Bảo đảm dòng dầu chảy liên tục cho đất nước

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Theo TS. Tống Cảnh Sơn – Phó Chánh Kỹ sư phụ trách KHCN, Viện Nghiên cứu Khoa học và Thiết kế, Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro, để có được Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KHCN đợt 5, tập thể cán bộ kỹ sư của Vietsovpetro đã tự mày mò, vừa học, vừa làm, sáng tạo và phát triển ra tổ hợp các giải pháp công nghệ mới, hoàn toàn khác với công nghệ truyền thống của thế giới để áp dụng cho điều kiện khai thác dầu ngoài khơi của Vietsovpetro. Đến thời điểm hiện nay, đã 30 năm thực hiện khai thác dầu ngoài khơi, Vietsovpetro vẫn luôn bảo đảm dòng dầu chảy liên tục cho đất nước.

AB%20489.jpg

TS. Tống Cảnh Sơn – Phó Chánh Kỹ sư phụ trách KHCN,
Viện Nghiên cứu Khoa học và Thiết kế, Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro

- Thưa ông, với cụm công trình “Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ thu gom, xử lý, vận chuyển dầu thô trong điều kiện đặc thù của các mỏ Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro và các mỏ kết nối trên thềm lục địa”, nhóm tác giả thực hiện đã có những cải tiến công nghệ gì?

TS. Tống Cảnh Sơn:
Tập thể cán bộ, kỹ sư của cụm công trình đã nghiên cứu sáng tạo và hình thành nên một tổ hợp các giải pháp công nghệ mới (khác biệt so với công nghệ truyền thống của thế giới) để xử lý và vận chuyển dầu các mỏ Bạch Hổ, Rồng và các mỏ lân cận bằng đường ống ngầm dưới đáy biển ngoài khơi, gồm:

Thứ nhất, giải pháp sử dụng hóa phẩm phi truyền thống CROMPIC (dùng trong dung khoan) để xử lý và vận chuyển thành công dầu bằng đường ống không bọc cách nhiệt;

Thứ hai, sáng tạo ra giải pháp công nghệ vận chuyển hỗn hợp dầu và khí bằng đường ống ngầm ở điều kiện dưới nhiệt độ dầu thấp hơn nhiệt độ đông đặc của dầu thô;

Thứ ba, nghiên cứu và đưa ra giải pháp dự đoán và điều khiển các quá trình vận hành đường ống ngầm ngoài khơi bằng cách ứng dụng toán học với việc sử dụng thứ nguyên Fractal và Entropi ở điều kiện thiếu thông tin;

Thứ tư, nghiên cứu và phát triển công nghệ vận chuyển dầu bão hòa khí bằng cách sử dụng thiết bị tách khí sơ bộ;

Thứ năm, nghiên cứu giải pháp sử dụng condensat để hòa trộn với dầu nhiều paraffin ở nhiệt độ thấp nhằm tăng khả năng lưu chuyển của dầu trong đường ống;

Thứ sáu, giải pháp tận dụng địa nhiệt của giếng dầu để xử lý thành công dầu nhiều paraffin có nhiệt độ thấp phục vụ vận chuyển đi xa bằng đường ống ngầm ngoài khơi;

Thứ bảy, giải pháp bơm thêm nước biển vào đường ống đang vận hành để tẩy rửa lớp lắng đọng paraffin mềm bên trong thành đường ống mà không cần dừng khai thác. Giải pháp này có thể thay thế cho hệ thống phóng thoi mà công nghệ truyền thống thường sử dụng.

- Những đóng góp của công trình cho ngành Dầu khí Việt Nam và sự phát triển của KHCN nước nhà là gì, thưa ông? Được biết, tính đến hết năm 2014, hiệu quả kinh tế trực tiếp Cụm công trình mang lại là 779,7 triệu USD. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này và cập nhật hiệu quả Cụm công trình đem lại cho đến thời điểm hiện tại?

TS. Tống Cảnh Sơn: Khả năng nghiên cứu của các cán bộ KHKT của ngành dầu khí trong điều kiện thiếu cơ sở vật chất, ít được tiếp cận các công nghệ tiên tiến của thế giới, đã sáng tạo ra một tổ hợp các giải pháp công nghệ mới, khác biệt so với công nghệ truyền thống. Đặc biệt, các giải pháp công nghệ vận chuyển dầu bão hòa khí, vận chuyển dầu dưới nhiệt độ đông đặc là bước ngoặt làm thay đổi quy hoạch mỏ của Vietsovpetro từ mô hình các dàn cố định (MSP) sang mô hình các dàn đơn giản (BK/RC), từ mô hình phát triển độc lập sang mô hình kết nối mỏ. Tạo điều kiện cho các mỏ dầu nhỏ có cơ hội được đưa vào khai thác, tận dụng tài nguyên cho đất nước. Từ đó, hiệu quả kinh tế của cụm công trình là chi phí tiết kiệm được tính bằng cách so sánh các chi phí trước và sau khi áp dụng giải pháp, cụ thể là: với việc chuyển đổi sang mô hình sử dụng giàn nhẹ (giàn đơn giản BK), sau 22 năm, Vietsovpetro đã tiết kiệm được khoảng 72,9 triệu USD, giảm được chi phí vận hành trung bình mỗi năm là 7,9 triệu USD; tiết kiệm do sử dụng mô hình kết nối 03 mỏ đã giúp Vietsovpetro tiết kiệm được lần lượt khoảng 520,6 triệu USD (tiết kiệm chi phí) và 706,7 triệu USD (chiết khấu tiết kiệm chi phí) và chi phí vận hành là 15 triệu đolla Mỹ. Hiệu quả này vẫn còn được duy trì cho đến cuối đời khai thác mỏ.

- Ông có thể nói rõ hơn về giải pháp công nghệ áp dụng trong việc vận chuyển hỗn hợp dầu và khí ở điều kiện nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ đông đặc được đưa ra trong cụm công trình?

TS. Tống Cảnh Sơn: Nguyên tắc trong vận chuyển dầu bằng đường ống là dầu phải luôn ở trạng thái lỏng trong suốt chiều dài đường ống của quá trình vận chuyển. Nếu để dầu ở trạng thái gần đông đặc hoặc đông đặc thì không thể vận chuyển được (do áp lực bơm dầu không đủ) gây nên nguy cơ tắc đường ống, sẽ ngưng trệ toàn bộ quá trình vận hành mỏ, gây hậu quả nghiêm trọng. Ở đây, vận chuyển dầu và khí ở điều kiện nhiết độ thấp hơn nhiệt độ đông đặc của dầu, không có nghĩa là vận chuyển dầu khi dầu đã đông đặc, mà phải sử dụng các giải pháp công nghệ để dòng dầu luôn dịch chuyển trong đường ống ở điều kiện nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ đông đặc. Trong công nghệ này, chúng tôi sử dụng nguồn khí đồng hành hòa tan trong dầu ở diều kiện áp suất 25-30at, sử dụng áp lực cao của dòng khí trong ống để đẩy dầu đến trạm thu gom và xử lý. Bên cạnh đó, còn có các giải pháp như sử dụng hóa phẩm giảm nhiệt độ đông đặc, xử lý gia nhiệt làm loãng dầu để vận chuyển, giải pháp bơm thêm nước biển vào đường ống để vận chuyển dầu ở điều kiện nhiệt độ thấp.

- Trong quá trình triển khai, nhóm nghiên cứu của ông có gặp những khó khăn vướng mắc nào? Và giải pháp tháo gỡ khó khăn đó là gì, thưa ông?

TS. Tống Cảnh Sơn: Khó khăn trong công tác nghiên cứu khoa học nói chung trong Vietsovopetro là đầu tư nguồn kinh phí và ứng dụng nghiên cứu vào thực tiễn. Các nguồn kinh phí đều phải tự chủ, thiếu nguyên vật liệu, đặc biệt là thiết bị chuyên dụng cho công tác nghiên cứu ở thời kỳ đất nước bị bao vây cấm vận hầu như không có. Để bảo đảm dòng dầu được khai thác liên tục ở những năm đầu tiên, Vietsovpetro là phải dùng cả những vật liệu phi truyền thống để xử lý dầu phục vụ vận chuyển bằng đường ống không bọc cách nhiệt. Trong nhiều trường hợp, cán bộ kỹ thuật của Vietsovpetro đã phải tự chế ra những thiết bị, thậm chí dùng cả những vật dụng hàng ngày trong sinh hoạt để chế thành thiết bị phục vụ nghiên cứu thí nghiệm. Khả năng cập nhật và tiếp cận thông tin và công nghệ tiên tiến của thế giới hạn chế, ít tài liệu, không được cung cấp thiết bị thí nghiệm hiện đại trong nghiên cứu, mọi thứ đều nhờ Liên Xô. Trong khi họ lại ít có kinh nghiêm trong nghiên cứu khai thác dầu ngoài khơi, đặc biệt với công nghệ xử lý và vận chuyển dầu nhiều paraffin như dầu các mỏ của Vietsovpetro.

Trong hoàn cảnh đó, tập thể cán bộ kỹ sư của Vietsovpetro đã tự mày mò, vừa học, vừa làm đã sáng tạo và phát triển ra tổ hợp các giải pháp công nghệ mới, hoàn toàn khác với công nghệ truyền thống của thế giới để áp dụng cho điều kiện khai thác dầu ngoài khơi của Vietsovpetro. Đến thời điểm hiện nay, đã 30 năm thực hiện khai thác dầu ngoài khơi, Vietsovpetro vẫn luôn bảo đảm dòng dầu chẩy liên tục cho đất nước. Thành quả đó, có một phần không nhỏ của công tác nghiên cứu khoa học.

- Người làm khoa học công nghệ luôn say mê với công việc và chẳng mong gì đến giải thưởng khen chê. Vậy cảm xúc của ông như thế nào khi cụm công trình được đề cử xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN?

TS. Tống Cảnh Sơn: Những nghiên cứu của chúng tôi đều xuất phát từ đòi hỏi của thực tế sản xuất để gỡ bỏ nhưng khó khăn, vướng mắc trong quá trình khai thác và vận hành các mỏ dầu khí của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro. Mục tiêu cao nhất của chúng tôi là nghiên cứu khoa học ứng dụng trong sản xuất và vận hành mỏ an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị.

Theo tôi, say mê với công việc thì bất kỳ lĩnh vực nào trong xã hội ta cũng cần chứ không chỉ riêng với người làm KHCN. Khi biết cụm công trình của chúng tôi được đề cử xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, tập thể các nhà khoa học và kỹ sư của Vietsovpetro rất vinh dự và tự hào. Đây là giải thưởng vô cùng quý giá đối với chúng tôi. Sự ghi nhận này sẽ là động lực để chúng tôi say mê hơn nữa trong công tác nghiên cứu, tìm ra nhiều giải pháp công nghệ phục vụ sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động thăm dò, khai thác và vận hành mỏ của Liên Doanh Việt Nga Vietsovpetro nói riêng và Tâp đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam nói chung.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Văn Thăng lược ghi (daibieunhandan.vn)​
 

Việc làm nổi bật

Top