Căng thẳng vùng Vịnh có thể khiến giá dầu tăng vọt

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh hiện nay chưa thể tác động đến giá năng lượng trong ngắn hạn, song sự chia rẽ về lâu dài - vốn gây trở ngại cho các nguồn cung khí đốt của Qatar - có thể sẽ khiến giá dầu tăng vọt.

Trao đổi với báo giới, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Tài chính Kuwait, ông M.R. Raghu nhận định: “Nguồn cung dầu mỏ trên thị trường toàn cầu hiện đang dư thừa, rất ít khả năng những xung đột tại vùng Vịnh có thể gây ra một sự tăng giá mạnh đột ngột trong ngắn hoặc trung hạn”. Trên thực tế, sự gia tăng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ khiến nguồn cung dầu toàn cầu trở nên dư thừa, do đó việc một loạt quốc gia vùng Vịnh cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar hồi đầu tháng 6 "có thể chỉ gây ra một sự tăng giá nhẹ".

national-02-thumb.jpg

Tuy nhiên, chuyên gia Raghu đánh giá nếu cuộc khủng hoảng này leo thang thì đồng nghĩa với việc “các tuyến đường biển bị phong tỏa và chi phí chuyển tàu chở khí đốt sẽ gia tăng”. Trong khi đó, chuyên gia Jean-Francois Seznec thuộc Trung tâm Năng lượng toàn cầu của Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở tại Mỹ cũng cho rằng căng thẳng có thể khiến chi phí trung chuyển khí đốt qua vùng biển Iran tăng cao. Ông nhấn mạnh trong trường hợp căng thẳng tiếp tục kéo dài, có thể sẽ có một ảnh hưởng gián tiếp nhỏ. Tiền bảo hiểm sẽ bắt đầu gia tăng nhanh chóng và Qatar sẽ là bên phải chi trả cho sự gia tăng đó.

Mặc dù sản lượng khoảng 600.000 thùng dầu/ngày của Qatar chỉ chiếm chưa đến 1% tổng sản lượng dầu thô toàn thế giới, song Qatar vẫn là một nhân tố quan trọng trong thị trường khí hóa lỏng tự nhiên (LNG). Trong tổng số 80 triệu tấn LNG mà Qatar xuất khẩu, hầu hết được vận chuyển bằng các tàu chở dầu đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ và một số nước châu Âu. Do đó, các nước nhập khẩu khí LNG từ Qatar có thể đối mặt với sự thiếu nguồn cung, gây ra sự tranh giành các nguồn cung thay thế trong dài hạn.

Ngoài ra, bất cứ sự gián đoạn nào trong khâu xuất khẩu LNG của Qatar đều có thể tác động tiêu cực đối với Liên minh châu Âu (EU), trong đó EU đặc biệt quan ngại trước viễn cảnh phải phụ thuộc nhiều hơn vào việc nhập khẩu khí đốt từ Nga, một vấn đề khiến nhiều chính phủ các nước EU hết sức hoang mang xét trên khía cạnh chính trị.

TTXVN/Tin Tức​
 

Việc làm nổi bật

Top