Vì sao ngành điện và dầu khí khó thu hút đầu tư nước ngoài?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Bộ đặc biệt quan tâm đến công tác thu hút đầu tư vào các dự án điện, dầu khí. Tuy nhiên, những ngày này đang gặp khó khăn và thách thức do chính sách giá chưa khuyến khích.

Chiều ngày 1/2, Bộ Công Thương đã tổ chức buổi gặp gỡ báo chí nhân dịp Xuân Mậu Tuất. Tại đây, những vấn đề liên quan đến việc thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện và dầu khí được nhiều báo chí quan tâm.

Giá dầu khí và điện chưa khuyến khích đầu tư nước ngoài

Trả lời câu hỏi PV về việc thu hút đầu tư nước ngoài đối với các dự án dầu khí, đại diện Vụ Thăm dò và Khai thác dầu khí (Bộ Công Thương) cho biết, ngành dầu khí thời gian qua đã có sự phát triển mạnh mẽ. Đến năm 2010 đã hoàn thành chuỗi giá trị về tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, vận chuyển, chế biến lọc hóa dầu.

images2097208_IMG_9978.JPG.jpg

Thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 của Bộ Chính trị, thời gian qua, Bộ Công Thương tiếp tục khẳng định mục tiêu phát triển ngành dầu khí trở thành ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng, đồng bộ từ chuỗi tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, dự trữ, phân phối, xuất nhập khẩu, là ngành quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc. Đồng thời xây dựng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trở thành tập đoàn lớn, có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trong những năm qua, Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm đến vấn đề thu hút đầu tư vào ngành dầu khí và đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ xây dựng các nghị định thu hút đầu tư vào ngành kinh tế này. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư này còn phụ thuộc lớn vào tính khả thi của dự án.

“Doanh nghiệp luôn tính toán đến lợi nhuận khi đầu tư nhưng giá dầu khí hiện nay chưa khuyến khích. Kể cả doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư vào ngành dầu khí tại Nga, Peru… cũng đang gặp khó khăn vì giá dầu, thậm chí còn tìm cách giãn thời gian thực hiện đưa vào hoạt động. Đây là những thách thức trong việc thu hút đầu tư”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bày tỏ quan điểm.

Ở lĩnh vực điện, ông Đỗ Thắng Hải cũng chia sẻ, hiện Việt Nam được đánh giá là 1 trong 6 quốc gia có chính sách đầu tư cởi mở nhất ở trong khu vực châu Á, nhưng trong lĩnh vực điện vẫn chưa thu hút được các nhà đầu tư bởi giá điện chưa hấp dẫn.

“Hiện giá điện là do Chính phủ quyết định và sau một thời gian dài mới quyết định tăng 6,5% hồi đầu tháng 12/2017. Trong khi đó, thực tế nguồn đầu vào chỉ có tăng lên, đây rõ ràng là vấn đền khiến các doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Vốn đầu tư đăng ký cấp mới trong tháng đầu tiên của năm mới

Cũng liên quan đến tình hình đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/1/2018, cả nước có 166 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 442,59 triệu USD, bằng 35,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, có 61 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 456,78 triệu USD, tăng 155% so với cùng kỳ năm 2017.

Đáng chú ý, vốn đầu tư đăng ký cấp mới trong tháng 1/2018 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2017, do trong tháng 1/2017 có nhiều dự án quy mô vốn từ 100 tới gần 300 triệu USD được cấp phép (chiếm hơn 71% tổng vốn đăng ký cấp mới trong tháng 1/2017) trong khi đó trong tháng 01/2018 không cấp phép mới dự án nào trên 100 triệu USD.

Theo lĩnh vực đầu tư, trong tháng 1/2018 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn xấp xỉ 909 triệu USD, chiếm 72,4% tổng vốn đầu tư đăng ký trong tháng 1/2018.

Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 90 triệu USD, chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 3 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư đăng ký là 77,6 triệu USD, chiếm 6,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Đối với các dự án lớn được cấp phép trong tháng 1, theo thống kê của Cục đầu tư nước ngoài có dự án Công ty TNHH Kefico Việt Nam, cấp phép năm 2009 với mục tiêu sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ tại Hải Dương điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 120 triệu USD.

Dự án Công ty TNHH Vina Cell Technology, cấp phép năm 2016 với mục tiêu sản xuất pin năng lượng mặt trời tại Bắc Giang điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 100 triệu USD.

Dự án nhà máy dệt và may trang phục Ramatex Nam Định, tổng vốn đầu tư 80 triệu USD do nhà đầu tư Singapore đầu tư tại Nam Định; Dự án Công ty TNHH Sơn Jotun Việt Nam, cấp phép ngày 19/01/2018, tổng vốn đầu tư 70 triệu USD do nhà đầu tư Nauy đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh.

Riêng về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, Cục đầu tư nước ngoài cũng cho biết, trong tháng 1/2018, cả nước có 6 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam là 6,46 triệu USD.

Trong đó có 3 dự án thuộc lĩnh vực bán buôn bán lẻ với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam là 5,17 triệu USD, chiếm 80% tổng vốn đầu tư. Ba dự án còn lại thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ lưu trú và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ.

Các nước nhận đầu tư của Việt Nam trong tháng 1/2018 là Canada, Campuchia, New Zealand, CHLB Đức, Belize, Myanmar.

Yến Nhi
vnmedia.vn
 

Việc làm nổi bật

Top