Bạc mặt vì giá dầu giảm, đại gia dầu khí cắt lương, giảm nhân sự

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Doanh thu giảm mạnh vì giá dầu giảm quá sâu khiến nhiều đại gia dầu khí phải cắt lương, giảm nhân sự.

Bạc mặt vì giá dầu

Giá dầu đã trở thành tâm điểm của thị trường trong hơn 1 năm trở lại đây. Giá dầu khiến thế giới phát sốt vì “lao dốc” ngoài sức tưởng tượng của các chuyên gia kinh tế. Từ mức đỉnh cao của mọi thời đại 147,27 USD/thùng, giá dầu liên tục lập các kỷ lục siêu thấp mới.

Trong những ngày đầu năm 2016, giá dầu giao dịch dưới mốc 30 USD/thùng. Thậm chí, có dự báo bi quan còn cho rằng giá loại hàng hóa thiết yếu này thậm chí có thể rơi xuống 10 USD/thùng.

Giá dầu lao dốc giúp giá xăng – yếu tố đầu vào của nhiều lĩnh vực giảm mạnh, tạo lợi thế cạnh tranh. Thế nhưng, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dầu. Vì vậy, bên cạnh việc tạo lợi thế cạnh tranh cho nhiều đơn vị, giá dầu cũng gây áp lực cho không ít đại gia dầu khí.

dau-khi-1.jpg

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là đơn vị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Mới đây, PVN đã thông báo tổng doanh thu 2015 của Tập đoàn đạt 560.000 tỷ đồng, giảm tới 25% so với năm 2014. Giống như PVN, nhiều công ty dầu khí cũng giảm mạnh doanh thu.

Công ty Cổ phần Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam - PVGasD (PGD) đã công bố kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2015. Trong quý 4/2015, doanh thu PGD chỉ đạt 1.188 tỷ đồng, giảm tới 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do công ty tiết giảm chi phí nên giá vốn hàng bán giảm mạnh giúp lợi nhuận gộp tăng đáng kể.

Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam – PTSC (PVS) lại không có được may mắn như PGD. Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2015 và cả năm 2015 của riêng công ty mẹ, trong quý 4, PTSC bắt đầu có dấu hiệu suy giảm doanh thu và lợi nhuận.

Công ty cho biết, do biến động giá dầu giảm, thị trường dịch vụ kỹ thuật dầu khí giảm mạnh dẫn đến doanh thu và lợi nhuận các lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí đều giảm so với cùng kỳ 2014. Doanh thu thuần riêng quý 4 của PTSC đạt 2.450 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ. Llãi sau thuế chỉ đạt 22,6 tỷ đồng nhờ thu nhập khác, giảm sâu tới 91,6% so với cùng kỳ 2014.

Trong vài năm trở lại đây, công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thương mại Dầu khí-IDICO (PXL) luôn công bố kết quả kinh doanh bết bát. Khi giá dầu giảm, tình hình tại PXL lại càng thê thảm hơn. Quý 4 năm 2015 PXL tiếp tục thua lỗ gần 4 tỷ đồng. Kết quả cả năm, PXL lỗ ròng 10,3 tỷ đồng.

Như vậy, nếu kết quả kiểm toán 2015 không xoay chiều lợi nhuận của PXL, công ty sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc do 3 năm (2013 – 2015) thua lỗ liên tục.

Đứng trước “thảm cảnh” giá dầu, nhiều đại gia dầu khí vội vàng giảm chỉ tiêu kinh doanh. Mới đây, công ty cổ phần Kinh doanh khí hoá lỏng Miền Nam (PV Gas South- PGS) đã công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2015.

Theo đó, Hội đồng quản trị công ty thống nhất điều chỉnh giảm chỉ tiêu doanh thu hợp nhất từ 7.078 tỷ đồng xuống còn 5.359 tỷ đồng tương ứng mức giám 24%. Nguyên nhân mà công ty đưa ra chính là giá dầu có diễn biến ngoài dự tính.

Sau PVGAS và PVGas South, đến lượt PVGas North cũng điều chỉnh giảm 32% chỉ tiêu doanh thu cả năm 2015.

Chưa chính thức công bố báo cáo tài chính 2015 nhưng Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVDrilling) đã đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2016 với những con số cực kỳ khiêm tốn so với kết quả ước đạt năm 2015.

Cụ thể, chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế được đề xuất lần lượt đạt 7.500 tỷ đồng và 500 tỷ đồng. Riêng lợi nhuận sau thuế, chỉ tiêu kế hoạch 2016 chỉ tương đương 30,3% kết quả năm 2015.

Cắt lương, giảm nhân sự

Doanh thu giảm khiến các đại gia rơi vào tình trạng lần đầu tiên phải co kéo ngân sách trong vài thập niên. Ông Nguyễn Hùng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn PVN dự báo lĩnh vực dịch vụ dầu khí sẽ giảm 40%-50% lợi nhuận do các công ty dầu khí gặp nhiều khó khăn, không có vốn đầu tư, tìm kiếm, thăm dò phát triển mỏ.

Ông cũng Dũng cũng cho biết PVN sẽ xem lại khả năng triển khai các dự án khai thác trong năm nay nếu diễn bị giá dầu vẫn như hiện tại.

Bên cạnh việc có nguy cơ phải dừng triển khai dự án, PVN đã cắt giảm lương thưởng. Theo tìm hiểu của phóng viên báo điện tử VTC News, năm nay, nhiều nhân viên PVN đã bị giảm tới 30% lương. Thưởng Tết tại PVN không còn cao ngất ngưởng như mọi năm. Thậm chí, thưởng Tết Dương lịch, có người chỉ nhận được vài trăm ngàn, thay vì vài tháng lương như trước đây.

Liên doanh dầu khí Việt- Nga (Vietsovpetro) thậm chí còn mạnh tay hơn PVN. Ông Từ Thành Nghĩa, Tổng Giám đốc Vietsovpetro cho biết 2015 là năm khó khăn của ngành kể từ 30 năm qua do giá dầu giảm quá sâu.

Vì vậy, trong năm 2015, Vietsovpetro hoàn tất việc giải thể 2 đơn vị trực thuộc, sáp nhập các phòng, ban, bộ phận sản xuất, tinh giản biên chế. Đến hết tháng 12/2015, Vietsovpetro cắt giảm 400 biên chế gồm 46 người Nga và 354 người Việt. Không chỉ cắt giảm nhân sự, Vietsovpetro còn mạnh tay giảm lương. Có nhân viên thậm chí bị giảm tới 50% thu nhập.

Năm 2016, Tổng Công ty Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm chi phí, đàm phán giảm lương chuyên gia nước ngoài, chuyển giao kỹ thuật từ người nước ngoài sang người Việt Nam để giảm sức ép về tiền lương.

Các lĩnh vực khác của ngành như cơ khí dầu khí, đóng mới, sửa chữa giàn khoan, vận tải dầu khí đều có doanh thu, lợi nhuận thấp hơn nhiều so với trước và sẽ phải lên kế hoạch thắt lưng buộc bụng trong năm 2016.

Nguồn: VTC.vn
 

Việc làm nổi bật

Top