Dừng siêu dự án lọc dầu 22 tỷ USD: Loại bớt một mối họa

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Từng được mong đợi sẽ tạo ra sự đột phát lớn về kinh tế cho miền Trung nói chung và Bình Định nói riêng, siêu dự án lọc hóa dầu Victory có tổng vốn đầu tư 22 tỷ USD đã chính thức bị loại bỏ. Nhưng đây có thể lại là điều may mắn cho nền kinh tế.

Trong tuần trước, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã chính thức tuyên bố sẽ chấm dứt, thu hồi tổ hợp dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội, hay còn gọi là dự án lọc hóa dầu Victory, do Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) đề xuất.

Siêu dự án đổ bể

Theo ông Dũng, quyết định trên được đưa ra là do dự án không đảm bảo tính khả thi, chậm trễ kéo dài, và gây ảnh hưởng lớn đến tình hình thu hút doanh nghiệp khác đầu tư vào khu kinh tế Nhơn Hội. Victory là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất từng được đề xuất ở Việt Nam cho đến nay. Cụ thể, dự án có tổng vốn đầu tư 22 tỷ USD và công suất chế biến là 400.000 thùng dầu một ngày.

hoa-dau-copy.jpg

Động thái này thể hiện dự dứt khoát của chính quyền địa phương đối với dự án này. Hồi đầu năm, UBND tỉnh Bình định đã yêu cầu PTT đến cuối tháng 6 phải trả lời về kế hoạch đầu tư dự án, nhưng theo thông tin từ địa phương thì nhà đầu tư Thái Lan đã không có phản hồi gì.

Cũng dễ hiểu về sự chậm trễ của PTT, bởi khi tập đoàn này đề xuất dự án đầu tư giá dầu và giá nhiên liệu vẫn đang ở mức rất cao, còn bây giờ thì giá dầu đã ở mức mà cách đây hai năm không ai tưởng tượng được. Giá dầu thấp cũng khiến đối tác của PTT là Saudi Aramco lâm vào tình cảnh khó khăn đến mức còn phải nghĩ tới chuyện niêm yết trên sàn chứng khoán để huy động vốn. Nếu không có sự biến động của giá dầu, thì rất có thể dự án sẽ được triển khai, bởi cả PTT và Saudi Aramco đều là những tên tuổi rất lớn và uy tín trên thị trường dầu mỏ thế giới, và tất nhiên các nhà đầu tư này không đến đây để trình dự án cho vui.

Dừng không thu hút dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội có thể là quyết định khó khăn với Bình Định. Các nhà lãnh đạo tỉnh trước đó đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào dự án này, hi vọng đây sẽ là đòn bẩy lớn cho sự phát triển kinh tế của địa phương.

Trong một báo cáo trước đây của địa phương, dự án lọc hóa dầu này nếu đi vào hoạt động sẽ đóng góp 3%-4% GDP cả nước và khoảng 40% GDP cho Bình Định, tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 30.000 lao động và khoảng 100.000 lao động gián tiếp. Chính vì vậy, nên dù Bình Định không được quy hoạch là nơi có dự án lọc hóa dầu, UBND tỉnh cũng đã đề xuất Chính phủ bổ sung dự án này vào quy hoạch ngành công nghiệp lọc hóa dầu của cả nước, và được chấp thuận.

Loại bỏ được rủi ro

Rõ ràng, một khi dự án bị loại bỏ vì tác động khách quan của thị trường dầu mỏ là một tin buồn với Bình Định. Tuy nhiên, có thể đây lại là tin vui với cả nước nói chung. Bài học về Formosa đã nhắc nhở rằng cái giá phải trả để thu hút một dự án lớn là quá đắt. Đã từ lâu nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã lên tiếng phản đối chuyện các địa phương đua nhau thu hút các dự án lọc hóa dầu. Không phải họ không nhìn thấy nguồn lợi mà những dự án này mang lại, nhưng điều họ quan ngại là những tác động về môi trường mà một dự án lọc hóa dầu có thể gây ra.

“Thái Lan cũng đang rất cần vốn đầu tư nước ngoài, tại sao một tập đoàn của Thái Lan lại mang hàng chục tỷ USD đi sang Việt Nam để xây nhà máy lọc hóa dầu mà không xây ở Thái Lan?” – Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đặt câu hỏi.

Theo ông Mại, chỉ có thể lý giải là vì người Thái cũng không muốn đặt một nhà máy lọc hóa dầu quy mô lớn như vậy trên đất họ, và họ muốn chuyển rủi ro tiềm ẩn của nhà máy sang một nước khác.

Ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, cũng đã từng đưa ra cảnh báo rằng các dự án lọc hóa dầu tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. “Nếu chúng ta kiểm soát không tốt, có thể đẩy ô nhiễm môi trường về Việt Nam” – ông Doanh nhấn mạnh.

Đó là mới nói về khía cạnh môi trường, còn xét về nhu cầu thì nhiều chuyên gia cũng đã lo ngại về chuyện “bội thực” dự án lọc dầu. Hiện tại Việt Nam mới có một nhà máy lọc dầu Dung Quất với công suất 6 triệu tấn dầu thô mỗi năm đang hoạt động.

Chuyên gia kinh tế của ANZ tại khu vực ASEAN và Thái Bình Dương, bà Eugenia F.Victorino, đã từng viết một bản nghiên cứu về tác động của giá dầu tới nền kinh tế Việt Nam và cho rằng việc chậm trễ đầu tư thêm nhà máy lọc dầu mới sẽ ảnh hưởng tới an ninh năng lượng của Việt Nam. Điều đó có thể đúng, bởi hiện tại nhà máy lọc dầu Dung Quất mới đáp ứng đủ 30% nhu cầu nhiên liệu cho cả nước.

Nhưng Việt Nam còn nhiều dự án lọc dầu khác đang được xây dựng hoặc đã quy hoạch. Trong đó phải kể đến nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, công suất 10 triệu tấn mỗi năm, đang được xây dựng, dự án lọc hóa dầu Vũng Rô cũng đã được cấp phép và khởi công giai đoạn một. Đó là chưa kể đến dự án lọc hóa dầu Vân Phong do tập đoàn JX Nippon Oil &Energy của Nhật và Petrolimex đang nghiên cứu đầu tư, và dự án lọc dầu Long Sơn đã được Chính phủ đưa vào quy hoạch từ khá lâu. Tất cả các dự án này đều có công suất lớn hơn Dung Quất. Hơn nữa, ngay cả Dung Quất cũng đã có kế hoạch mở rộng để nâng công suất lên gấp đôi hiện tại.

Khi PTT đề xuất dự án lọc dầu tại Nhơn Hội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã kịch liệt phản đối dự án này, cho dù PTT cũng có ý định mời PVN tham gia đầu tư. PVN cho rằng nếu dự án được đầu tư sẽ gây ra tình trạng thừa cung nhiên liệu tại Việt Nam, dù hiện tại Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu phần lớn nhiên liệu từ nước ngoài. Theo PVN, quy hoạch ngành dầu khi được lập ra lúc đó đã đủ để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu của cả nước đến năm 2025 hay thậm chí các năm sau đó, mà không cần dự án của PTT.

Như vậy, việc dừng dự án PTT có thể khiến Việt Nam không thu hút thêm được 22 tỷ USD vốn đầu tư, nhưng lại có thể tránh nhận lấy những rủi ro tiềm ẩn như đã từng xảy ra tại Formosa Hà Tĩnh.

Ông Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:Không nên cấp phép bất cứ dự án lọc dầu nào nữa

Lọc hóa dầu là một trong những loại dự án ta cần phải cân nhắc lựa chọn. Hiện nay tính cả các dự án đã triển khai hoặc chưa, chúng ta đã có công suất 55-60 triệu tấn, từ Nghi Sơn, Vũng Rô…, chưa nói đến dự án Nhơn Hội đã dừng lại. Hóa dầu VN mình xuất phát từ khai thác dầu thô, nhưng khai thác của Việt Nam chỉ khoảng 15-16 triệu tấn một năm. Cộng thêm nếu Lọc dầu Dung Quất mở rộng công suất, phải nhập thêm dầu nhẹ của Trung Đông để trộn vào, thì để các nhà máy hoạt động đúng công suất 55-60 triệu tấn, phải nhập 35-40 triệu tấn dầu.

Chúng ta tiêu thụ xăng dầu như hiện nay chỉ 20 triệu tấn một năm, có tăng trưởng hàng năm là 10% thì vẫn thừa. Trong khi đó, nhà máy lọc hóa dầu chiếm đất rất nhiều, giải quyết việc làm cho lao động cũng chỉ 5.000 – 7.000 người, giá trị gia tăng không quá lớn, lợi thì không bao nhiêu, nhưng ô nhiễm môi trường thì nguy cơ rất lớn. Như BP bao nhiêu năm mãi vẫn chưa xử lý xong sự cố ở Mỹ. Các địa phương cứ thích những dự án hàng tỷ, hàng chục tỷ USD, nhưng trong bối cảnh này, tôi cho rằng, cân nhắc lợi ích thì không nên cấp phép bất cứ dự án lọc dầu nào nữa.

TS Nguyễn Mạnh Hải –Trưởng Ban Chính sách Dịch vụ công –(CIEM)Kiểm soát chặt từ khâu phê duyệt dự án

Trong các dự án đầu tư, chúng ta thường không đánh giá hết được cái giá phải trả cho môi trường nếu xảy ra ô nhiễm. Nếu không quản lý chặt, các dự án sẽ liên quan đến ô nhiễm môi trường thường rất khó khắc phục, phải mất nhiều chi phí và trong một thời gian rất dài. Những dự án FDI lớn chỉ có thể tốt nếu như vấn đề môi trường được kiểm soát chặt chẽ. Bởi càng về sau, khi quy mô sản xuất tăng lên, khả năng gây ô nhiễm ở những dự án ấy càng nhiều hơn.

Quan trọng hơn, cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt từ khâu phê duyệt, chấp nhận dự án với những đánh giá tác động môi trường một cách nghiêm túc, tuân thủ thực sự đầy đủ các qui định về pháp luật môi trường.

Đôi khi những dự án nhỏ hơn, lợi ích kinh tế dường như ít hơn nhưng bảo vệ môi trường tốt hơn thì về dài hạn lại là những dự án có lợi ích kinh tế cao hơn những dự án lớn mà nguy cơ ô nhiễm cận kề…

N.Linh, P.Hà ghi

Ninh Kiều​
 
lại nói bậy rồi; các vị sang Thái xem khu Rayong họ làm gì nhé.
 

Việc làm nổi bật

Top