Châu Âu không thể cưỡng được “đế chế Gazprom” của Nga?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Các quốc gia châu Âu đang vướng phải những mâu thuẫn đáng kể xung quanh việc có nên mua khí đốt của Nga hay không. Tuy nhiên, thực tế đã, đang và sẽ diễn ra ở châu Âu cho thấy không có gì có thể đe dọa được “đế chế Gazprom”.

Nhận định trên do tờ Le Figaro của Pháp đưa ra. Theo đó, Đức đang là quốc gia châu Âu ủng hộ mạnh mẽ nhất việc triển khai xây dựng đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc-2” đưa khí đốt của Nga qua đáy biển Baltic sang Đức và các nước châu Âu khác.

Trong khi đó, Ba Lan lại sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho khí hóa lỏng của Mỹ chỉ để không phải phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa coi cung cấp khí đốt sang châu Âu là ưu tiên trong chính sách của mình. Do đó, châu Âu sẽ vẫn phải phụ thuộc nhiều vào Gazprom.

“Cuộc chiến khí đốt thực sự đang diễn ra ở phía Bắc lục địa già”- tờ Le Figaro viết. Một bên tham gia “cuộc chiến khí đốt” này là Tập đoàn Gazprom cùng với các đối tác của mình, cụ thể là Đức, đang cung cấp đến 1/3 nhu cầu khí đốt của châu Âu và Gazprom luôn đầy tham vọng trong việc củng cố vị thế của mình.

Bên khác tham gia cuộc chiến này là các nước, kiểu như Ba Lan, đang cố gắng đảm bảo an ninh năng lượng của mình, cho dù có phải mua khí đốt của Mỹ với giá đắt hơn nhiều lần khí đốt của Gazprom.

Dong_chay_phuong_bac_2.jpg

Trung tâm của cuộc chiến này là Ủy ban châu Âu. Mặc dù vẫn còn nhiều bất đồng nhưng rõ ràng Ủy ban châu Âu không muốn để lặp lại tình trạng như hồi diễn ra cuộc xung đột dầu khí giai đoạn 2006-2009.

Một trong những tranh cãi mới nhất trong nội bộ Ủy ban châu Âu là tuyên bố của Brussels về việc áp đặt các điều luật đồng nhất đối với tất cả các đường ống dẫn chạy trên lãnh thổ châu Âu. Các quốc gia ủng hộ dự án “Dòng chảy phương Bắc-2” của Nga cho rằng điều này sẽ cản trở đến việc đưa đường ống của Nga vào khai thác.

Các đơn vị thiết kế đường ống này đang tính toán để hoàn thành việc lắp đặt đường ống trong cuối quý I/2018 và bắt đầu kiếm được lợi nhuận từ đường ống này vào cuối năm 2019.

Trong các nước ủng hộ “Dòng chảy phương Bắc-2”, Đức đặc biệt quan tâm đến dự án này vì coi đây là sự thay thế cho các nhà máy điện hạt nhân của mình và nguồn năng lượng từ than. Các quốc gia ủng hộ dự án này cho rằng đường ống này giúp họ không phải phụ thuộc vào Ukraine và nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng của châu Âu sẽ được đáp ứng. Và điều quan trọng nhất là giá thành khí đốt của Gazprom sẽ ở mức tương đối rẻ.

“Tuy nhiên, cuộc chiến này không chỉ diễn ra trên mặt trận kinh tế”- Le Figaro nhận định. Ví dụ như Ba Lan đã quyết định sẽ không phụ thuộc vào Nga. Do đó, Ba Lan đã cho xây dựng ở trên bờ biển Baltic hệ thống kho vận để chứa khí hóa lỏng. Dù hiện châu Âu phải nhập đến ¾ nhu cầu khí đốt của mình từ Nga nhưng hiện Ba Lan đang đặt tham vọng sẽ giảm mức này xuống con số 0 trong vòng 5 năm tới.

Trong chuyến thăm đến Ba Lan tháng 7/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội này và đề nghị Ba Lan ký kết hợp đồng chung. Ngoài ra, các thượng nghị sỹ Mỹ cũng đe dọa sẽ áp đặt các lệnh cấm vận với tất cả các công ty dự định tham gia vào triển khai dự án “Dòng chảy phương Bắc-2”. Giới phân tích gọi động thái này của Mỹ là “chưa từng có tiền lệ và không thể chấp nhận được”.

Trong bối cảnh này, theo nhận định của Le Figaro, việc lựa chọn giữa Nga với Mỹ là điều không hề đơn giản. Hệ thống kho vận của Ba Lan đã vận hành được 1 năm và tiếp nhận nguồn khí đốt của Qatar và dự định sẽ tiếp nhận các nguồn khí đốt của Mỹ. Tuy nhiên lại đang có nhiều vấn đề nảy sinh. Mỹ đang gia tăng khai thác khí hóa lỏng nhưng các khách hàng ưu tiên hàng đầu của Mỹ là các nước châu Á và châu Mỹ La tinh vì các khu vực này không đủ đường ống dẫn, cũng như giá thành cao hơn 25% so với giá bán cho các nước châu Âu.

Trong khi đó, việc đưa khí đốt sang châu Á của tập đoàn Gazprom thậm chí còn khó khăn, phức tạp hơn nhiều so với các tính toán của Gazprom. Một lý do khác không kém phần quan trọng là Gazprom sẽ không thể giảm lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu vốn chiếm đến 80% sản lượng xuất khẩu của tập đoàn này.

Chính vì vậy, Gazprom sẽ vẫn tập trung tối đa sản lượng xuất khẩu cho châu Âu, đồng thời đang giảm giá khí đốt để giữ được thị trường. Giá thành khai thác thấp, sản lượng lớn sẽ giúp Gazprom tiếp tục thống trị thị trường châu Âu thời gian dài nữa. Trong khi đó, Mỹ sẽ chỉ tăng cường cung cấp khí đốt cho châu Âu nếu có lợi về mặt kinh tế, điều mà hiện tại khó có thể xảy ra. Do đó, “sẽ không có gì có thể đe dọa được vị thế của “đế chế Gazprom” tại châu Âu trong triển vọng ngắn hạn”- Le Figaro kết luận.

 

Việc làm nổi bật

Top