Ai sẽ cứu giá dầu?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Trong bối cảnh giá dầu đang trượt dài, hội nghị không chính thức của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) với các nước phi thành viên diễn ra tại An-giê-ri từ ngày 26 đến 28-9 liệu có đem lại triển vọng vực dậy và bình ổn giá dầu hay không?

Dường như không có gì chắc chắn khi vẫn còn nhiều trở ngại để cuộc họp có thể đi tới thỏa thuận “đóng băng” sản lượng, giúp giá dầu gia tăng. Ngay trước thềm cuộc họp, quốc gia thành viên hàng đầu OPEC là A-rập Xê-út đã nhắc lại cam kết sẽ cắt giảm sản lượng dầu thô nhưng chỉ với điều kiện I-ran cũng đồng ý làm điều tương tự. Việc Ri-át phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần điều kiện này cho thấy, hai nước hàng đầu OPEC vẫn chưa đạt được đồng thuận trong nỗ lực bình ổn giá dầu. Một khi “nút thắt” này chưa được cởi, triển vọng OPEC đạt được một thỏa thuận chung chưa thể rõ ràng.

A-rập Xê-út đề xuất sẵn sàng giảm sản lượng xuống mức tương đương các mức hồi đầu năm, đổi lại, I-ran sẽ phải “đóng băng” sản lượng hiện ở mức khoảng 3,6 triệu thùng/ngày, nhưng hiện chưa rõ Tê-hê-ran có nhất trí hay không. Hồi tháng 4, I-ran đã khước từ tham gia thỏa thuận “đóng băng” sản lượng ở Đô-ha vì muốn đạt được mức sản lượng khai thác 4 triệu thùng/ngày trước khi “đóng băng” sản lượng. Tuy nhiên, Ri-át không chấp nhận điều này và thỏa thuận Đô-ha thất bại. Nhưng giờ đây, điều kiện của Tê-hê-ran không chỉ có vậy sau khi đã đạt được sản lượng mong muốn. Điều I-ran cần nhất lúc này là giá dầu thế giới phải ổn định ở mức 50-60USD/thùng. Vậy nhưng thực tế, giá dầu không thể nào vượt qua được mức 50USD/thùng trong vòng 2 năm qua sau khi thị trường dầu mỏ sụp đổ hồi tháng 7-2014.

260916hha01.jpg

Đưa ra yêu cầu như vậy nhưng chính A-rập Xê-út cũng không mấy lạc quan vào triển vọng đạt được thỏa thuận tại cuộc họp ở An-giê-ri. Bloomberg dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của A-rập Xê-út cho biết, nước này không trông chờ vào một thỏa thuận giữa OPEC và các nước sản xuất lớn phi thành viên tại cuộc họp ở An-giê-ri. Phát biểu này đã khiến giá dầu giảm 4% trong phiên giao dịch ngày thứ 6 (23-9) và là phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 13-7.

Hiện nay, mọi hy vọng dường như đang đặt cả vào hai “ông lớn” dầu mỏ là A-rập Xê-út và I-ran, bởi phần lớn các nước thành viên khác đều cam kết tham gia thỏa thuận “đóng băng” sản lượng. Các đồng minh của A-rập Xê-út trong OPEC là Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE), Ca-ta và Cô-oét dự kiến sẽ tham gia bất kỳ đề xuất cắt giảm nào nếu các nước thành viên OPEC đạt được thỏa thuận liên quan đến vấn đề sản lượng.

Tuy nhiên hiện nay, trở ngại chính đối với thỏa thuận “đóng băng” sản lượng là 3 nước Li-bi, I-ran và Ni-giê-ri-a đều muốn cùng nhau tăng sản lượng thêm 1,5 triệu thùng/ngày trong năm nay. Các quan chức Li-bi cho biết, nước này đang lên kế hoạch nhanh chóng tăng xuất khẩu dầu thô sau khi nắm quyền kiểm soát các cảng dầu quan trọng. Còn tại Ni-giê-ri-a, dự đoán xuất khẩu dầu thô sẽ tăng thêm 250.000 thùng/ngày trong tháng 9 sau khi đạt được lệnh ngừng bắn giữa chính phủ và lực lượng Niger Delta. Với I-ran, có lẽ chưa phải lúc để “đóng băng” sản lượng vì nước này vừa mới quay lại thị trường dầu mỏ toàn cầu sau khi thoát khỏi các lệnh trừng phạt của quốc tế.

Chủ tịch hãng tư vấn Alfa Energy của Anh, ông Giôn Hôn (John Hall) cho rằng, thỏa thuận “đóng băng” sản lượng với ngoại lệ là I-ran, Ni-giê-ri-a và Li-bi sẽ “vô giá trị” vì đồng nghĩa với việc các nước khác phải cắt giảm sản lượng. “Ông đưa chân giò” mà “bà không thò chai rượu” thì sẽ rất khó để đi tới thỏa thuận vì không một nước nào muốn từ bỏ thị phần mà họ đã phải rất khó nhọc mới giành được trong 2 năm giá dầu lao đao vừa qua. Và thực tế là các nước thành viên OPEC đã phần nào xua tan đồn đoán về khả năng thành công của thỏa thuận “đóng băng" sản lượng dầu thô trong tháng này khi nhiều nước đang cố gắng tăng sản lượng.

Bộ trưởng Năng lượng An-giê-ri Nu-rét-đin Bu-tê-pha (Nourreddine Bouterfa) cho biết, thách thức của cuộc họp không chính thức của OPEC là việc phải làm sao phân bổ hợp lý hạn ngạch về sản lượng dầu thô giữa các nước thành viên. Ông nhấn mạnh, không thể chỉ có OPEC phải gánh trách nhiệm “đóng băng” sản lượng trong khi các nước ngoài OPEC hưởng lợi. Ông cũng tỏ ra lạc quan việc “đóng băng” sản lượng nếu được thực hiện thì trong vòng từ 6 đến 8 tháng sẽ giảm được tình trạng dư thừa nguồn cung hiện nay khiến giá dầu sụt giảm.

Trong khi đó, trước thềm cuộc họp, Tổng thư ký OPEC Mô-ha-mét Ba-kin-đô (Mohammed Barkindo) đã đưa ra tuyên bố “giội gáo nước lạnh” rằng “sẽ chẳng có thỏa thuận “đóng băng” sản lượng dầu thô nào hết” và sẽ không có quyết định nào được đưa ra tại cuộc họp. Ông cho biết, OPEC sẽ cố gắng đạt được sự đồng thuận và kế hoạch hành động tại An-giê, sau đó có thể triệu tập phiên họp bất thường để đưa ra quyết định nếu tất cả các thành viên nhất trí.

Thực tế là các nước OPEC, kể cả A-rập Xê-út cùng các đồng minh, đều đang phải đối phó với những tác động tiêu cực do giá dầu sụt giảm mạnh. Họ đã buộc phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” sau một thập kỷ vung tiền thoải mái nhờ nguồn thu khổng lồ từ dầu mỏ. Thậm chí, Ri-át còn có chiến lược để thoát khỏi sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn thu không phải vô tận này. Khi tác động tiêu cực của giá dầu rẻ ngày càng lớn và đặt gánh nặng lên ngân sách thì cả Ri-át và Tê-hê-ran đều phát đi tín hiệu rằng họ sẵn sàng thể hiện sự linh hoạt hơn để cứu vãn giá dầu. Nhưng để nắm tay nhau cùng hành động thì không phải là chuyện dễ với cả hai. Hai cường quốc khu vực đều nuôi tham vọng mở rộng vai trò ở Trung Đông và đang trong giai đoạn căng thẳng ngoại giao. Cả hai đều mong muốn kiềm chế lẫn nhau, cả về kinh tế, để trỗi dậy ở khu vực.

MAI NGUYÊN - Quân đội Nhân dân​
 

Việc làm nổi bật

Top