Tìm giải pháp gỡ khó cho nhiệt điện Sông Hậu 1

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Một trong những công trình đầu tiên áp dụng Quyết định 2414/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư các công trình điện cấp bách trong giai đoạn 2013-2020 là dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1. Tuy nhiên đến nay, công trình này đã chậm tiến độ rất nhiều so với cam kết trong hợp đồng mà nguyên nhân chính là do áp dụng Quyết định này.

Đơn giá định mức: Mỗi bên áp dụng một kiểu

Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 thuộc Trung tâm điện lực Sông Hậu được xây dựng tại xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang có công suất 1.200 MW (2x600MW), bao gồm hai lò hơi, hai tuabin và hai máy phát cùng hệ thống phụ trợ. Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư, Tổng Cty LILAMA-CTCP làm tổng thầu EPC.

213852baoxaydung_image001.jpg

Một số định mức chuyên ngành cho gia công, chế tạo thiết bị cấu kiện của nhà máy nhiệt điện không thống nhất được cách áp dụng.
Một trong các cơ chế của Quyết định 2414/QĐ-TTg là việc cho phép áp dụng phương thức điều chỉnh giá nêu trong điều khoản Hợp đồng EPC đối với công tác thi công xây dựng, lắp đặt và gia công chế tạo trong nước khi thị trường có biến động về tỷ giá, đơn giá nhân công và giá nguyên vật liệu đầu vào, tạo điều kiện để Tổng thầu/nhà thầu phụ có đủ chi phí thực tế khi thi công dự án.

Tuy nhiên, theo Chủ đầu tư và Tổng thầu EPC dự án, thực tế trong quá trình thực hiện cho thấy, mặc dù đã cụ thể hóa phương thức điều chỉnh giá trên cơ sở hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền bằng các quy trình thực hiện được hai bên thống nhất, nhưng vẫn gặp khó khăn do các bộ định mức chuyên ngành đã ban hành lâu hoặc không phù hợp với dự án xây dựng công nghiệp, nên không phản ánh đúng chi phí thực tế mà các nhà thầu phải có đủ để thực hiện công việc.

213852baoxaydung_image002.jpg

Nhiệt điện Sông Hậu là nhà máy đầu tiên áp dụng Quyết định 2414 nhưng đang bị chậm tiến độ.
Đơn cử như đơn giá nhân công, theo định mức ngày công hiện nay dao động từ 166.000 đồng/ngày (lao động phổ thông) đến 231.000 đồng/ngày (thợ bậc cao) (Thông tư 01/2015/TT-BXD ngày 20/3/2015 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định chi phí nhân công). Trong khi đó, thực tế chi phí ngày công cho nhân công phải khoảng 370.000 đồng/ngày (lao động phổ thông) đến 800.000 đồng/ngày công (thợ bậc cao). Vì vậy, các nhà thầu đều không huy động nhân sự mà làm cầm chừng, có xu hướng chờ đợi đơn giá có điều chỉnh được không?

Một số định mức chuyên ngành cho gia công, chế tạo thiết bị/cấu kiện của nhà máy nhiệt điện có nằm trong định mức của Bộ Công thương và Bộ Xây dựng, nên Tổng thầu và Chủ đầu tư không thống nhất được cách áp dụng.

Chẳng hạn, đối với công tác lắp đặt kết cấu thép, Tổng thầu áp dụng Định mức 3814/QĐ-BCN ngày 26/12/2006, Chủ đầu tư áp dụng Định mức 1776/BXD-VP ngày 16/8/2007 (chỉ phù hợp với công trình dân dụng, không phù hợp đối với công trình Nhà máy điện).

Công tác chế tạo kết cấu thép, Tổng thầu áp dụng định mức 2572/QĐ-BCT ngày 23/04/2013, Chủ đầu tư áp dụng Định mức 1776/BXD-VP ngày 16/8/2007 (chỉ phù hợp với công trình dân dụng, không phù hợp đối với công trình Nhà máy điện).

Công tác lắp đặt tôn tường, tôn mái bao che, tấm sàn decking của hạng mục thi công nhà điều khiển trung tâm… ổng thầu áp dụng định mức phù hợp với biện pháp thi công được Chủ đầu tư phê duyệt theo tiêu chuẩn và quy phạm công trình công nghiệp của dự án. Chủ đầu tư áp dụng Định mức 1776/BXD-VP ngày 16/8/2007(phù hợp dự án xây dựng dân dụng).

Theo Hợp đồng EPC thì khi có các định mức đơn giá mới trên cơ sở phương thức điều chỉnh giá được Tổng thầu lập thì trình Chủ đầu tư và các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, thực tế thì BQLDA thay mặt Chủ đầu tư cũng chưa thể phê duyệt các đơn giá định mức mới do còn e ngại về thẩm quyền và cũng không chắc chắn cấp thẩm quyền cụ thể là cơ quan nào dẫn tới việc hiện nay các đơn giá/dự toán do LILAMA trình chỉ được tạm thanh toán 80% và sau khi trừ đi phần tạm giữ lại (10%). Theo quy định của thủ tục thanh toán, thực chất Tổng thầu chỉ nhận được 72% giá trị của công việc. Với giá trị lớn khi thi công công trình công nghiệp, việc chỉ được tạm thanh toán khoảng 70-80% sẽ để lại gánh nặng tài chính lên bất kỳ nhà thầu nào nên đã có nhiều nhà thầu phải rút khỏi dự án, chờ đợi phê duyệt đơn giá dự toán để thu hồi công nợ, công việc mà chưa biết đến bao giờ Chủ đầu tư mới thực hiện được.

Trong bối cảnh thị trường biến động giá liên tục, tăng nóng cục bộ, cộng thêm các vướng mắc về cách áp dụng định mức thì việc "lập" đơn giá dự toán của Tổng thầu và "duyệt" đơn giá dự toán của Chủ đầu tư đã không "gặp nhau" được.

Chủ đầu tư "lo ngại" việc duyệt đơn giá dự toán trong hoàn cảnh "không phù hợp thì không đủ chi phí" để tiến hành thi công mà "phù hợp" thì có khả năng kèm theo yếu tổ rủi ro về mặt pháp lý sau này khi phải giải trình với các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán của Nhà nước. Thêm vào đó, phương thức điều chỉnh giá trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhưng vẫn chưa được phê duyệt (sau 29 tháng kể từ khi ký hợp đồng), đẩy các nhà thầu thi công vào thế bị động về tài chính và không thể huy động nguồn lực tối đa, đảm bảo tiến độ dự án.

Thành lập Ban đơn giá công trình, nên chăng?

Trước thực trạng trên, đầu tháng 10 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đã có buổi làm việc tại Dự án nhiệt điện Sông Hậu nhằm tháo gỡ khó khăn cho dự án này. Báo cáo tại buổi làm việc, ông Hồ Xuân Hiền - Trưởng Ban Quản lý Điện lực Dầu khí Sông Hậu - đại diện chủ đầu tư Tập đoàn Dầu khí Quốc gia thừa nhận: Định mức và đơn giá xây dựng đầu vào tính theo công bố giá của địa phương cho các chủng loại thông dụng. Nhưng theo yêu cầu kỹ thuật của dự án thì các chủng loại vật tư có tính đặc thù và tiêu chuẩn kỹ thuật rất cao, do đó chi phí được thanh toán luôn không bù đủ chi phí thực tế nhà thầu mua sắm. Chưa hết, chi phí nhân công, vật tư tại khu vực thi công biến động tăng nóng theo tiến độ triển khai dự án, tuy nhiên các mức thang bảng lương và quy định hiện hành không phản ánh phù hợp với thực tế trên công trường.

213852baoxaydung_image003.jpg

Để giải quyết các vướng mắc về dòng tiền thanh toán, Tổng thầu đề xuất và được Chủ đầu tư đã cho phép phát hành bảo lãnh (hiệu lực trong vòng 6 tháng) để thanh toán phần giá trị giữ lại 20% đối với khối lượng nghiệm thu hoàn thành. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế để đảm bảo dòng tiền thi công nhưng là "con dao hai lưỡi" khi Chủ đầu tư tiến hành thu hồi bảo lãnh khi đơn giá dự toán không được phê duyệt kịp thời trong vòng 6 tháng do các vướng mắc không được giải quyết kịp thời.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đã yêu cầu Chủ đầu tư cần phải quyết liệt trong công tác chỉ đạo dự án. Và trong khi chờ đợi các cấp thẩm quyền giải quyêt các vướng mắc thì một trong những giải pháp tức thời đã được chứng minh mang lại hiệu quả đối với các dự án Lai Châu, Sơn La là thành lập ngay một Tổ định mức/đơn giá hay Ban đơn giá công trình "nằm" trực tiếp tại dự án, có đủ trách nhiệm và thẩm quyền xem xét và phê duyệt toàn bộ công tác định mức, đơn giá, dự toán để áp dụng cho dự án Sông Hậu 1, giải quyết ngay các vướng mắc mà các bên gặp phải khi lập và phê duyệt đơn giá dự toán.

Các chuyên gia cho rằng, để có được cái nhìn thấu đáo về bức tranh toàn cảnh của dự án hiện nay, Chủ đầu tư cần báo cáo đầy đủ các Bộ chủ quản và các cơ quan quản lý tình trạng vướng mắc thực tế khi các bên đều "lúng túng" hoặc "sợ trách nhiệm" khi thực hiện Quyết định 2414/QĐ-TTg và mạnh dạn đề xuất các giải pháp thực hiện, đảm bảo nguyên tắc chỉ đạo của Thủ tướng khi điều chỉnh đơn giá là "tính đúng, tính đủ" cho nhà thầu thi công dự án trên cơ sở các quy định hiện hành phù hợp và chi phí thực tế liên quan đến biến động thị trường.

Kinh nghiệm từ Ban đơn giá công trình tại thủy điện Sơn La, Lai Châu cho thấy: Những công việc chưa có định mức hoặc định mức không phù hợp Ban đơn giá công trình xây dựng bổ sung hoặc điều chỉnh định mức, trình cơ quan chức năng thẩm định. Ngoài ra, Ban đơn giá giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất phương án xử lý đối với các vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động của Ban đơn giá; việc bù, trượt giá hàng năm phù hợp với các quy định hiện hành về điều chỉnh giá tại từng thời điểm, đề xuất phương thức thực hiện tới Bộ chuyên ngành…

Ban đơn giá đã tham gia giải quyết các vướng mắc phát sinh về giá xảy ra trong quá trình thi công nhà máy. Điều đó đã góp phần đưa cả Nhà máy thủy điện Lai Châu và Sơn La đều về đích trước tiến độ, tiết kiệm cho ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng.

Các chuyên gia cho rằng, với những công trình mang yếu tố đặc thù như thủy điện hay nhiệt điện, nếu có vướng mắc phát sinh thì chủ đầu tư và nhà thầu có quyền đề xuất giải pháp xử lý, trong đó có cả việc thành lập Ban đơn giá công trình.

Vân Anh
baoxaydung.com.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top