Cần sớm đổi mới cách quản lý với ngành Dầu khí

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Việc giá dầu thế giới giảm sâu đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Nhưng ở chiều hướng ngược lại, xu hướng này cũng đang mở ra nhiều cơ hội mở rộng đầu tư, tìm kiếm - thăm dò - khai thác dầu khí. Tuy nhiên, để làm được điều này, nhu cầu vốn đầu tư của PVN rất lớn, đòi hỏi cần có sự thay đổi phù hợp trong cách tính thuế, phí với hoạt động dầu khí.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Trong tiến trình mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, ngành Dầu khí luôn được Đảng, Chính phủ xác định là ngành kinh tế giữ vai trò chủ lực, đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế và cũng là công cụ điều tiết vĩ mô, là cấu phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Và thực tế, với sự nỗ lực, quyết tâm của tập thể những người lao động dầu khí, PVN đã không ngừng lớn mạnh, trở thành Tập đoàn kinh tế lớn nhất nước và đang vươn tầm quốc tế. Hoạt động của PVN trên nhiều lĩnh vực, nhiều ngành đã giữ vị trí, vai trò định hướng, thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tỷ lệ đóng góp của PVN vào ngân sách quốc gia cũng thường xuyên ở mức cao, có thời điểm lên tới 30% tổng thu ngân sách quốc gia.

Tuy nhiên, những năm gần đây, trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm sâu, cũng như các tập đoàn, tổng công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực dầu khí, hoạt động của ngành Dầu khí gặp khó khăn. Doanh thu sụt giảm, hoạt động khai thác dầu khí thua lỗ, nguy cơ đóng mỏ hiện hữu… Nhưng cái khác ở đây là, nếu các tập đoàn, tổng công ty khác trên thế giới có thể đóng mỏ, giảm sản lượng khai thác… vì giá dầu giảm thì câu chuyện của PVN lại không hề đơn giản. Thu ngân sách từ dầu thô có thể giảm nhưng vẫn chiếm một tỉ trọng cao trong cơ cấu thu ngân sách hằng năm, vào khoảng 10%. Trong khi đó, hoạt động của PVN hiện cũng đang là sự đảm bảo cho hoạt động của các nhà máy nhiệt điện, sản xuất urê…

can-som-doi-moi-cach-quan-ly-voi-nganh-dau-khi.jpg

Tổng giám đốc Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) Ngô Hữu Hải khi đề cập đến câu chuyện đóng một số giếng có giá thành cao, sản lượng yếu khi giá dầu giảm đã nêu vấn đề: Nếu chúng ta đóng nhiều giếng thì trước hết ngân sách Nhà nước sẽ mất đi một nguồn thu lớn, sau đó là chuyện các nhà máy nhiệt điện, sản xuất urê lấy đâu ra khí để chạy, rồi một loạt các nhà máy chế biến các sản phẩm phụ của dầu thô... sẽ phải đóng cửa.

Nói vậy để thấy rằng, việc đóng giếng là không khó và phải tính toán rất cẩn thận, bởi nếu điều đó xảy ra, hậu quả của nó đối với nền kinh tế sẽ rất là lớn. (Xin lưu ý là một mỏ dầu có rất nhiều giếng. Có giếng sản lượng cao, có giếng sản lượng thấp... cho nên chỉ có thể đóng giếng nào kém). Không chỉ một ngành mà rất nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng, mà trước tiên đó sẽ là vấn đề đảm bảo cung ứng điện cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Năm 2016, theo dự báo của ngành điện thì do ảnh hưởng của tình trạng khô hạn kéo dài và diễn biến phức tạp, khắc nghiệt của hiện tượng EL Nino, việc đảm bảo cung ứng điện sẽ vô cùng khó khăn và nhãn tiền là tổng công suất thủy điện dự kiến sẽ thiếu hụt tới hơn 3,5 tỉ kWh. Chắc hẳn chúng ta vẫn còn nhớ, trong những lần đường PM3 buộc phải ngừng hoạt động để bảo dưỡng theo định kỳ, ngành điện đã phải vất vả ra sao…

Hoạt động của ngành Dầu khí vì thế không chỉ là câu chuyện của riêng những người dầu khí, đó là chuyện của cả nền kinh tế, của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

PVN đang trong thế “tiến thoái lưỡng nan”. Tập đoàn với trách nhiệm của mình với đất nước, với nền kinh tế từ năm 2015 đã áp dụng một loạt các giải pháp nhằm ứng phó với diễn biến bất lợi của giá dầu. Nhưng rõ ràng, những giải pháp này chỉ có thể giải quyết được một phần nhỏ những khó khăn mà Tập đoàn đang phải đối diện. Bởi có một thực tế, nếu các tập đoàn, tổng công ty dầu khí trên thế giới chỉ chịu tác động về việc giá dầu giảm thì trong bối cảnh hiện nay, PVN còn đang phải đối diện với áp lực rất lớn từ chính sách thuế, phí áp dụng đối với hoạt động dầu khí. Mà điển hình trong đó là chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng đối với hoạt động khai thác dầu khí.

Theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Thông tư hướng dẫn Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thì mức thuế áp dụng với hoạt động khai thác dầu khí sẽ 32-50%, gấp 1,6-2 lần mức thuế của hàng triệu doanh nghiệp khác của nền kinh tế. Và điều đáng nói là mức thuế này được áp dụng ngay lập tức khi dầu vừa lên giếng, bất chấp việc giá bán trên thị trường khi đó có bù đắp được các khoản chi phí khác hay không. Một chuyên gia trong ngành Dầu khí đã đưa phép tính: Nếu giá khai thác 1 thùng dầu tại đầu giếng là 25,5USD, trong khi giá bán ra được xác định là 54USD/thùng thì sau khi cộng tất cả các thuế, giá 1 thùng dầu vẫn lên tới 54,7USD. Như vậy, doanh nghiệp sẽ lỗ 0,7USD/thùng.

Rõ ràng, với một phép tính như vậy thì không một doanh nghiệp nào có thể duy trì hoạt động và phát triển được. Có người sẽ đặt vấn đề, vậy những năm giá dầu cao, lợi nhuận ngành Dầu khí thu về lớn thì sao? Tích lũy ra sao? Đang nằm ở đâu? Hay đã dùng vào việc gì?... Ở đây xin nói rõ một điều, theo các quy định hiện hành thì hằng năm, căn cứ theo diễn biến giá dầu thế giới, Nhà nước sẽ giao nhiệm vụ nộp ngân sách cho ngành Dầu khí đối với hoạt động khai thác dầu khí và theo một đơn giá nhất định. Trong trường hợp giá dầu xuống thấp như năm 2015 chẳng hạn, dự toán thu ngân sách từ dầu thô là 100USD/thùng nhưng tính chung cả năm chỉ khoảng 70USD/thùng, Quốc hội sẽ xem xét điều chỉnh dự toán thu từ dầu thô. Còn trong trường hợp giá dầu thô tăng, ngành Dầu khí làm ăn có lãi, ví dụ khoán thu từ dầu thô là 100 ngàn tỉ đồng nhưng hết năm PVN thu được 110 ngàn tỉ đồng, vượt 10 ngàn tỉ thì phần vượt doanh thu này cũng phải nộp lại cho ngân sách Nhà nước tới 75%.

Thứ nữa, PVN là doanh nghiệp Nhà nước nên mọi khoản lợi nhuận, doanh thu nếu có mang ra sử dụng đều phải báo cáo, xây dựng kế hoạch và được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì mới được thực hiện. Việc trích lập lợi nhuận, doanh thu vào các quỹ phục vụ công tác thăm dò khai thác, đầu tư hay dự phòng rủi ro… của PVN và các đơn vị thành viên cũng đều phải tuân thủ theo các quy định của Luật Dầu khí và các nghị định, thông tư của Chính phủ, Bộ Tài chính… Chúng ta đang hoạt động trong cơ chế thị trường, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng rõ ràng, với cơ chế quản lý hoạt động sản xuất - kinh doanh đối với PVN như vậy không hề được “mở cửa”. Mọi hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn đều phải dựa trên chiến lược phát triển ngành đã được Chính phủ phê duyệt.

Cơ chế thị trường cho PVN

Giá dầu thế giới giảm sâu đang tạo nên những tác động mạnh mẽ đến thị trường thế giới, nhưng là tác động có tính 2 mặt. Nó không chỉ mang đến khó khăn, thách thức mà còn mang cả đến cơ hội vươn lên, mở rộng thị trường, gia tăng trữ lượng nắm giữ dầu khí cho các tập đoàn, tổng công ty dầu khí, trong đó có cả PVN. Cơ hội đó theo Tổng giám đốc PVEP chính là việc giá dịch vụ giảm, giá thuê giàn khoan từ 140 ngàn USD/ngày thì giờ đã giảm xuống còn 70 ngàn USD/ngày và vẫn có thể giảm.

Và một điểm nữa, trong bối cảnh giá dầu xuống thấp trong một thời gian dài, không ít tập đoàn, tổng công ty buộc phải đóng mỏ, bán mỏ thì nếu PVN có tiềm lực, có vốn tích lũy có thể mua lại những mỏ này với giá trị thấp hơn nhiều so với thời điểm trước. Chi phí trong việc đàm phán các hợp đồng khai thác, thăm dò dầu khí vì thế cũng giảm mạnh. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, PVN rất cần sự thay đổi có tính đột phá trong tư duy quản lý Nhà nước đối với ngành Dầu khí. Như PVEP, trong năm 2015, nếu áp theo mức thuế của các doanh nghiệp khác thì tổng công ty sẽ chỉ phải nộp 3,3 ngàn tỉ đồng thay vì 8,3 ngàn tỉ như đã thực hiện. Khoản 5 ngàn tỉ đồng chênh lệch đó nếu được để lại cho doanh nghiệp sử dụng, tái đầu tư trong bối cảnh hiện nay thì chắc chắn trong một thời gian không xa, khi thị trường dầu khí thế giới tăng trở lại, lợi ích mang lại sẽ vô cùng lớn.

PVN suy cho cùng cũng là một doanh nghiệp, cái khác ở đây là trong doanh nghiệp ấy, Nhà nước là người nắm quyền chi phối, có thể là 100% vốn điều lệ nhưng cũng có thể là 50, 60 hay 70% vốn điều lệ. Hằng năm, dựa trên trên những tính toán về giá dầu, PVN sẽ phải thực hiện nghĩa vụ ngân sách với Nhà nước, hay nói theo thị trường thì đây là khoản cổ tức phải nộp cho “cổ đông” là Nhà nước. PVN cũng thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế như thuế tài nguyên, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu… như bất kỳ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản khác.

Vậy tại sao PVN lại phải chịu mức thuế thu nhập cao ngất ngưởng như vậy?

Đây là vấn đề bất cập cần được các cơ quan chức năng, các bộ, ngành trung ương nhìn nhận và có những kiến nghị, đề xuất thay đổi cơ chế quản lý đối với hoạt động dầu khí sao cho phù hợp. Và vấn đề trước nhất chính là việc điều chỉnh thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp sao cho phù hợp trong bối cảnh giá dầu xuống thấp như hiện này. Việc này là cấp bách vì nó không chỉ đảm bảo cho PVN duy trì hoạt động khai thác dầu khí mà còn giúp tăng khả năng tích lũy vốn, mở rộng đầu tư, gia tăng trữ lượng dầu khí cho quốc gia.

Có thể những thay đổi về mặt cơ chế, chính sách quản lý Nhà nước đối với PVN sẽ khiến đóng góp của ngành Dầu khí vào ngân sách Nhà nước sụt giảm, nhưng với việc tạo nền tảng cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, quy mô thu ngân sách sẽ được mở rộng. Hoạt động của ngành Dầu khí đã, đang và sẽ giữ vị trí, vai trò nòng cốt trong nền kinh tế quốc gia, là nền tảng, tiền đề cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực phát triển. Tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn mà ngành Dầu khí đang phải đối diện vì thế là vấn đề cấp bách, là đòi hỏi tất yếu trong nền kinh tế thị trường và cũng là sự đảm bảo cho mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước cũng như đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia!

Thanh Ngọc
Nguồn:Năng lượng Mới số 506​
 

Việc làm nổi bật

Top