Bộ Công Thương sẽ bàn giao 11 dự án nghìn tỷ thua lỗ về ‘siêu ủy ban’

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết sẽ có 11 trong tổng số 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương được chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

11-du-an-thua-lo-ban-giao-ve-sieu-uy-ban.jpg

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Cty CP Gang thép Thái Nguyên.

Sáng 9/7, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đã chính thức ký kết bàn giao nhiệm vụ xử lý một số dự án doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương từ Bộ Công Thương sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng cho biết sẽ có 11/12 dự án được chuyển về “siêu ủy ban”. Còn lại dự án nhà máy bột giấy Phương Nam sẽ tiếp tục bàn giao trong thời gian tới.

“Mặc dù bàn giao song Bộ Công Thương vẫn sẽ tiếp tục phối hợp với Uỷ ban thực hiện nhiệm vụ của mình liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp trong khuôn khổ mới”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Bộ trưởng nhấn mạnh thêm, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Công Thương được phân công Thường trực Ban Chỉ đạo về nghiên cứu và xây dựng kế hoạch xung quanh 12 dự án kém hiệu quả.

Hiện nay, 2 dự án bắt đầu có lãi, thậm chí có kiến nghị đưa ra khỏi danh sách 12 dự án. Các dự án còn lại phần lớn đã cắt lỗ, đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều dự án có những khó khăn không đơn giản như câu chuyện về hợp đồng quốc tế, đầu tư công nghệ, sự thiếu đồng bộ... không thêm đồng vốn, không bổ sung nguồn lực..

Vì vậy, việc bàn giao 12 dự án sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để tiếp tục triển khai, giúp xử lý nốt và hoàn thiện việc sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này.

66356146_2113397172121705_6963221561205587968_n.jpg
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đã chính thức ký kết bàn giao nhiệm vụ xử lý 12 dự án thua lỗ.

Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp – ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết hai bên sẽ thường xuyên trao đổi, phối hợp để xử lý tồn đọng liên quan đến các dự án bàn giao.

Trong quá trình xử lý các dự án yếu kém này, ông Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh đến việc tăng trách nhiệm của người đứng đầu tập đoàn, tổng công ty có dự án thua lỗ, kém hiệu quả. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề và sẽ là tiêu chí đánh giá có hoàn thành nhiệm vụ hay không. Đáng lưu ý, 2 năm không thoàn thành nhiệm vụ là có vấn đề và cần xem xét.

Báo cáo kết quả thực hiện Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số doanh nghiệp chậm tiến độ và kém hiệu quả ngành công thương, ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết trong số 6 nhà máy trước đây hoạt động kinh doanh thua lỗ thì đến 2018 đã có 2 nhà máy hoạt động bước đầu có lãi.

Cụ thể là nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 Hải Phòng lợi nhuận đạt 195,55 tỷ đồng (tăng 180,767 tỷ so với năm 2017) và nhà máy thép Việt Trung có lợi nhuận 456,8 tỷ đồng (tăng 290, 6 tỷ đồng so với năm 2017).

Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất, hiện đã có 2 dự án vận hành sản xuất trở lại và 1 dự án hoàn tất việc chuẩn bị để khởi động trở lại.

Hiện tại, nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ đã vận hành trở lại 3 dây chuyền của phân xưởng sợi Filament từ ngày 20/4/2018 và nâng lên 10 dây chuyền từ ngày 13/1/2019.

Cùng đó, dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi đã vận hành từ ngày 14/10/2018 theo Hợp đồng hợp tác gia công với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tạp phẩm (Tocontap).

Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước cũng đã xử lý xong các khâu liên quan và sẵn sàng khởi động để vận hành thương mại ngay khi điều kiện thị trường thuận lợi.

Riêng với 3 dự án xây dựng dở dang, theo ông Dương Duy Hưng, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã phối hợp cùng đơn vị tư vấn định giá lại dự án và trình Bộ Công Thương phê duyệt kết quả để tiếp tục xây dựng phương án cũng như tổ chức triển khai bán đấu giá dự án theo quy định.

Hơn nữa, dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ tiếp tục gặp khó khăn do PVOil không phải là cổ đông chính (chiếm 39,76%), các cổ đông ngoài ngành (chiếm 60,24%) không góp thêm vốn để triển khai dự án đang xem xét phương án phá sản.

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên chưa giải quyết được tranh chấp Hợp đồng EPC với MCC và các nhà thầu phụ.

 

Việc làm nổi bật

Top