Ảrập Saudi “cai” dầu mỏ được không?

Connect Unlimited

Administrator
Thành viên BQT
Tuyên bố của Ảrập Saudi về việc lập quỹ đầu tư công 2.000 tỉ đô la và chuyển đổi sang nền kinh tế không lệ thuộc vào dầu mỏ tuần qua bị nghi ngờ về tính khả thi và ý chí thật sự của vương quốc gia đình trị này.

Dự trữ ngoại hối của Ảrập Saudi giảm 13 tháng liên tiếp do giá dầu giảm ảnh hưởng tới tài chính nước này, theo khảo sát của HSBC. Tổng dự trữ ngoại hối chỉ còn 593 tỉ đô la trong tháng 2-2016, giảm 9,4 tỉ so với tháng trước đó, nhưng tính từ cuối năm 2014 đến nay tổng mức giảm là 150 tỉ đô la Mỹ. Chính quyền Ảrập Saudi tuyên bố thâm hụt ngân sách năm ngoái là 98 tỉ đô la, bằng 15% GDP nước này, do giá dầu giảm, và dự báo năm 2016 mức thâm hụt là khoảng 87 tỉ đô la. Với lực lượng lao động mỏng, các ngành xuất khẩu ngoài dầu đều nhỏ bé, trong khi giá dầu không có dấu hiệu quay lại như thời 2008, “đa dạng hóa nền kinh tế” là lựa chọn duy nhất của Ảrập Saudi lúc này trước nguy cơ sụp đổ.

Tuần rồi, Chủ tịch Hội đồng các vấn đề kinh tế và phát triển Ảrập Saudi Hoàng tử Mohammed bin Salman tuyên bố chuẩn bị lập quỹ đầu tư công (PIF) 2.000 tỉ đô la Mỹ, bằng cách bán khoảng 5% cổ phần tập đoàn dầu khí quốc gia Saudi Aramco, theo Bloomberg. Hoàng tử cho biết quỹ sẽ giúp chuyển đổi nguồn thu nhập chính của chính quyền Saudi từ dầu mỏ sang đầu tư, và “việc còn lại là đa dạng hóa đầu tư để 20 năm tới chúng tôi sẽ trở thành nền kinh tế không lệ thuộc dầu mỏ”.

Cai nghiện được không?

Quy mô quỹ đầu tư dễ gây choáng váng khi được ước tính là “có thể mua hết bốn tập đoàn lớn nhất thế giới: Apple, Alphabet (công ty mẹ của Google), Microsoft, và Berkshire Hathaway, thậm chí còn dư ra chút đỉnh. Nhưng liệu số tiền lớn như thế có làm được việc “đa dạng hóa nền kinh tế Ảrập” không lại là chuyện khác.

Ảrập Saudi được các nhà phân tích so sánh như một “doanh nghiệp chính trị” mà vua Abdullah là “CEO”. Thành viên hoàng tộc có cuộc sống cực kỳ xa hoa, dùng nguồn tiền dồi dào từ dầu mỏ và các cơ hội kinh doanh để mua quan hệ đồng minh và duy trì đế chế của mình hơn là một chính quyền quản trị minh bạch. Ở thời kỳ dầu mỏ cao giá, mọi vấn đề đều dễ dàng được giải quyết bằng tiền, người dân được ru ngủ bằng việc làm và các khoản bao cấp, nhưng một đất nước như vậy chuyển sang “hướng tới thị trường” có vẻ không hề dễ dàng.

f75ec_saudi_aramco.jpg

Thật ra, những kế hoạch đa dạng hóa nền kinh tế để thoát khỏi sự phụ thuộc vào doanh thu từ dầu không phải là chuyện mới. Chiến lược này chính quyền Saudi đã “quyết tâm” coi là ưu tiên hàng đầu từ nửa thế kỷ nay, nhưng chưa từng thành công. Những năm gần đây, chính quyền đã cố gắng mở rộng các ngành xuất khẩu ngoài dầu mỏ và đưa ra nhiều dự án nhằm tăng việc làm. Vương quốc đang đầu tư hơn 70 tỉ đô la Mỹ xây sáu “thành phố kinh tế” mới với hạ tầng hiện đại và môi trường thân thiện hơn với kinh doanh, với mục đích làm đầu mối thúc đẩy các công ty tư nhân hợp tác. Lãnh đạo luôn cam kết mở rộng sản xuất và ngành dịch vụ, tăng việc làm khối tư nhân và thu hút thêm đầu tư nước ngoài.

Cứ mỗi lần giá dầu xuống các tuyên bố “quyết tâm” chuyển đổi kinh tế lại rầm rộ, nhưng khi giá dầu lên mọi việc lại trở về như cũ, và vì thế kinh tế Ảrập Saudi vẫn cứ bám chặt lấy dầu như con nghiện lệ thuộc vào chất kích thích.

Một nghiên cứu của McKinsey ước lượng Ảrập Saudi cần 4.000 tỉ đô la Mỹ đầu tư để đa dạng hóa và mở rộng nền kinh tế đến năm 2030, và cần thêm 2,5 điểm phần trăm GDP đầu tư để có thêm 1% tăng trưởng. Tuy nhiên, nghiên cứu này khuyến cáo thay đổi chỉ có thể thực sự xảy ra nếu toàn bộ hệ thống từ chính quyền đến lao động phải thay đổi hướng đến thị trường và năng suất, và những vấn đề này khó giải quyết chỉ bằng tiền.

Cuộc cai nghiện đã bắt đầu: bước đầu tiên là giảm thâm hụt ngân sách bằng cách giảm chi tiêu và tăng thuế. Hoàng tử đã cam kết áp dụng thuế giá trị gia tăng 5%, các loại thuế “tội lỗi” vào đường và thuốc lá, và phạt đất để trống... Tuy thế, thay đổi một hệ thống ngân sách vốn 90% dựa vào nguồn thu từ dầu chứ không phải từ thuế, trả cho giáo dục miễn phí, y tế và điện, nước và nhà ở bao cấp không phải là dễ.

Tăng thuế và siết lại bao cấp chỉ là bước đầu. Những khoản tiền và dự án đầu tư chỉ có thể thành hiện thực với một lực lượng lao động hiệu quả, mang tính thị trường. Lao động của Ảrập Saudi chỉ chiếm 41%, hầu hết làm việc cho nhà nước, rất dễ tổn thương nếu ngân sách bị cắt giảm và lệ thuộc vào doanh thu dầu mỏ. Hơn một nửa lao động của nước này dựa vào công nhân nước ngoài theo các hợp đồng tạm thời.

Nếu nhớ rằng Ảrập Saudi không phải là một quốc gia cởi mở với lao động nhập cư, luôn phân biệt đối xử, kiểm soát chặt chẽ và hạn chế vai trò người lao động nhập cư trong hoạt động kinh tế ở đất nước này, sẽ thấy lực lượng lao động là vấn đề không nhỏ cho cuộc chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Sự bao cấp hào phóng từ nguồn tiền dầu mỏ đã che giấu những vấn đề lớn của nền kinh tế này là năng suất thấp và lệ thuộc vào lao động nước ngoài: người Ảrập Saudi dễ trở nên lười biếng, ngáp vắn ngáp dài trong những văn phòng nhà nước với đồng lương bao cấp chẳng cần phải phấn đấu gì.

Ngoài ra, có vẻ như kế hoạch của chính quyền sẽ làm thay đổi mọi mặt của vương quốc nhưng lại không động chạm gì đến những thể chế quan trọng nhất. Theo tuyên bố của chính quyền, từ y tế và giáo dục đến các doanh nghiệp nhà nước và dịch vụ công, bao gồm hàng chục công ty như hãng hàng không quốc gia, viễn thông và điện... sẽ hướng đến tư nhân hóa và môi trường cạnh tranh. Nhưng liệu điều này có khả thi không khi thị trường vốn rất mỏng và năng lực càng mỏng hơn. Đầu tư cho một thị trường với những đòi hỏi ở một thế hệ lao động, ngành công nghiệp không dầu, hạ tầng du lịch và những lĩnh vực khác là không rẻ, trong khi khó mà chiếm được niềm tin của các nhà đầu tư về tương lai của Ảrập Saudi.

Và trong các kịch bản không còn dựa dẫm được vào dầu, người ta lại nói nhiều hơn đến sự sụp đổ của vương quốc do gia tộc Saud cầm quyền.

Dầu và quyền lực gia tộc Saud

Việc IPO tập đoàn Saudi Aramco đã được nhắc đến từ tháng 1, làm xôn xao giới đầu tư quốc tế. Aramco lâu nay vẫn là một “bí ẩn” lớn của vùng vịnh, là “xương sống” của Ảrập Saudi. Lịch sử công ty này là câu chuyện khám phá và phát triển trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới và nhanh chóng đưa Ảrập Saudi từ vương quốc sa mạc thành một nhà nước hiện đại. Giá trị và hệ thống điều hành của công ty này đến nay vẫn là một ẩn số với giới đầu tư quốc tế.

Các nhà phân tích của Capital Economics còn nghi ngờ ý chí thật sự của việc “chuyển đổi kinh tế” và mở cửa cho đầu tư. Việc bán cổ phần Aramco nếu có, có thể chỉ để cho các lãnh tụ Hồi giáo giàu có mua lại chứ không phải thực sự mở ra cho nhà đầu tư nước ngoài, hoặc chỉ là một thủ thuật trên sổ sách để chuyển các tài sản và trữ lượng dầu của đất nước từ tập đoàn quốc doanh Aramco sang một quỹ đầu tư. Và cuối cùng, bản chất thu nhập vẫn sẽ từ dầu mà ra.

Đã có những hợp tác liên doanh giữa Aramco với Exxon, Total của Pháp; Sinopec của Trung Quốc; Dow Chemical của Mỹ và Sumitomo Chemical của Nhật. Tuy nhiên các chuyên gia cho biết những công ty nước ngoài này ít tiếp cận được thực sự với nguồn lực dự trữ dầu của Aramco và lợi nhuận của các công ty nước ngoài này cũng rất ít. Điều được nói đến nhiều nhất về Aramco là công ty lớn nhất thế giới này là một nguồn tiền khổng lồ cũng như nguồn thu nhập tài trợ cho các chính sách xã hội và chính trị của gia tộc cầm quyền Saud. Hay nói cách khác, Aramco là nguồn gốc thành công, quyền lực và ảnh hưởng của gia tộc này. Vì thế, theo các nhà phân tích, ngoài chuyện bán bớt Aramco có thể làm sụp đổ quyền lực của hoàng gia, việc IPO Aramco để “chống tham nhũng và tăng sự minh bạch trong việc điều hành Aramco” như tuyên bố của vị hoàng tử mới đây khó mà khả thi. Khi không còn nguồn tiền dồi dào, sự thiếu minh bạch và thao túng của hoàng tộc có thể dẫn đến bất ổn chính trị tăng lên.

Nhiều nhà phân tích nhìn thấy đây là thời điểm quan trọng gia tộc này mất sự trung thành từ các nước chư hầu và cả người dân trong nước - vốn được xây dựng bằng tiền và uy thế của dầu mỏ. Ngoài ra, Ngân hàng Anh Quốc đã cảnh báo nguy cơ các khoản đầu tư vào tài sản liên quan năng lượng hóa thạch sau hàng loạt cuộc thoái vốn khỏi lĩnh vực này của các quỹ đầu tư lớn, bao gồm những người thừa kế tập đoàn Rockefeller và Standard Oil ở Mỹ mới đây. Dễ hiểu các đế chế dầu mỏ đang cần tìm một chiến lược thoát ra dễ dàng, nhanh chóng và “hoành tráng”, ít nhất là với truyền thông.

Theo: thesaigontimes.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top