Chân dung Ali al-Naimi - ông lão 81 tuổi "một tay che cả thị trường dầu mỏ"

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Là một Bộ trưởng dầu mỏ quyền lực nhất thế giới, Ali al-Naimi là “tướng quân” trong cuộc chiến bảo vệ chiếc vương miện dầu mỏ của Saudi Arabia.

Một chuyến thăm tới văn phòng của Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia Ali al-Naimi ở thủ đô Riyadh sẽ là một chuyến du hành xuyên thời gian. Người đàn ông quyền lực nhất trong thế giới dầu mỏ sẽ chỉ cho bạn những huy hiệu mà ông đạt được trên con đường sự nghiệp, từ những thềm địa chất đã nuôi sống vương quốc Saudi cho tới những bức ảnh chụp với những người quyền cao chức trọng mà ông đã gặp trong hơn 2 thập kỷ vừa qua.

saudi-1457089180970.png

Ở tuổi 81, ông Naimi đã chứng kiến bao thăng trầm của thị trường dầu mỏ thế giới. Thậm chí ông còn nói đùa rằng những gì ông đã trải qua là quá đủ để sẵn sàng nghỉ hưu. Tuy nhiên, ở cuối nhiệm kỳ, ông lại tìm thấy mình ở giữa một trong những thách thức lớn nhất và quan trọng nhất trong sự nghiệp.

Kể từ cuối năm 2014, ông đã trở thành người lãnh đạo cuộc chiến bảo vệ sự sống còn của đất nước giàu dầu mỏ Saudi. Việc Riyadh từ chối cắt giảm sản lượng để đẩy tăng giá dầu đã khiến thị trường dầu mỏ toàn cầu chao đảo. Saudi đang ở trong cuộc chiến gay cấn chống lại các nhà sản xuất dầu đá phiến của nước Mỹ.

Tuy nhiên Saudi Arabia cũng bị thương, khiến kế hoạch của ông gặp phải nhiều chỉ trích vì đã khiến giá dầu rớt thảm hại trong khi dầu chính là loại hàng hóa mà Saudi Arabia phải phụ thuộc nặng nề.

Naimi rất giỏi trong việc che giấu sự bồn chồn lo lắng. Tuần trước, ông đã có cơ hội truyền thông điệp đến hàng nghìn lãnh đạo các công ty năng lượng Mỹ khi tất cả tụ họp ở hội nghị tại Houston. Bài phát biểu của ông vẫn pha lẫn chất giọng hài hước thường thấy. “Thật tuyệt khi được quay trở lại Texas, dù họ chỉ mời tôi đến trong một cuộc khủng hoảng”, ông nói.

Tuy nhiên ẩn chứa sau câu nói đùa lại là một lời nhắn hết sức mạnh mẽ: “Những nhà sản xuất kém hiệu quả sẽ phải ra đi, nói ra điều này thật khó khăn nhưng đó là sự thực”.

Liệu canh bạc của Naimi có thể giúp ông chiến thắng trong tương lai hay không vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Đà lao dốc của giá dầu (giá đã giảm 2/3 kể từ tháng 11/2014) vượt lên trên sự tưởng tượng của tất cả mọi người, và các công ty dầu đá phiến sẽ hồi phục nhanh hơn dự đoán nếu giá tăng trở lại.

Đối mặt với những đồn đoán về động cơ chính trị phía sau chính sách dầu mỏ của Saudi Arbia, ông Naimi một mực quả quyết rằng Saudi hoàn toàn hành động dựa trên yếu tố kinh tế chứ không phải chính trị. Những người hiểu ông đều nói rằng chính lịch sử thăng trầm của giá dầu là điều ảnh hưởng nặng nề nhất đến lối suy nghĩ của ông. Nhớ lại thời kỳ đầu những năm 1980, khi mà hoạt động khai thác dầu ở biển Bắc bắt đầu sôi động, Saudi đã cắt giảm mạnh sản lượng nhưng cũng không thể ngăn giá giảm. Sau này ông mô tả thời kỳ này là một “bài học chua xót”.

Naimi lớn lên ở một tỉnh giàu dầu mỏ thuộc miền Bắc Saudi Arabia. Sinh năm 1935, ngay sau khi các công ty Mỹ lần đầu tiên tìm thấy dầu ở đây, ông từng chăn cừu trước khi bước chân vào ngành năng lượng. Từ năm 12 tuổi Naimi đã gia nhập tập đoàn dầu khí quốc gia Saudi Aramco với vị trí là một cậu bé chạy việc vặt.

Những lãnh đạo người Mỹ đã phát hiện ra tài năng và gửi ông tới Mỹ để học ngành địa chất ở ĐH Lehigh và sau đó là Stanford. Sau khi học xong, Naimi quay trở lại tập đoàn và nhanh chóng thăng tiến và cuối cùng trở thành Chủ tịch của Saudi Aramco.

Năm 1995, ông tiếp quản Bộ Dầu mỏ. Lối làm việc của ông đối lập với người tiền nhiệm có phần khoa trương Zaki Yamani. Naimi là hình ảnh thu nhỏ cho sự chuyên nghiệp của Saudi Aramco, một ốc đảo nằm giữa xã hội quân chủ.

Mặc dù Naimi am hiểu tường tận về Saudi Aramco, ông không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chính trị dầu mỏ. Điều này lại phù hợp với nhà vua Fahd đã quá cố - người đang cầm quyền vào thời gian đó và muốn tách dầu mỏ khỏi chính sách ngoại giao.

Các quan chức OPEC quen thuộc với những ngày đầu Naimi nhậm chức cho biết ông gặp khá nhiều khó khăn trong các quyết định mang tính chính trị. “Trong những ngày đầu, ông ấy thường đưa ra quyết định trong thế bị động”, Abdul Samad al-Awadi – người giám sát OPEC của Kuwait trong giai đoạn 1980 đến 2001 nói. Khá dè dặt và trầm ngâm, Naimi có thể tỏ ra cứng đầu khi ông bị kích thích và tính quyết đoán của ông đôi lúc khiến các đồng nghiệp ở OPEC cảm thấy không dễ chịu. “Một khi ông ấy đã quyết, không gì có thể thuyết phục được”, một cựu quan chức OPEC nói.

Vì khả năng dịch chuyển thị trường dầu mỏ của ông, Ali al-Naimi được đối xử như một “ngôi sao” trong các cuộc họp của OPEC. Hình ảnh ông mặc quần áo thể thao và đeo giày Nike chạy bộ ở Vienna đã khiến các phóng viên thích thú, thậm chí một số người còn thuê xe đạp đi theo ông. Một cuộc trò chuyện ngắn về những sở thích của ông như leo núi, đi săn và câu cá trên băng thường là mở đầu cho những câu hỏi về dầu mỏ.

Tầm ảnh hưởng của Naimi ở Saudi Arabia lên đến đỉnh điểm trong triều đại vua Abdullah – người vừa qua đời năm ngoái ngay sau quyết định không cắt giảm sản lượng mang tính lịch sử. Lời đồn rằng quyền lực của ông sẽ suy giảm ngay lập tức bị dập tắt khi ông nổi lên là một trong số ít các thành viên nội các còn tại vị sau một cuộc “thay máu” của tân vương.

Naimi từng nói với bạn bè của ông rằng “20 năm là quá dài” và ông đang mong chờ thời gian quây quần bên con cháu. Tuy nhiên, ông trung thành phục vụ nhà vua và có vẻ như bảo vệ quyền lực của Saudi Arabia trên thị trường dầu mỏ là công việc sẽ không bao giờ kết thúc.

Theo Thu Hương - Trí thức trẻ/FT​
 

Việc làm nổi bật

Top