Bộ Công Thương “tham vọng” về trung tâm chế biến dầu khí miền Trung

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, Bộ Công Thương đã trình và đề nghị Chính phủ ban hành quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam, giai đoạn đến năm 2025 định hướng đến năm 2035, trong đó đề xuất trung tâm chế biến dầu khí khu vực miền Trung mà nòng cốt là nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Tại Diễn đàn kinh tế miền Trung diễn ra hồi đầu tuần, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh đến “những việc cần làm ngay” để phát triển kinh tế Vùng duyên hải miền Trung (gồm 9 tỉnh, thành phố - PV).

Dầu khí là “nòng cốt” của kinh tế miền Trung?

Về xây dựng chiến lược quy hoạch phát triển khu kinh tế trọng điểm là công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp chế biến sản phẩm từ dầu mỏ trên cơ sở rà soát và quy hoạch lại khu kinh tế Dung Quất và Chu Lai, Phó Thủ tướng cho biết Bộ Công Thương đã trình Chính phủ.

“Bộ Công Thương đã trình Chính phủ để ban hành quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam, giai đoạn đến năm 2025 định hướng đến năm 2035, trong đó đề xuất Trung tâm chế biến dầu khí khu vực miền Trung là nòng cốt, mà nòng cốt là nhà máy lọc dầu Dung Quất” - Phó Thủ tướng cho hay.

dau-khi-mien-trung-1506704341273.jpg

Bộ Công Thương đề xuất Dung Quất nòng cốt của Trung tâm chế biến dầu khí khu vực miền Trung (ảnh: Báo Đầu tư)
Theo đề xuất của Bộ Công Thương, tại khu kinh tế Dung Quất sẽ quy hoạch các dự án, như: Dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất, tổ hợp hóa dầu sử dụng khí cá voi xanh, các nhà máy tua bin khí hỗn hợp Dung Quất 1-2-3, dự án ngoại quan chứa xăng dầu và dầu thô, kho dự trữ dầu thô, dự án nhà máy sản xuất xúc tác lọc hóa dầu.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, bây giờ là lúc để thực hiện khâu hạ nguồn của ngành công nghiệp dầu khí. Khâu thượng nguồn là thăm dò, khai thác dầu khí thì chúng ta biết trữ lượng không có nhiều, nhất là trữ lượng khai thác và có khả năng thương mại không nhiều lắm. Do đó, “phải tính tới khâu hạ nguồn và khâu chế biến, nhưng phải hết sức chú ý vấn đề bảo vệ môi trường” - Phó Thủ tướng nói.

Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị Ban chỉ đạo vùng miền Trung nghiên cứu thêm và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ trong quá trình ban hành quy hoạch mới về phát triển ngành dầu khí Việt Nam, giai đoạn đến năm 2025 định hướng đến năm 2035.

Không đầu tư dàn trải, phân tán nguồn lực

Về quy hoạch chiến lược hệ thống hạ tầng của vùng, nhất là kết cấu hạ tầng về giao thông, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu phải đảm bảo không có chồng chéo, không xung đột lợi ích, không đầu tư dàn trải, kém hiểu quả và làm phân tán nguồn lực.

Theo đó, hạ tầng giao thông của vùng phải xây dựng cơ chế đầu tư cảng biển, sân bay và giao thông kết nối vùng, trong đó có hoạt động của đầu tư tư nhân.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để triển khai một số kế hoạch đang tiếp tục sửa đổi, rà soát lại các kế hoạch đã thực hiện, nhất là các cảng biển nước sâu. Bộ GTVT tiếp tục rà soát các quy hoạch liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, nâng cao khả năng liên kết vùng, gắn kết với cảng biển và các hệ thống tổ chức logistic, các khu công nghiệp của vùng.

“Như cảng Vân Phong, ban đầu dự kiến làm cảng trung chuyển, nhưng tính tất cả các hệ số thì đạt 7 điểm, nhưng về hàng hóa chỉ được có 3 điểm. Tàu vận tải từ 250.000 tấn có thể vào cảng rất êm thuận, nhưng hàng hóa ít quá nên hiện giờ chưa biết phát triển Vân Phong theo hướng nào. Khi xây dựng khu kinh tế trọng điểm sẽ quyết định về Vân Phong” - Phó Thủ tướng cho biết.

Đối với việc xây dựng tuyến đường ven biển của vùng, Phó Thủ tướng đề nghị Ban chỉ đạo điều phối vùng chủ động bàn với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có một Đề án cụ thể, trên cơ sở quy hoạch đường ven biển, xây dựng theo quy trình thủ tục đầu tư công.

vuong-dinh-hue-1506393964256.jpg

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ
Được biết, hiện nay 6 tỉnh phía Bắc đang triển khai Đề án đường hành lang ven biển. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa có tiền cho toàn bộ tuyến nhưng đã phân bổ cho một số tỉnh.

Phó Thủ tướng gợi ý, trên cơ sở Đề án của Ban chỉ đạo vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ GTVT có thể tìm các nguồn vốn hợp pháp khác. Phó Thủ tướng kỳ vọng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đến giai đoạn 2020 và các giai đoạn sau sẽ thực hiện đề án này.

Đề cập tới kinh tế du lịch, lãnh đạo Chính phủ khẳng định du lịch miền Trung rất có tiềm năng. Phó Thủ tướng đồng ý với nhiều chuyên gia kinh tế rằng, muốn xây dựng và triển khai chương trình phát triển du lịch miền Trung trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì vùng này phải tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ít nhất 10% và ngành du lịch phải tạo lan toa cho ngành khác.

Châu Như Quỳnh
Báo Dân Trí​
 

Việc làm nổi bật

Top