Bình minh mới của ngành dầu khí Brazil

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Thế giới sắp chứng kiến sự trỗi dậy của Brazil với tư cách là một siêu cường dầu khí Mỹ Latinh sau nhiều năm bết bát, quản lý yếu kém.

Giá dầu thế giới sụt giảm, bê bối tham nhũng trầm trọng và suy thoái kinh tế tồi tệ chưa từng có trong lịch sử Brazil trong mấy năm qua đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp dầu khí nước này. Các yếu tố nói trên đã gây ra sự sụt giảm đầu tư, đặc biệt là đầu tư từ các “ông lớn” dầu khí quốc tế vào Brazil, khiến quốc gia Nam Mỹ gặp khó khăn, không thể khai thác lượng dự trữ dầu mỏ khổng lồ ước tính tới 13 tỉ thùng dầu của họ.

Vấn đề chủ yếu là phần lớn trữ lượng này nằm ở các mỏ tiền muối ngoài khơi nước sâu - để khai thác triệt để được có thể rất phức tạp và tốn kém. Tuy nhiên, tiềm năng của chúng là rất lớn. Các bể dầu khí của Brazil có tỷ lệ khoan thành công cao nhất trên toàn cầu và Cơ quan Quản lý dầu khí quốc gia của Brazil (ANP) tin rằng, nếu khai thác có hiệu quả, khu vực tiền muối có thể giúp tăng trữ lượng dầu mỏ Brazil lên gấp đôi.

Các chuyên gia trong ngành công nghiệp dầu khí ước tính: Chỉ riêng mỏ dầu lớn nhất của Brazil ở khu vực tiền muối - mỏ Libra, đã cho trữ lượng có thể phục hồi được lên đến 15 tỉ thùng dầu. Suốt cả năm 2017, các mỏ tiền muối đã trở thành động lực chính để Brazil tăng sản lượng dầu. Và lần đầu tiên trong lịch sử, vào tháng 12-2017, sản lượng dầu khai thác từ các mỏ tiền muối đã chiếm hơn một nửa tổng sản lượng dầu mỏ của Brazil.

Mặc dù sản lượng dầu mỏ năm 2017 của Brazil tăng 4% so với năm trước đó nhưng các hoạt động khoan ngoài khơi và số lượng các phát hiện dầu mỏ lại giảm đáng kể. Đây được cho là hệ lụy của những sóng gió suốt mấy năm qua tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Brazil (Petrobras) - công ty được chỉ định là nhà điều hành duy nhất tại khu vực tiền muối. Gánh nặng nợ nần và bê bối tham nhũng tồi tệ không chỉ khiến nhiều quan chức cấp cao của Petrobras bị khởi tố, mà còn khiến tập đoàn này buộc phải cắt giảm chi tiêu cho hoạt động thăm dò, cũng như khoan dầu, để tập trung củng cố bảng cân đối tài chính và giải quyết các vụ kiện tụng tốn kém.

binh-minh-moi-cua-nganh-dau-khi-brazil.jpg

Các yếu tố khác cản trở đầu tư là chi phí hoạt động cao, hậu cần tốn kém và các thủ tục đầu tư, hành chính rườm rà, quan liêu. Trong bối cảnh giá dầu thấp, những yếu tố càng khiến các mỏ tiền muối của Brazil trở thành một khoản đầu tư không hấp dẫn đối với các công ty năng lượng nước ngoài. Vào tháng 12-2017, số lượng các giàn khoan đang hoạt động đã ít hơn một nửa so với 2 năm trước đó, trong khi số lượng các giếng đã hoàn thành năm 2017 chỉ bằng 1/7 của năm 2015.

Tuy nhiên, sau nhiều năm quản lý yếu kém, đã có những dấu hiệu cho thấy điều này sắp thay đổi và thế giới sắp chứng kiến sự trỗi dậy của Brazil với tư cách là một siêu cường dầu khí Mỹ Latinh.

Một sự kết hợp của các cải cách, bao gồm quy trình đấu thầu chính thức, các quy định được nới lỏng và việc loại bỏ độc quyền hoạt động của Petrobras trong khu vực tiền muối đang tạo hứng khởi cho các công ty dầu mỏ nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Brazil. Điều này kết hợp với giá dầu cao hơn, chi phí hoạt động giảm hơn và nhu cầu cao về dầu thô nhẹ thương mại khai thác từ khu vực tiền muối đã kích thích sự quan tâm đáng kể của các doanh nghiệp nước ngoài.

Tháng 10-2017, Brazil đã tổ chức đấu thầu các lô dầu khí trong khu vực tiền muối lần đầu tiên trong 4 năm qua và áp dụng các quy định mới được cải cách. 6 trong số 8 lô thăm dò mà họ mời thầu đã nhận được hồ sơ dự thầu. Nhiều “gã khổng lồ” năng lượng nước ngoài như Statoil (Na Uy), Exxon Mobil (Mỹ), Shell (Anh - Hà Lan) và BP (Anh) đã tham gia. Cuộc đấu thầu tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3-2018 với 70 lô ở ngoài khơi Ceará, Potiguar, Sergipe-Alagoas, Campos và Santos và bồn trũng trên bờ Parnaiba và Parana được mời thầu.

Một trong những đối tác đầu tư sớm nhất vào các mỏ tiền muối của Brazil là Chevron, mặc dù không tham gia cuộc đấu thầu tháng 10-2017 nhưng đang xem xét sẽ tham gia cuộc đấu thầu vào tháng 3-2018. Chevron trước đó đã tuyên bố có kế hoạch tăng hoạt động ở Brazil và đã đạt thỏa thuận sơ bộ với Schlumberger để khoan 6 giếng ở mỏ Frade năm 2019.

Ngoài ra, năm 2018 cũng hứa hẹn sự trở lại của Petrobras - công ty sở hữu và điều hành khoảng 30% tất cả các dự án tiền muối. Có những dấu hiệu cho thấy “cơn bão” càn quét tham nhũng qua Petrobras hai năm trước sắp “tan”, bình minh đang hé sáng và Petrobras đã có thể tập trung vào việc thúc đẩy hoạt động khoan và sản xuất thay vì ngược xuôi vất vả với những vụ kiện tụng.

Các bể dầu khí của Brazil có tỷ lệ khoan thành công cao nhất trên toàn cầu và Cơ quan Quản lý dầu khí quốc gia của Brazil (ANP) tin rằng, nếu khai thác có hiệu quả, khu vực tiền muối có thể giúp tăng trữ lượng dầu mỏ Brazil lên gấp đôi.
Hoàng Minh
Petrotimes.vn
 

Việc làm nổi bật

Top