bảo tiến độ xây lắp và vận hành dây chuyền sản xuất, ngày 1/11, ông Nguyễn Văn Thi, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn cho biết đang phối hợp với Sở TN-MT và Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) xem xét đề nghị cho Nhà máy hoạt động súc rửa đường ống dẫn dầu.

“Hiện cơ quan chức năng chưa có trả lời chính thức”, ông Thi nói và cho hay, nếu được chấp thuận, mọi hoạt động xả thải của nhà máy sẽ được Ban giám sát chặt chẽ. Phía nhà máy cũng cam kết không để xảy ra sự cố môi trường biển trong quá trình súc rửa đường ống.

Trước đó từ ngày 9 - 11/6, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã thử áp lực và súc rửa đường ống tiếp nhận dầu thô từ phao rót dầu không bến vào nhà máy với chiều dài 35 km. Hoạt động súc rửa được tiến hành bằng cách bơm nước biển có hòa 31.708 lít hydrosure và 1.588 lít chất tạo màu vào đường ống, sau đó xả trực tiếp ra biển.

Phát hiện sự việc, Tổng cục Môi trường đã kiểm tra và kết luận nhà máy xả nước thải súc rửa đường ống dẫn dầu trực tiếp ra biển là sai quy định, không đúng với báo cáo đánh giá, tác động môi trường.

Theo đánh giá tác động môi trường, nước làm sạch và thử thủy lực trong quá trình súc rửa đường ống tiếp nhận này không được thải trực tiếp ra môi trường, mà phải xử lý bằng cách tách cặn dầu mỡ và xử lý hóa chất rồi bơm chất trung hòa vào đường ống nước trước khi bơm xả.

Được biết, tổng lượng nước thải từ quá trình súc rửa là 75.100 m3, đã xả trực tiếp ra biển hơn 42.000 m3, còn lưu giữ lại khoảng 33.000 m3 trong đường ống, số này đang niêm phong tại nhà máy.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 8/9, khoảng hơn 47 tấn cá lồng của 21/66 hộ dân nuôi ở vịnh Nghi Sơn (thuộc xã đảo Nghi Sơn, H.Tĩnh Gia) bất ngờ chết hàng loạt, ước thiệt hại 6 - 7 tỉ đồng.

Kết quả phân tích mẫu nước lấy tại khu vực cá lồng chết ở xã Nghi Sơn cho thấy có loài tảo hairoi-creratium furca nở hoa gây thủy triều đỏ với mật độ khoảng 8 triệu tế bào/lít nước biển. Mẫu nước lấy tại khu vực cảng của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng phát hiện loài tảo này chiếm ưu thế, mật độ khoảng 500.000 tế bào/lít nước biển.

Bước đầu xác định nguyên nhân khiến cá tự nhiên, cá lồng chết là do tác động của loài tảo hairoi-creratium furca trong nước biển bùng phát với mật độ cao ở quy mô rộng hay còn gọi là hiện tượng tảo nở hoa.

Từng trao đổi với Đất Việt về việc này, TS Bùi Quang Tề, nguyên Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I cho biết, hiện tượng tảo nở hoa có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi môi trường biển bị ô nhiễm.

''Hiện tượng này do con người tác động vào gây ra hiện tượng phú dưỡng, làm chất dinh dưỡng cho tảo nở hoa. Ở đây có thể hiểu là các chất thải đưa ra ngoài biển quá lớn, chủ yếu là ô nhiễm các chất hữu cơ. Việt Nam đã bị rất nhiều rồi chứ không phải bây giờ mới có'', TS Tề khẳng định.

Sơn Ca - Báo Đất Việt (Tổng hợp)​
 

Việc làm nổi bật

Top