Căng thẳng Triều Tiên đe dọa thị trường dầu khí

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Sau khi lần lượt phá vỡ nhiều giới hạn, bước đi tiếp theo của Bình Nhưỡng rất có thể là bắn nhiều tên lửa qua Nhật Bản cùng lúc

Trung Quốc sẽ đối mặt nguy cơ hụt mất hơn một nửa sản lượng dầu của nước này nếu căng thẳng xoay quanh chương trình tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên leo thang thành xung đột vũ trang.

Mở kho dự trữ

Cảnh báo nói trên được hãng tư vấn về năng lượng Wood Mackenzie (Anh) đưa ra trong báo cáo hôm 30-8. Theo đó, các nhà tư vấn cho rằng hành động quân sự bùng phát có thể chặn đứng dòng nhập khẩu dầu thô vào các nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc - vốn chiếm tổng cộng 34% hoạt động thương mại dầu bằng đường biển trên toàn cầu.

Ông Chris Graham, Giám đốc bộ phận sản phẩm khí đốt và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Wood Mackenzie, nhận định trong "trường hợp xấu nhất", Trung Quốc có thể lần đầu tiên phải mở nguồn dầu chiến lược được tích trữ từ 3-4 năm trước. Trong khi đó, với kho dự trữ dầu khẩn cấp đủ đáp ứng nhu cầu khoảng 90 ngày, cả Hàn Quốc và Nhật Bản có thể hành động tương tự. Riêng Nhật Bản có thể đẩy nhanh việc tái vận hành các nhà máy điện hạt nhân để bù đắp cho thiếu hụt dầu khí nhập khẩu trong trường hợp nổ ra xung đột.

chot-1504191653515.jpg

Đối với Trung Quốc, sản lượng dầu trong nước có thể tạo thành vùng đệm. Tuy nhiên, những cơ sở sản xuất chủ chốt nằm gần biên giới với Triều Tiên có nguy cơ bị gián đoạn. Theo ước tính của ông Graham, nếu căng thẳng leo thang, 58% sản lượng dầu của nền kinh tế số 2 thế giới có nguy cơ chịu tác động. Wood Mackenzie còn cảnh báo các thị trường dầu toàn cầu sẽ bị "ảnh hưởng nặng" một khi xung đột tác động đến Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Ba quốc gia này hiện chiếm 65% công suất lọc dầu của châu Á.

"Không phải trò chơi trên máy tính"

Có lẽ hiểu được những tác động tiêu cực nói trên nên người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhiệm Quốc Cường hôm 31-8 nhấn mạnh nước này không bao giờ chấp nhận có chiến tranh hoặc hỗn loạn ở cửa ngõ nhà mình. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này - bà Hoa Xuân Oánh - nói rằng tình hình trên bán đảo Triều Tiên là nghiêm trọng và không phải là trò chơi trên máy tính. "Một số quốc gia bỏ qua những khả năng đối thoại và chỉ nói đến chuyện trừng phạt. Hành động và ngôn từ của các nước này đóng vai trò hủy diệt thay vì vai trò xây dựng" - bà Hoa nhấn mạnh.

Những phát ngôn cứng rắn nói trên được đưa ra trong bối cảnh quân đội Mỹ điều động nhiều chiến đấu cơ đến tham gia tập trận chung với Hàn Quốc chỉ 2 ngày sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Đài CNN dẫn lời một quan chức không quân Hàn Quốc hôm 31-8 cho biết Mỹ đã điều 2 máy bay ném bom B-1B từ đảo Guam và 4 máy bay chiến đấu tàng hình F-35B tại Nhật Bản tham gia tập trận trên bầu trời Hàn Quốc cùng 4 máy bay chiến đấu F-15K của chủ nhà.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đề xuất ngân sách quốc phòng 47,9 tỉ USD cho tài khóa 2018, tăng 2,5% so với năm 2017 và đánh dấu mức cao nhất trong lịch sử nước này. Đề xuất kêu gọi chi tiền cho các hệ thống đánh chặn tên lửa SM-3 Block IIA mới để chống lại các cuộc tấn công tên lửa đồng loạt, cũng như các hệ thống radar và cảnh báo sớm thế hệ kế tiếp. Theo giới phân tích, sau khi lần lượt phá vỡ nhiều giới hạn, bước đi tiếp theo của Bình Nhưỡng rất có thể là bắn nhiều tên lửa qua Nhật Bản cùng lúc.

Trong khi đó, những tín hiệu chỏi nhau từ chính quyền Tổng thống Donald Trump về cách thức giải quyết vấn đề Triều Tiên làm dấy lên nghi vấn về chiến lược của Mỹ. Trong khi ông chủ Nhà Trắng tuyên bố "đàm phán không phải là giải pháp" thì Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis lại không cho rằng Washington đã hết giải pháp ngoại giao với Bình Nhưỡng.

THU HẰNG
Người Lao Động​
 

Việc làm nổi bật

Top