10 sự kiện nổi bật ngành Dầu khí năm 2015

Connect Unlimited

Administrator
Thành viên BQT
Năm 2015 là một năm nhiều biến động, thách thức và đầy khó khăn với ngành Dầu khí của Việt Nam. Chỉ còn ít ngày nữa năm mới 2016 sẽ đến, đây là lúc thích hợp nhất để nhìn lại toàn cảnh 10 sự kiện tiêu biểu của ngành Dầu Việt Nam ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước đã diễn ra trong năm 2015 do Diễn đàn Dầu khí Việt Nam - www.oilgas.vn bình chọn

1. Đón dòng dầu thương mại đầu tiên tại mỏ Bir-Seba

Ngày 12 tháng 8 năm 2015, có dòng dầu thương mại đầu tiên tại mỏ Bir-Seba lô 433a-416b ở Algeria

Sau hơn 10 năm chờ đợi, vào lúc 11 giờ 10 ngày 12/8 giờ Algeria (17 giờ 10 giờ Việt Nam), Hệ thống xử lý trung tâm (CPF) - Dự án phát triển khai thác mỏ Bir Seba (BRS) lô 433a-416b của Nhà điều hành GBRS (Algeria) - đã chính thức tiếp nhận dòng dầu của bốn giếng khai thác đầu tiên (BRS-6bis, BRS-9, BRS-12 và BRS-14) và ngọn lửa Flare đã chính thức rực cháy trên sa mạc Sahara, miền Nam Algeria.

Như vậy, sau 12 năm miệt mài lao động (2003-2015), dự án phát triển khai thác mỏ Bir Seba, Algeria đã chính thức có dòng dầu khai thác đầu tiên.

Đây là sự kiện vô cùng quan trọng đánh dấu rõ nét thành quả của PVEP/PVN cũng như các đối tác sau khi đã trải qua rất nhiều khó khăn và thử thách.

2. Hạ thuỷ dàn khoan Tam đảo 05 - Công trình trọng điểm nhà nước về cơ khí.

Giàn khoan Tam Đảo 05 là công trình cơ khí trọng điểm quốc gia, giàn tự nâng lớn nhất từ trước đến nay do Việt Nam tự thiết kế và chế tạo. Công trình được thiết kế theo mẫu JU-2000E của Mỹ, có thể hoạt động an toàn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất. Toàn bộ phần thiết kế chi tiết và lắp đặt đều do đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân Việt Nam đảm nhiệm. Giàn Tam Đảo 05 có tổng khối lượng hơn 18 nghìn tấn, chiều dài thân giàn 167 m, tổng mức đầu tư 230 triệu USD, có khả năng khoan sâu tới 9.000 m. Sau 21 tháng thi công với nhiều công đoạn phức tạp, PV Shipyard đã hoàn thành và hạ thủy thành công giàn Tam Đảo 05.

img_0041_rofa.jpg

3. Bắt đầu vận hành đường ống khí Nam Côn Sơn 2 (giai đoạn 1)

Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) ngày hôm qua, 14-12, đã bắt đầu vận hành đường ống khí Nam Côn Sơn 2 (giai đoạn 1), đưa khí từ mỏ Đại Hùng vào bờ. Đây là đường ống giúp bổ sung khoảng 7 tỉ m3 khí khô/năm cho khu vực phía Nam.

Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí khu vực Đông Nam Bộ nhằm thu gom khí từ các mỏ ngoài khơi thuộc bể Nam Côn Sơn và bể Cửu Long trên thềm lục địa Việt Nam vận chuyển về bờ đến nhà máy xử lý, chế biến khí và đưa đến các hộ tiêu thụ (nhà máy điện, đạm và các hộ tiêu thu công nghiệp).

4. Đưa dòng khí đầu tiên vào Tiền Hải -Thái Bình

Ngày 7.8, tại Tiền Hải, Thái Bình, TCty Khí Việt Nam (PV Gas) đã tiến hành đón dòng khí đầu tiên từ các mỏ từ Hàm Rồng và Thái Bình, lô 102 và 106 ngoài khơi vào bờ. Đây là dự án Hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình, lô 102 và 106 (giai đoạn 1) được PVN giao cho PV Gas làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 64,12 triệu USD, TCty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí VN (PTSC) làm tổng thầu EPC.

5. Khai thác giàn khoan ThTC-02 mỏ Thỏ Trắng

Ngày 7/12, Liên doanh Dầu khí Việt - Nga Vietsovpetro đã tổ chức lễ gắn biển, tổng kết thi đua xây dựng và đưa vào khai thác giàn ThTC-02 mỏ Thỏ Trắng.

Công trình giàn ThTC-02 được xây dựng tại phía Nam mỏ Thỏ Trắng, cách thành phố Vũng Tàu 120 km, có độ sâu nước biển 50 mét. Giàn ThTC-02 là kiểu giàn nhẹ điển hình phục vụ khai thác dầu khí với tổng trọng lượng giàn gần 3.400 tấn, có quy mô thiết kế cho 12 giếng khoan, công suất tiếp nhận và xử lý 6.000 tấn dầu/ngày đêm. Công trình có tổng mức đầu tư 64,2 triệu USD; trong đó, xây dựng giàn 47,5 triệu USD, đường ống ngầm 16,7 triệu USD. Công trình giàn khai thác ThTC-02 là điển hình về sự chủ động, làm chủ công nghệ của Vietsovpetro từ khâu thiết kế đến thi công, lắp đặt dạng giàn khoan nhẹ này.

6. Ký Hợp đồng Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Ngày 21/9/2015, tại trụ sở Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, Ban quản lý Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã cùng Liên doanh Quad Personnnel Consultants - Công ty TNHH Giác Thành ký Hợp đồng tư vấn giám sát (PC) giai đoạn tư vấn thiết kế tổng thể (FEED) Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

1_dung_quat_IZCC.jpg
Quad và Công ty TNHH Giác Thành (Quad Personnnel Consultants là nhà thầu tư vấn quản lý và vận hành cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất từ những ngày đầu đi vào hoạt động) sẽ đảm nhiệm vai trò hỗ trợ công tác giám sát thiết kế tổng thể với hợp đồng trị giá hơn 2,2 triệu USD. Dự kiến công việc sẽ được triển khai song song với Hợp đồng tư vấn lập thiết kế tổng thể mà Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn đã ký kết với nhà thầu Amec Foster Wheeler Energy Limited

7. Nhà đầu tư Qatar rút khỏi dự án Lọc hóa dầu Long Sơn 4 tỷ USD

Lọc hóa dầu Long Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu) là dự án liên doanh của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PetroVietnam), Tập đoàn SCG của Thái Lan và Tập đoàn dầu khí quốc gia Qatar (QP). Liên doanh này đã được Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cấp Giấy chứng nhận ngày 11/7/2008 với tổng mức đầu tư 3,77 tỷ USD. Dự án tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn có công suất thiết kế 2,7 triệu tấn, được xây dựng trên diện dích hơn 460 hecta, dự kiến 2019 sẽ đi vào hoạt động. Hiện PVN đang nắm 29% vốn, Tập đoàn QP chiếm 25% và Tập đoàn SCG đầu tư 46%.

Theo bản báo cáo ngày 10/9 của Ban chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm về dầu khí, tại cuộc họp cấp cao giữa ba cổ đông chính của dự án, gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn SCG của Thái Lan và Tập đoàn dầu khí quốc gia Qatar (Qatar Petroleum), Tổng giám đốc Qatar Petroleum đã thông báo rút vốn khỏi dự án với lý do là nằm trong định hướng tái cơ cấu và thay đổi chiếm lược của tập đoàn.

8. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kỷ niệm 40 năm thành lập (3.9.1975 - 3.9.2015)

Ngày 29.8, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập (3.9.1975 - 3.9.2015). Trải qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, thể hiện vai trò là đầu tàu và chủ lực của nền kinh tế.

9. PV Gas có sản lượng khí tiêu thụ cao nhất từ khi thành lập

Năm 2015 được xác định là năm PV Gas có sản lượng khí tiêu thụ cao nhất trong tròn 25 năm kể từ khi thành lập. Đây cũng là năm PV Gas vượt mốc 100 tỷ m3 khí lũy kế cung cấp cho khách hàng.

Năm 2015 cũng đã đánh dấu một năm thắng lợi mới của Gas: Dẫn đầu danh sách “50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2015” do Forbes bình chọn, nằm trong Top 10 của giải thưởng Sao Vàng Đất Việt 2015; Top 10 của “50 thương hiệu giá trị lớn nhất Việt Nam năm 2015” do Brand Finance (Anh) bình chọn; là đại diện duy nhất của Việt Nam trong Top 50 công ty giá trị nhất, Top 3 doanh nghiệp Khí Đông Nam Á do Tạp chí Nikkei Asian Review bình chọn...

10. Khai thác giàn dầu mới mỏ Tê Giác Trắng

Ngày 30/10/2015, ngành dầu khí Việt Nam tổ chức Lễ đón dòng dầu đầu tiên từ Giàn H5, mỏ Tê Giác Trắng do Công ty Điều hành Hoàng Long, liên doanh của các đối tác Việt Nam, Hoa Kỳ và Thái Lan điều hành.

Vào lúc 10h15’ ngày 13/8/2015, dòng dầu khí đầu tiên từ Giàn đầu giếng H5 Mỏ Tê Giác Trắng (TGT-H5-WHP) do Công ty Liên doanh Hoàng Long điều hành đã bắt đầu đưa vào hệ thống khai thác, sớm hơn 80 ngày so với kế hoạch được Chính phủ phê duyệt.

Dự án phát triển khối H5 có tổng vốn phê duyệt 324 triệu USD, được hoàn thành sau 22 tháng triển khai với 2,4 triệu giờ công an toàn, tiết kiệm hơn 37 triệu USD. Dự án giúp gia tăng sản lượng thêm 10.000-12.000 thùng/ngày, nâng sản lượng mỏ Tê Giác Trắng lên mức 40.000-42.000 thùng/ngày, 11,56 triệu thùng/năm.

Nguồn: Diễn đàn Dầu khí Việt Nam - oilgas.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top