Châu Á chuẩn bị đón hàng loạt thương vụ M&A ngành Dầu khí

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Các nhà sản xuất phương Tây đang tìm cách bán tới 40 tỷ USD tài sản ngành dầu khí.

Hoạt động sáp nhập và mua lại (M&A) trong ngành năng lượng của châu Á sẽ tăng tốc trong năm nay khi giá dầu thô ổn định và các nhà sản xuất dầu lớn của Tây phương tìm cách bán tài sản trong khu vực, các nhà phân tích cho biết.

Vào cuối tháng 1, Royal Dutch Shell công bố kế hoạch bán cổ phần của mình trong một ngành ở Thái Lan cho 1 công ty Kuwait với giá 900 triệu USD. Shell, Chevron, Total, ExxonMobil và Eni được cho là có khả năng bán được tới 40 tỷ USD tài sản, với các khoản nhượng lại được dự kiến ở Myanmar, Bangladesh, Malaysia, Trung Quốc và New Zealand.

Khách hàng tiềm năng bao gồm các công ty dầu quốc doanh Trung Quốc, các công ty cổ phần tư nhân và các tập đoàn năng lượng độc lập tại địa phương, theo Wood Mackenzie, một công ty nghiên cứu năng lượng ở Anh.

Vào năm 2016, theo số liệu của Wood Mackenzie, các giao dịch trong ngành dầu khí đạt khoảng 6 tỷ USD tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, trong khi dự báo nhu cầu năng lượng sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2030. Năm ngoái, có khoảng 20 giao dịch được thực hiện, mức thấp nhất kể từ năm 2012 và chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong 130 tỷ USD chi tiêu toàn cầu.

Vandana Hari, người sáng lập công ty nghiên cứu Vanda Insights ở Singapore cho biết, hoạt động M&A của ngành dầu khí châu Á dự kiến sẽ tăng trở lại trong năm 2017, đặc biệt là trong lĩnh vực thăm dò và khai thác, để phù hợp với việc giá dầu ổn định hơn sau đợt cắt giảm sản lượng của OPEC và các nhà sản xuất khác. Giá dầu dự kiến sẽ ổn định ở mức 50-60 USD/thùng trong năm nay, tăng lên 60-65 USD trong năm tới, Hari cho biết.

Hoạt động M&A trong lĩnh vực năng lượng đang hồi phục trên toàn cầu, với giá trị giao dịch đạt mức kỷ lục 20 tỷ USD riêng trong tháng 1. Angus Rodger, giám đốc nghiên cứu tại Châu Á Thái Bình Dương của Wood Mackenzie, cho biết việc bán Shell ở Thái Lan có thể sẽ được theo dõi trong bốn tháng tới bằng các giao dịch liên quan tới 5 đến 6 tài sản thăm dò khai thác lớn và chủ yếu là đã đến kỳ đáo hạn. Rodger nói rằng các tài sản lớn hơn được định giá từ 500 triệu đến 1 tỉ USD.

Năm ngoái, Chevron và Shell, nắm giữ danh mục tài sản lớn nhất ở châu Á, từng ra dấu hiệu rằng mình có kế hoạch bán cổ phần ở Myanmar, Bangladesh, Thái Lan, New Zealand, Malaysia và Trung Quốc. ExxonMobil, Total và Eni cũng dự kiến sẽ tiếp tục bán ra khi tập trung lại danh mục đầu tư toàn cầu.

cec20170301OilTablelarge580.png

Các hợp đồng dầu khí lớn tại châu Á Thái Bình Dương
Tập đoàn Anglo-Dutch Shell có một danh mục tài sản khổng lồ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sau vụ sáp nhập với BG, một hãng sản xuất khí đốt của Anh, vào năm 2016 trị giá 47 tỷ pound (khoảng 70 tỷ USD vào thời điểm đó). "Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Shell đàm phán với CNOOC của Trung Quốc hay China Petroleum & Chemical để loại bỏ một số danh mục LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) trong khu vực nhằm đảm bảo duy trì khoản chi trả cổ tức", Gordon Kwan, một chuyên gia về dầu khí tại Nomura, Hồng Kông cho biết.

Nhu cầu LNG ở châu Á dự kiến sẽ tăng 43% từ 190 triệu tấn vào năm 2016 lên 270 triệu tấn vào năm 2025, Wood Mackenzie ước tính.

Sự bùng nổ hoạt động M&A trong ngành thăm dò khai thác ở nước ngoài, từng thấy các công ty dầu lửa quốc gia chi tiêu gần 170 tỷ USD trong thập kỷ qua, kết thúc vào năm 2014 khi giá dầu thế giới sụt giảm. Tuy nhiên, an ninh năng lượng tại Trung Quốc đã yếu đi, cho thấy việc thương thảo sẽ phục hồi, theo ông Neil Beveridge, chuyên gia phân tích dầu mỏ cao cấp tại nhóm quản lý quỹ Sanford C. Bernstein, Hồng Kông.

Sinh lợi

Beveridge cho biết có một nhóm đa dạng gồm hơn 70 công ty Trung Quốc tư nhân mua vào các tài sản thăm dò khai thác, cả trong và ngoài nước. Trong khi một số có liên quan đến năng lượng - chẳng hạn như các công ty dịch vụ mỏ dầu và các nhà phân phối điện và xăng - nhiều công ty thì không, bao gồm cả các tập đoàn trong nước, các công ty đầu tư mạo hiểm và thậm chí các công ty bất động sản, thời trang và đồ trang sức.

"Họ đang hướng về kinh doanh thăm dò khai thác vì họ thấy rằng tài sản xăng dầu rẻ và cực kỳ có lợi", Rodgers cho biết. Các tài sản bằng USD cũng có thể giúp các công ty Trung Quốc phòng ngừa sự mất giá nhân dân tệ theo dự đoán".

Wood Mackenzie cũng dự kiến nhiều hoạt động mua tài sản ở Malaysia, Thái Lan và Indonesia bởi các công ty năng lượng độc lập ở địa phương thường dễ dàng đối phó với chính sách trong nước và rủi ro gia hạn giấy phép hơn là các chủ sở hữu nước ngoài. Các công ty cổ phần tư nhân cũng sẽ tham gia, cùng với các nhà máy lọc dầu và các công ty năng lượng châu Á, các công ty Nhật Bản và các công ty dầu mỏ Trung Đông, tất cả đều tìm kiếm các cơ hội tăng trưởng trong ngành thăm dò khai thác.

"Các giao dịch quy mô nhỏ có nhiều khả năng xảy ra, vì sẵn tiền mặt và giao dịch nhanh có thể được thực hiện mà gần như không bị chú ý", Ashley Wright, một luật sư về năng lượng tại Pinsent Masons, Singapore cho biết. "Những thoả thuận lớn với các quy trình đấu thầu kéo dài, và có thể là quá phức tạp đối với thị trường châu Á".

NDH.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top