Vẫn nóng chuyện điều kiện kinh doanh gas

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Một chủ doanh nghiệp kinh doanh gas đã bay từ Đà Nẵng ra Hà Nội dự họp nhưng không được phát biểu nên tiếp tục bay vào TPHCM. Một giám đốc doanh nghiệp gas khác ở Nghệ An không thể dự họp ở Hà Nội ngày 27 thì hôm nay, 29-9, cũng đã bay vào TPHCM để tham dự một cuộc họp tương tự… Những cố gắng này của doanh nghiệp gas nhằm gặp cho được lãnh đạo Bộ Công Thương để có ý kiến về Nghị định 19, văn bản quy định điều kiện kinh doanh mặt hàng khí hóa lỏng (LPG - gas) đang làm họ khốn khổ suốt bấy lâu nay.

Ông Phan Tấn Bửu, đại diện cho Hiệp hội những nhà kinh doanh gas tại Quảng Nam và Đà Nẵng, người đã ra Hà Nội dự hội nghị tổ chức hôm 27-9 nhưng không có thời gian phát biểu, cho biết ngay khi Nghị định 19 được ban hành, các doanh nghiệp trong hiệp hội đã thấy những bất cập.

Thứ nhất, đó là quy định về điều kiện kinh doanh của thương nhân kinh doanh đầu mối phải có số lượng chai LPG các loại có sức chứa tối thiểu 2.620.000 lít (tương đương khoảng 100.000 vỏ) và sở hữu trạm chiết nạp.

Ông Bửu cho biết, so với Nghị định 107 trước đây, điều kiện về vỏ bình có giảm xuống nhưng Nghị định 19 áp dụng cho cả đối tượng là trạm chiết. Với những tỉnh nhỏ, quy mô thị trường không lớn như Quảng Nam thì doanh nghiệp kinh doanh trạm chiết không thể đáp ứng đủ điều kiện. Ông cho rằng, quy định này của Nghị định 19 là đi ngược lại với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư 2014.

Thứ hai, theo ông Bửu, Nghị định 19 có thêm điều kiện về tổng đại lý mà Nghị định 107 không có. Đó là phải có kho có tổng sức chứa 2.000 vỏ bình. Vấn đề là hiện tại ở Đà Nẵng, Quảng Nam không cấp phép lập kho chứa gas ở khu dân cư, phải vào khu công nghiệp. Trong khi đó, đã vào khu công nghiệp thì nhỏ nhất cũng là 10.000 mét vuông. “Chúng tôi không có khả năng thuê”, ông Bửu nói tại Hội nghị lấy ý kiến về các thủ tục hành chính của Bộ Công Thương diễn ra hôm nay, 29-9, tại TPHCM.

Ông Bửu kết luận: “Trên hết, tất cả các điều kiện của Nghị định 19, thương nhân đầu mối thực hiện được rất ít. Mục tiêu của Nghị định 19 là đưa ngành kinh doanh khí vào quy chuẩn nhưng cuối cùng lại làm lợi cho các công ty lớn”. Và tình trạng này đang khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa phá sản, ảnh hưởng đến 10.000 lao động, tức 10.000 hộ gia đình.

Ông Nguyễn Minh Châu, đại diện Công ty cổ phần Dầu khí EPIC, người đã bay từ Nghệ An vào dự họp, thì lại có ý kiến ngược lại. Ông Châu cho biết để thực hiện theo Nghị định 107 với các điều kiện cao gấp 2, gấp 3 so với Nghị định 19, doanh nghiệp ông đã phải đầu tư bài bản. Nay hạ xuống, doanh nghiệp phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Thậm chí, sẽ cạnh tranh không lại với các cơ sở sang chiết lậu, chiếm dụng vỏ bình khi đối tượng này không phải tốn chi phí gì.

Theo ông Châu, các trạm sang chiết gas lâu nay thường làm hợp đồng gia công sang chiết cho một doanh nghiệp có thương hiệu. Tuy nhiên, được thuê sang chiết một nhưng làm thành ba, bốn trong khi cơ quan nhà nước không quản lý được. Đã có trường hợp trạm chiết bị công an bắt quả tang sang chiết lậu tới 3 lần nhưng cuối cùng không xử lý được và trạm vẫn tồn tại.

“Vì vậy, tôi tha thiết đề nghị Bộ Công Thương phải xem xét kỹ vấn đề này. Không thể tách rời trạm chiết ra khỏi thương nhân đầu mối. Không có bình gas thì lấy đâu mà chiết!”, ông Châu nói tại hội nghị.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Anh, đại diện Tổng công ty Gas Petrolimex, cho rằng trạm nạp thì phải thuộc thương nhân, bởi vì sang chiết lậu đang không quản lý được. Thêm vào đó, LPG là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nguy cơ cháy nổ cao nên cần tổ chức kinh doanh có bài bản, đầu tư lớn.

Vì vậy, theo ông Hoàng Anh, có thể quy định không đúng vĩnh viễn nhưng tại thời điểm hiện tại, với bối cảnh hiện tại thì cần phải có điều kiện như vậy để sàng lọc.

9d50d_gas.jpg

Ông Nguyễn Minh Châu, đại diện của EPIC, phát biểu tại hội nghị hôm nay. Ảnh: Minh Tâm
Sau ý kiến của ông Hoàng Anh, dưới hội trường vẫn có những cánh tay giơ lên. Tuy nhiên, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, người chủ trì hội nghị đã đứng lên phát biểu. Ông Khánh nói rằng, chắc vẫn còn có doanh nghiệp gas muốn có ý kiến nhưng xin dừng thảo luận về Nghị định 19 tại đây.

Việc dừng lại, không phải cắt đi quyền được nói của doanh nghiệp mà vì những ý kiến phát biểu đã thể hiện tất cả tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp, có nghe thêm nữa cũng chỉ là bấy nhiêu.

Về Nghị định 19 mà các doanh nghiệp vừa tâm tư, ông Khánh cho biết, các điều kiện đã được hạ thấp hơn rất nhiều so với Nghị định 107 trước đó. Nhưng sau khi ban hành thì Bộ Công Thương bất ngờ nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Điều này thể hiện trong quy trình xin ý kiến khi dự thảo không được suôn sẻ.

Ông cho biết, Bộ Công Thương đã kiểm tra lại quy trình và thấy rằng đã làm đúng khi đăng tải công khai 60 ngày trước khi ban hành, gửi văn bản đến tất cả các sở công thương, hiệp hội, VCCI... và không nhận được ý kiến phản ứng.

Ông Khánh cũng khẳng định, với một mặt hàng nhạy cảm như gas, việc quản lý hướng tới nhiều mục tiêu: tạo thuận lợi cho người kinh doanh, lập lại trật tự thị trường... Và muốn đạt nhiều mục tiêu thì sẽ có tác dụng phụ, ảnh hưởng đến doanh nghiệp nào đó.

”Chúng tôi khẳng định là Nghị định 19 không hề có mục tiêu là gạt bỏ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu còn nhỏ chưa đáp ứng được điều kiện làm thương nhân đầu mối thì doanh nghiệp đó có thể trở thành tổng đại lý. Bất kỳ ai cũng có thể kinh doanh nhưng tùy năng lực để quyết định làm gì trong chuỗi. Lên cao thì đáp ứng điều kiện cao hơn. Không thể nói không có kho, trạm chiết mà muốn kinh doanh nhiều tỉnh được. Doanh nghiệp chưa đầu tư lớn thì nằm ở phân khúc khác trong chuỗi kinh doanh”, ông Khánh nhấn mạnh.

Cuối cùng, ông Khánh kết luận, Nghị định 19 đã ”nóng” suốt nhiều tháng qua. Và Bộ Công Thương, theo yêu cầu của Bộ trưởng, đã và đang xem xét để điều chỉnh, sửa đổi một số quy định.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn​
 

Việc làm nổi bật

Top