Sếp nhà máy đóng tàu Dung Quất đòi tăng lương

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất đề xuất tăng lương cho 8 viên chức quản lý từ 6,6 triệu đồng lên 21,3 triệu đồng một tháng.

Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất vừa công bố tình hình sản xuất kinh doanh, trong đó lần đầu xuất hiện những thông tin về thu nhập của nhóm nhân sự chủ chốt.

Dung-Quat-9613-1496913826.jpg

Năm 2016, quỹ lương của viên chức quản lý doanh nghiệp là 622 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với kế hoạch 2,3 tỷ đồng đề ra hồi đầu năm. Trung bình mỗi viên chức quản lý doanh nghiệp nhận lương 6,6 triệu đồng một tháng, thấp hơn cả thu nhập của người lao động. Đây là mức lương thấp nhất dành cho lãnh đạo từ khi công ty được chuyển giao về cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam - PVN) theo đề án tái cơ cấu vào năm 2010.

Ban lãnh đạo công ty cho rằng, mức tiền lương này chưa phù hợp vì phần lớn viên chức quản lý đều là nhân sự được Tập đoàn điều động từ những đơn vị thành viên có trụ sở tại các thành phố lớn, tình hình kinh doanh ổn định và hưởng chế độ đãi ngộ xứng đáng đến nhận nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn, khắc phục hậu quả trước đây của Vinashin để lại. Dù tiếp tục không trích quỹ khen thưởng và phúc lợi nhưng năm nay, công ty đề xuất tăng quỹ lương của viên chức quản lý lên 2 tỷ đồng. Theo đó, 8 nhân sự quản lý dự kiến nhận lương trung bình khoảng 21,3 triệu một tháng.

Điều đáng nói là kế hoạch đề xuất tăng lương được thực hiện ngay thời điểm thua lỗ triền miên, nợ vay nghìn tỷ quá hạn và Bộ Công Thương đã tính đến việc phá sản công ty.

Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất được thành lập vào năm 2006, là đơn vị chủ quản của nhà máy đóng tàu Dung Quất. Tại thời điểm chuyển giao về PVN, công ty có vốn điều lệ 3.758 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả lên đến 7.440 tỷ đồng. Dù được Tập đoàn rót gần 5.100 tỷ đồng để thanh toán nợ và tăng vốn điều lệ nhưng công ty vẫn đang trong tình trạng mất cân đối tài chính.

Trong năm qua, công ty ghi nhận doanh thu đạt 436,5 tỷ đồng và lỗ trước thuế 121 tỷ. Tổng nợ phải trả ước tính gần 6.900 tỷ đồng và lỗ luỹ kế hơn 3.674 tỷ đồng.

Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo PVN đánh giá và so sánh các phương án quyết định số phận của công ty. Theo đó, phương án thứ nhất là tái cơ cấu và đánh giá hiệu quả kinh doanh sau khi tái cơ cấu đối với từng trường hợp trực thuộc hoặc tách khỏi Tập đoàn. Phương án thứ hai là chuyển nhượng công ty. Thứ ba là phá sản theo quy định để xem xét báo cáo Thủ tướng. Sau đó, tiến hành đánh giá, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn.

Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất là thực hiện phương án phá sản thì giá trị ước tính PVN thu hồi vẫn thấp hơn nợ phải trả, chưa kể việc tốn chi phí lớn và chờ đợi khá lâu để hoàn tất thủ tục. Điều này có thể dẫn đến việc Tập đoàn sẽ mất trắng khoản tiền đầu tư, dù trước đó đơn vị này đã trích lập dự phòng toàn bộ.

Trái với nhận định bi quan về tương lai, phía công ty cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị để tháo gỡ khó khăn và sử dụng nguồn tiền gửi đang bị đóng băng tại Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) để phục vụ sản xuất, đồng thời đẩy nhanh công tác quyết toán, thu hồi công nợ các dự án sửa chữa và đóng mới đã hoàn thành. Đồng thời, sẽ cắt giảm lao động gián tiếp, tối ưu hoá giá thành dịch vụ, tiếp tục mở rộng mạng lưới khách hàng và nhà cung cấp… nhằm giành lại vị trí dẫn đầu ngành đóng tàu. Dự kiến doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm nay lần lượt đạt 983 tỷ đồng và 35,4 tỷ đồng.

Phương Đông - Vnexpress.net​
 

Việc làm nổi bật

Top