Bị cáo Đinh La Thăng vì lợi ích nhóm, cố ý làm trái

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Tranh tụng tại tòa ngày 15.1, đại diện Viện kiểm sát chỉ rõ nhóm lợi ích ở PVN - PVC và khẳng định có căn cứ buộc tội “cố ý làm trái” đối với bị cáo Đinh La Thăng.

dao-thinh-cuong_anh-ttxvn_csat.jpg

Đại diện Viện kiểm sát (đứng, bên phải) trình bày quan điểm đối đáp bị cáo Đinh La Thăng (bên trái, phía trên) và Trịnh Xuân Thanh (bên trái, phía dưới)
Ngày 15.1, phiên tòa xét xử vụ án cố ý làm trái và tham ô tài sản, xảy ra tại Tập đoàn dầu khí quốc gia VN (PVN) và Tổng công ty xây lắp dầu khí VN (PVC) tiếp tục phần tranh tụng.

Bộ Chính trị, Chính phủ không có văn bản chỉ định PVC làm tổng thầu

Đại diện Viện KSND tối cao (VKS) đã đối đáp lại phần bào chữa của các luật sư (LS), về việc bị cáo Đinh La Thăng khai rằng chỉ định cho PVC làm tổng thầu dẫn tới sai phạm trong dự án xuất phát từ chủ trương của Bộ Chính trị đưa PVN thành tập đoàn lớn mạnh, chỉ định thầu cho PVC làm tổng thầu nhằm hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng ưu tiên phát huy nguồn lực nội địa, người Việt dùng hàng Việt.

Cụ thể, VKS trích dẫn chi tiết Kết luận số 41 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển PVN, cũng như văn bản của Thủ tướng lúc đó và khẳng định: “Kết luận của Bộ Chính trị không đưa ra bất cứ quy định cụ thể nào để yêu cầu PVN lựa chọn tổng thầu PVC và chỉ định để PVC đầu tư vào Nhiệt điện Thái Bình 2. Lời khai của bị cáo Đinh La Thăng là hoàn toàn không đúng”. Đại diện VKS cũng nêu Bộ Chính trị chỉ đưa ra chủ trương chung về việc phát triển PVN đến năm 2015, tầm nhìn đến 2025 nhằm xây dựng PVN trở thành một tập đoàn kinh tế mạnh, đa ngành, trong đó có việc đẩy mạnh, tăng doanh thu của tập đoàn. Đồng thời, triển khai Nghị quyết cũng như Chỉ thị của Bộ Chính trị trong việc người VN ưu tiên dùng hàng VN. Tương tự, Chính phủ cũng chỉ chủ trương phát huy nguồn lực, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Liên quan đến tội cố ý làm trái của bị cáo Đinh La Thăng, cơ quan công tố cũng nêu rõ vào giai đoạn năm 2010, PVC đang gặp khó khăn về tài chính và Chủ tịch HĐTV PVN biết tình trạng của PVC, nhưng trong các báo cáo của PVN gửi Chính phủ không nêu vấn đề này. Về kinh nghiệm làm tổng thầu, PVC mới chỉ tham gia xây dựng dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng và Nhơn Trạch 2, hoàn toàn không đủ năng lực để đảm trách tổng thầu dự án trọng điểm như Nhiệt điện Thái Bình 2 với số vốn hơn 34.000 tỉ đồng. Cũng theo đại diện VKS, khai báo trước tòa, chính bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cũng cho rằng thời điểm đó PVC không đủ năng lực làm.

VKS đưa ra quan điểm, PVN do nhà nước quản lý và giao cho PVN mục tiêu là kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển nguồn vốn tại PVN và vốn PVN đầu tư tại các dự án khác. Nhà nước giao cho bị cáo Đinh La Thăng là Chủ tịch HĐTV PVN để phát huy giá trị, lợi ích, đồng thời yêu cầu phải tuân thủ pháp luật. Nhưng bị cáo lại ưu ái cho nhóm lợi ích, chỉ định thầu kém năng lực gây thiệt hại nặng nề. Bị cáo Đinh La Thăng đã đưa bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận về làm Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc PVC. Biết PVC không đủ năng lực kinh nghiệm, năng lực tài chính yếu kém nhưng bị cáo Thăng vẫn ưu ái, bỏ qua các quy định chỉ định làm tổng thầu. Sau đó, lại chỉ đạo các bị cáo ở PVN và người liên quan ở Tổng công ty điện lực dầu khí (PVPower) ký hợp đồng EPC số 33 để tạm ứng tiền cho PVC trái quy định để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng sai mục đích, gây thiệt hại cho nhà nước. “Qua đó cho thấy mối quan hệ mang tính lợi ích nhóm trong vụ án này”, đại diện VKS khẳng định.

Vai trò của Trịnh Xuân Thanh bao trùm PVC

Đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh, trước yêu cầu của các LS bào chữa đề nghị VKS chỉ rõ hành vi bị cáo chỉ đạo bị cáo Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc PVC, trong việc ký hợp đồng số EPC số 33, đại diện VKS khẳng định: với tư cách là Chủ tịch HĐQT PVC, vai trò của bị cáo Trịnh Xuân Thanh là xuyên suốt quá trình ký hợp đồng, đề nghị tạm ứng tiền cũng như sử dụng tiền tạm ứng. Tại cơ quan điều tra, bị cáo Thanh khai: “Bản thân tôi với tư cách thành viên HĐQT, anh Vũ Đức Thuận, tổng giám đốc, các phó tổng giám đốc và trưởng ban các ban chuyên môn của PVC đều nắm được hồ sơ tổng thầu để ký hợp đồng 33 là chưa có”. Đại diện VKS cũng dẫn lại các lời khai của bị cáo Vũ Đức Thuận, bị cáo Nguyễn Ngọc Quý, nguyên Phó chủ tịch HĐQT PVC, khẳng định việc ký hợp đồng số 33 là thực hiện theo chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh với mục đích tạm ứng tiền cho PVC hoạt động.

Bên cạnh đó, đại diện VKS dẫn chứng hợp đồng EPC số 33 ký ngày 28.2.2011 nhưng đến ngày 10.3.2011, sau khi ký hợp đồng thì PVC mới có tờ trình về việc phê duyệt gói thầu EPC gửi lên HĐQT PVC để xin ý kiến và Trịnh Xuân Thanh cùng các thành viên HĐQT đã đồng ý.

Đối với tội danh tham ô tài sản, theo quan điểm các LS và chính bị cáo Trịnh Xuân Thanh, thì đó chỉ là hành vi thiếu trách nhiệm gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, chứ không phải tội tham ô như cáo buộc. Đối đáp lại luận điểm này, đại diện VKS đã đưa ra nhiều chứng cứ chứng minh bị cáo Thanh là chủ mưu, chỉ đạo cấp dưới tham ô tài sản trong việc thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Quảng Trạch 1 tại PVC. Cụ thể, cơ quan công tố dẫn lại lời khai của các bị cáo Lương Văn Hòa, nguyên Giám đốc Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC; Nguyễn Anh Minh, nguyên Phó tổng giám đốc PVC; Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc PVC và Bùi Mạnh Hiển, nguyên Chánh văn phòng PVC, tiếp tục khẳng định bị cáo Thanh là người đề ra chủ trương, yêu cầu các đơn vị cấp dưới chi tiền để PVC làm quỹ chi đối ngoại.

Theo đại diện VKS, toàn bộ việc chuyển tiền đều được thể hiện trong các tài khoản cá nhân tại ngân hàng của bị cáo Hòa cũng như tài khoản một số cá nhân tại văn phòng PVC. “Điều này phản ánh đúng chủ trương do Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận chỉ đạo thực hiện”, đại diện VKS chỉ rõ. Bên cạnh đó, đại diện VKS khẳng định, đối với dự án Vũng Áng - Quảng Trạch, muốn thi công các hạng mục của dự án phải có ý kiến của HĐQT PVC.

“Các bộ hồ sơ khống là bằng chứng phủ định quan điểm của bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho rằng cấp dưới qua mặt và đổ tội cho mình, vì bị cáo Thanh hoàn toàn biết rõ việc lập hồ sơ khống thông qua các hạng mục để chiếm đoạt tiền gửi về PVC”, đại diện VKS nhấn mạnh.

Về “chứng cứ ngoại phạm” của Trịnh Xuân Thanh mà LS bào chữa dẫn tại tòa rằng chứng từ giao dịch rút 5 tỉ đồng từ ngân hàng của bị cáo Lương Văn Hòa là vào lúc 17 giờ ngày 13.1.2012 tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Quảng Ngãi thì Hòa không thể đưa tiền cho Thanh tại Hà Nội vào lúc 15 giờ chiều cùng ngày do bị cáo Thanh có một chuyến bay từ Hà Nội tới TP.HCM khởi hành lúc 16 giờ. Tuy nhiên, đại diện VKS cho hay, chứng từ giao dịch mà các LS tiếp cận là chứng từ điện tử được Ngân hàng Agribank chi nhánh Quảng Ngãi in ra và đóng dấu xác nhận gửi cơ quan điều tra theo yêu cầu, chứ không phải chứng từ giao dịch gốc.

VKS cũng thu thập các chứng từ gốc tại Agribank chi nhánh Mỹ Đình và chi nhánh Tây Đô (Hà Nội) khẳng định ngày 13.1.2012, bị cáo Hòa đã rút 5 tỉ đồng tại Hà Nội, trong đó 1 tỉ đồng tại Agribank chi nhánh Tây Đô vào lúc 10 giờ 8 phút và 4 tỉ đồng tại Agribank chi nhánh Mỹ Đình vào lúc 10 giờ 50 phút.

Đề nghị giảm án cho 5 bị cáo

Căn cứ vào thái độ thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả và các tình tiết giảm nhẹ, Viện KSND đề nghị HĐXX giảm hình phạt cho các bị cáo Bùi Mạnh Hiển, nguyên Chánh văn phòng PVC; Lương Văn Hòa, nguyên Giám đốc Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC; Phạm Tiến Đạt, nguyên kế toán trưởng PVC; Lê Đình Mậu, nguyên Phó trưởng ban Kế toán, kiểm toán PVN và Nguyễn Ngọc Quý, nguyên Phó chủ tịch HĐTV PVC, so với mức đã đề nghị trước đó. Các bị cáo khác tiếp tục giữ nguyên mức án như đã đề nghị truy tố.

 

Việc làm nổi bật

Top