Báo Mỹ: Nga thừa sức sống sót khi giá dầu giảm sâu hơn nữa

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Tình trạng giá dầu sụt giảm và đồng rúp rớt giá đã tác động không nhỏ tới nền kinh tế Nga nhưng Moscow vẫn có khả năng duy trì vị thế cường quốc kinh tế trên thế giới nhờ buôn bán vũ khí, vàng và các kim loại quý hiếm.

Cách đây 8 năm, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain từng tuyên bố rằng nước Nga dưới sự dẫn dắt của chính quyền Tổng thống Vladimir Putin sẽ chỉ có thể duy trì vị thế là một cường quốc trên thế giới chừng nào giá bán nhiên liệu vẫn ở mức cao. Và năm 2016 sẽ là năm để chứng minh nhận định của ông McCain đúng hay sai.

Trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm xuống nhanh chóng xuống còn dưới 30 USD/thùng thậm chí nhiều công ty dầu khí của Nga như Lukoil còn cảnh báo giá dầu có thể chỉ còn 20 USD/thùng, cùng với tác động từ lệnh trừng phạt của Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu, liệu nước Nga có thể vượt qua sóng gió và duy trì vị thế là “cường quốc” trong thế kỷ 21?

nga_infonet.jpg

Theo Giáo sư Nikolas K. Gvosdev, Biên tập viên tạp chí National Interest, cách đây 10 năm, khi giá bán dầu mỏ và khí đốt tự nhiên duy trì ở mức cao, chính phủ Nga đã thu được một khoản lợi nhuận khủng lồ. Số tiền này được dùng để phục vụ mạng lưới phúc lợi xã hội và duy trì khả năng thu hút các nhân tài thuộc tầng lớp trung lưu vào làm việc cho chính phủ. Còn trong những năm gần đây, doanh thu từ buôn bán năng lượng được chi trả cho công cuộc hiện đại hóa sức mạnh quân sự.

Song một số chuyên gia đánh giá nếu giá dầu thế giới trong vòng 7 năm tới duy trì ở mức 40 USD/thùng, chính phủ Nga cũng không có đủ tiền để chi trả cho các chiến lược đầu tư xã hội và quân sự như trong quá khứ. Để bù lại khoản thiếu hụt, Nga chỉ còn cách tăng cường hoạt động xuất khẩu để lấy số lượng bù doanh thu thất thoát.

Trong khi đó, dầu mỏ và khí đốt của Nga cũng đang phải cạnh tranh giành thị phần với mặt hàng khí đá phiến và dầu mỏ Bắc Mỹ, nguồn cung cấp được xem là có thể thay thế Nga tại thị trường châu Âu cách đây hai năm.

Tuy nhiên, đối thủ cạnh tranh tiềm năng nhất của Nga hiện giờ phải kể đến Iran. Nước cộng hòa Hồi giáo này sẽ quay trở lại thị trường dầu mỏ toàn cầu sau khi được gỡ bỏ lệnh trừng phạt và cấm vận liên quan tới chương trình hạt nhân tranh cãi của Tehran.

Trong quá khứ, một trong những nguyên nhân giúp Nga mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm năng lượng là do ngành dầu mỏ Iran nằm trong danh sách bị cấm vận. Còn hiện tại, sự tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang đóng vai trò quan trọng khiến giá dầu thế giới sụt giảm, tạo thêm áp lực với Nga trong việc duy trì thị phần toàn cầu.

Do đó, việc tăng sản lượng khai thác là điều cần thiết để duy trì doanh thu. Nhưng quan trọng tỷ lệ ủng hộ của người dân Nga đối với giới lãnh đạo đang ngày càng gia tăng cũng góp phần làm giảm nhẹ tác động từ lệnh trừng phạt của phương Tây khiến Nga rơi vào cảnh thất thu cả về kinh doanh hàng hóa và dịch vụ. Song nếu một cuộc khủng hoảng kinh tế như thập niên 90 tái diễn, chính phủ Nga sẽ lại rơi vào cảnh hỗn loạn khi không thể chi trả lương cho người lao động, nợ lương hưu và các khoản phúc lợi xã hội.

Tình trạng giá dầu sụt giảm chưa thể tác động lớn tới doanh thu của các công ty năng lượng Nga nhưng để duy trì vị thế là một cường quốc năng lượng trên thế giới, những công ty này cần huy động nguồn lợi nhuận để xây dựng khoản đầu tư quy mô lớn giúp các dự án mới sinh lời. Song xét về lâu dài, lệnh trừng phạt của phương Tây có thể tác động tới hoạt động tiếp cận công nghệ mới và tài chính của Nga.

Trong khi đó, những nhà kinh tế theo chủ nghĩa tự do lại cho rằng cuộc khủng hoảng giá năng lượng sẽ tạo áp lực buộc điện Kremlin tiến hành cải cách cấu trúc kinh tế mà cụ thể là tư nhân hóa các tập đoàn năng lượng quốc doanh như Rosneft và Gazprom cũng như chấp nhận sự hình thành của các công ty năng lượng tư nhân mới.

Động thái này sẽ tạo bước đà thi hành chính sách cải cách kinh tế vốn bị trì hoãn lâu nay nhằm cải thiện môi trường hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời chuyển khoản hỗ trợ của chính phủ Nga cho tầng lớp trung lưu sang lĩnh vực tư nhân.

Song trên hết, doanh thu từ năng lượng vẫn đóng vai trò then chốt trong tiến trình hồi phục nền kinh tế Nga. Trong khi doanh thu buôn bán hàng hóa của Nga chịu tác động tiêu cực từ tình trạng nền kinh tế toàn cầu sụt giảm cụ thể là thị trường Trung Quốc, nhưng với vị thế là nhà sản xuất lớn mặt hàng vàng và các kim loại quý, điện Kremlin vẫn có thể bù đắp ngân khố ngay cả trong hoàn cảnh đồng rúp tiếp tục rớt giá.

Theo ông Gvosdev, yếu tố địa chính trị cũng phần nào trợ giúp đắc lực cho nền kinh tế Nga. Dù sự tái xuất trên thị trường năng lượng của Iran gây ảnh hưởng tới thị phần toàn cầu của Nga song đây lại là cơ hội giúp Moscow bán một lượng lớn vũ khí quốc phòng cho Tehran.

Khi mà cuộc chiến ủy nhiệm giữa Iran và Ả Rập Xê-út vẫn tiếp diễn ở khu vực Trung Đông còn Tehran chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân tham vọng, Iran sẽ cần tăng cường năng lực phòng thủ truyền thống cũng như khả năng hỗ trợ và ủng hộ các quốc gia đồng minh trong khu vực. Thậm chí, chính quyền các nước Trung Đông cũng đang có xu hướng mua công nghệ quân sự của Nga trong bối cảnh an ninh khu vực vẫn đang bất ổn. Đây chính là nguồn thu tài chính giúp Nga bù đắp những tổn thất từ hoạt động buôn bán dầu mỏ và khí đốt sụt giảm.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.

Theo: Infonet.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top