Tổng giám đốc PVEP "Đóng mỏ" các đơn vị dầu khí nước ngoài hoan hô, Việt Nam không có nguồn thu thuế

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn mở rộng vừa qua, Tổng giám đốc PVEP Ngô Hữu Hải đã thẳng thắn chia sẽ "Giá dầu có thể suy giảm, nhưng niềm tin đối với ngành Dầu khí, đối với PVEP không được giảm".

Chúng ta vẫn phải đẩy mạnh công tác thăm dò, vì ngay bây giờ, giá dịch vụ bắt đầu giảm, độ trễ đã bắt đầu đến điểm, giá giàn khoan từ 140.000 USD/ngày, bây giờ chắc chắn đã giảm xuống khoảng 70.000 USD/ngày, thậm chí còn giảm hơn nữa.

Chúng tôi đã tính toán bao nhiêu phần trăm trong đó bắt buộc phải giảm, đó là tiền lương người lao động, dầu mỡ để chạy. Còn bao nhiêu phần trăm tiền của KPEC thì theo hợp đồng sẽ chậm 45 ngày, có thể 6 tháng, thậm chí 1 năm, còn hơn để các giàn nằm bờ.

phai-som-co-co-che-dac-thu-cho-petrovietnam.jpg

Một vấn đề cực kỳ quan trọng là phải có giải pháp đột phá về tài chính. Đó là xin Chính phủ một cơ chế xử lý nguồn vốn hoạt động cho tìm kiếm, thăm dò bằng cách trích tối đa 30% lợi nhuận sau thuế của PVN và PVEP.

Tuy nhiên, phải xin cơ chế này ngay ở thời điểm này thì mới có được sự ủng hộ của Đảng và Chính phủ. Với cơ chế này, mỗi năm chúng ta sẽ có tiền.

Từ trước đến nay, PVN có vai trò rất lớn ở tầm vĩ mô là nộp ngân sách Nhà nước. Đến lúc này khó khăn, chúng ta xin Chính phủ “tiếp sức” bằng cách đầu tư lại tiền. Hiện nay giá thành một thùng dầu ở đầu giếng là 25,5 USD/thùng, nhưng sau khi cộng tất cả các loại thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp chẳng hạn thì giá thành sẽ tăng lên là 45 USD/thùng. Nếu chúng ta bán giá 54 USD/thùng thì vẫn còn gần 20 đôla/thùng. Nhưng khi áp tất cả các loại thuế thì chúng ta sẽ lại lỗ 0,7 USD/thùng. Tôi đề nghị Nhà nước hoàn thuế doanh nghiệp cho PVEP và PVN trong trường hợp sau khi trừ các khoản giá thành và thuế, lợi nhuận sau thuế còn âm.

Năm 2015, tổng số tiền nộp thuế của PVEP là 8,3 nghìn tỉ, trong đó nếu là một công ty bình thường như hàng triệu công ty khác ở Việt Nam thì chúng tôi chỉ phải nộp 3,3 nghìn tỉ, nghĩa là chúng tôi sẽ dư ra 5 nghìn tỉ. Nhưng vì theo hợp đồng dầu khí, khi dầu lên đến đầu giếng thì sẽ ngay lập tức bị áp thuế trung bình 45% trong hợp đồng dầu khí, bất luận có lãi hay không. Điều này là tốt khi áp thuế đối với các doanh nghiệp nước ngoài, nhưng với PVEP thì Chính phủ nên có một cơ chế khác, có thể chỉ áp dụng trong vòng 2 năm 2016-2017 là chúng ta sẽ vượt qua khó khăn. Còn nếu không, chúng tôi sẽ phải đóng mỏ thì điều gì sẽ xảy ra? Nếu chúng ta đóng mỏ thì các đơn vị dầu khí nước ngoài họ hoan hô, còn Việt Nam chúng ta thì lại không có nguồn thuế. Nhưng nếu đóng mỏ, lấy đâu ra khí chạy các nhà máy điện, sản xuất phân urê; một loạt các nhà máy chế biến khác cũng đóng cửa… Không phải cứ chạy đi mua dầu, mua khí từ nước ngoài về mà đã là xong.

Chính vì vậy, chúng tôi khẩn thiết mong lãnh đạo Tập đoàn có phương án tài chính đột phá trình Chính phủ để giải được bài toán hiện nay, nếu không thì chúng ta sẽ rất khó khăn.

Ngoài ra, xử lý một số chi phí không thành công của dự án. Trong thăm dò, việc khoan chỉ có giá trị thành công về mặt thăm dò khoảng 40%, nhưng khoan thành công về mặt thăm dò rồi chuyển sang thương mại thì chỉ có 28-30% thôi. Chúng ta có gói chi phí cho việc không thành công là khoảng 50%, thậm chí là 55%, đó là chi phí sau khi hoàn thành các nghĩa vụ thuế, chúng tôi phải tính lập một quỹ để lấp phần đó. Nếu không, khi gói đó lớn lên thì rất nguy hiểm.

Hiện nay, có một vài dự án mà khoản chi phí tàu dịch vụ FSO quá căng, đến mức 75%. Như Lam Sơn JOC, mỗi ngày liên doanh này lỗ đến 65.000 USD, trong đó cấu thành lên giá thành hiện nay là 75% từ tàu FPSO. Còn như mỏ Sông Đốc, ban đầu chi phí là 120.000 USD/ngày, sau một quá trình đàm phán thì bây giờ không có xu nào hết.

Hiện nay chúng tôi có 3 tàu, đề nghị nội bộ chúng ta phải xử lý trước. Đó là FSO Đại Hùng Queen của PV Trans, tàu Bumi Amanda TGT 01 và tàu PV TRANS. Như ở Đại Hùng, giá tàu FSO chiếm đến 62% giá thành. Do đó ở Đại Hùng càng khai thác càng lỗ. Thứ hai là tàu Amanda Tê Giác Trắng của Liên doanh Vietsovpetro và Amanda của Hoàng Long JOC, mặc dù khá thành công, nhưng giá thành vẫn còn cao. Đặc biệt là Lam Sơn JOC với tàu PV TRANS, chiếm đến 74% giá thành. Nếu không có biện pháp xử lý thì PVEP xin phép đóng mỏ Lam Sơn đầu tiên, ít nhất là 3-6 tháng vì một đồng bỏ vào bây giờ là mất trắng và không có đồng nào đi ra.

Hơn lúc nào hết, tôi mong muốn và kêu gọi các đơn vị dịch vụ cùng PVEP đồng cam cộng khổ để vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt và nhất thời, trong khoảng 1-2 năm tới và cùng tới đích thành công, bởi chúng tôi ý thức được rằng trong mỗi thùng dầu của PVEP khai thác đều có mồ hôi của các đơn vị dịch vụ. Với tinh thần đó, tôi mong muốn Chính phủ và Tập đoàn thấu hiểu cho những khó khăn của PVEP và tin tưởng rằng chúng tôi sẽ có những giải pháp đột phá và thực sự ngoạn mục.

Trong cuộc họp với Ban Tổng giám đốc, tôi đã đề nghị các đồng chí lãnh đạo nên nêu gương, thậm chí là có thể tự nguyện cho công ty nợ lương. Khoản nợ lương này cũng không nhiều, chỉ khoảng 1 giếng khoan thăm dò, nhưng quan trọng hơn là ý thức của lãnh đạo, của người lao động và sự nung nấu hằng ngày, hằng đêm để cố gắng làm được gì cho PVEP, hôm nay chúng ta đã làm gì cho PVEP, cho PVN, ngày mai chúng ta phải làm gì để vươn lên và vượt qua khó khăn. Đó là điều quan trọng nhất và có thể trở thành một phong trào thi đua trong những công việc cụ thể, con người cụ thể, dự án cụ thể và có kết quả cụ thể. Bây giờ không phải là lúc chúng ta phát động thi đua một cách chung chung, lúc nhớ thì tổng kết, lúc không nhớ thì không tổng kết.

Trích Nguồn:Năng lượng Mới 498​
 

Việc làm nổi bật

Top