Vận tải dầu khí sẽ tăng trưởng tốt

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Với nhận định lĩnh vực vận tải hàng lỏng đường biển sẽ tiếp tục hưởng lợi từ sự mở rộng của các dự án lọc hóa dầu và nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu ở Việt Nam tăng trưởng ổn định, Tổng CTCP Vận tải dầu khí Việt Nam (PVT) đang được nhiều nhà đầu tư đánh giá cao về tiềm năng tăng trưởng.

Cụ thể, là đối tác đảm trách 100% nguyên liệu đầu vào của nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất, đội tàu dầu thô (đóng góp 38-40% trong doanh thu vận tải) của PVT dự báo tiếp tục hưởng lợi với hiệu suất khai thác cao.

dqs_pic_4_640x360.jpg

Hiện tại, công ty này đang khai thác 2 tàu dầu thô (Hercules và Mercury) cho Dung Quất và cho thuê định hạn tàu còn lại trên tuyến quốc tế. Cung tàu trên thị trường các quý đầu năm 2016 theo chiều hướng giảm cùng với nhu cầu sản xuất lọc dầu tăng cao, đã giúp giá cước tàu dầu thô của PVT theo hợp đồng ký mới năm 2016 với NMLD Dung Quất tăng 5-7% so với bình quân 2015.

Hoạt động vận tải LPG cũng là một điểm đáng quan tâm của PVT. Mặc dù giá cước tàu LPG thế giới đối mặt với áp lực dư cung, tình hình kinh doanh tàu LPG (đang khai thác bởi Gas shipping- Công ty con của PVT) vẫn khá khả quan nhờ vào nhiều yếu tố.

Đơn cử, thị phần vận tải nội địa trên 90%, nhu cầu tiêu thụ LPG tăng tốt (10-12%/năm). Việc tham gia vận chuyển lượng LPG nhập khẩu trên tuyến nội địa từ quý II/2015 ước giúp tổng sản lượng LPG vận chuyển tăng 22-25% so với cùng kỳ, và đội tàu gần hết khấu hao giúp lợi nhuận mảng này ngày càng cao.

Đáng chú ý, tháng 7/2016, PVT đã mua lại 51% cổ phần của CTCP Vận tải Nhật Việt (NVT) từ Công ty con Gas Shipping (GSP) theo kế hoạch tái cấu trúc chung của PetroVietnam.

Với cơ chế hoạt động thông thoáng và sở hữu năng lực vận tải LPG khoảng 9.000Cbm (1/2 tổng năng lực đội tàu LPG nội địa), Nhật Việt đóng góp gần 1/3 lợi nhuận hàng năm cho GSP. Vì vậy, đóng góp vào lợi nhuận ròng cho cổ đông của PVT theo đó sẽ gia tăng 6-7 tỷ đồng/năm trong các năm sau.

Một yếu tố giúp cho thương hiệu PVT tăng trưởng tốt là trong năm 2016, dịch vụ kho nổi (FSO) và bảo dưỡng vận hành (O&M) được dự báo sẽ là động lực tăng trưởng cho lợi nhuận của PVT khi hoạt động đủ 12 tháng (thay vì chỉ 7 tháng trong năm 2015).

Áp lực giảm giá cước thuê kho nổi FSO Đại Hùng Queen phần nào được xoa dịu khi giá dầu thế giới hồi phục về vùng 40-50USD/thùng, sau khi rớt xuống 30USD/thùng cuối tháng 3/2015. Với đặc tính gắn kết cùng hoạt động của mỏ, dịch vụ này mang tính ổn định rất cao và tạo dòng tiền khá đều cho PVT.

Bên cạnh đó, hoạt động vận tải than cho các nhà máy nhiệt điện đã và sắp đưa vào hoạt động là rất tiềm năng. Theo kế hoạch, 5 dự án nhiệt điện được đầu tư bởi PetroVietnam sẽ đi vào hoạt động gối đầu từ nay đến 2020 với tổng nhu cầu than tiêu thụ hàng năm gần 15 triệu tấn.

Ngoài ra, với uy tín và năng lực của mình, PVT cũng được tin tưởng giao vận chuyển than cho các nhà máy nhiệt điện của chủ đầu tư Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) bao gồm Duyên Hải và Thái Bình 1. Do đó, hoạt động này tuy không sở hữu biên lợi nhuận cao nhưng với nhu cầu lớn, sẽ là một trụ cột mới trong tổng thể kinh doanh của PVT trong dài hạn.

Mai Phan - stockbiz.vn/​
 

Việc làm nổi bật

Top