Chiến sự Syria khiến các "đại gia" dầu mỏ "méo mặt" nhìn giá dầu tăng

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Theo giới phân tích, những bất ổn địa chính trị đang diễn ra tại khu vực Trung Đông, cùng với việc liên quân Mỹ - Anh - Pháp triển khai cuộc tấn công nhằm vào Syria rạng sáng 14/4 (giờ Việt Nam), sẽ dẫn tới hậu quả kinh tế - chính trị trên diện rộng, không chỉ dừng lại ở thị trường hàng hóa mà còn lan sang cả những cường quốc hàng đầu của thế giới.

Dầu, vàng tăng giá, chứng khoán “chao đảo”

Đi cùng sự hỗn loạn tại “chảo lửa” Syria đang là những diễn biến dồn dập trên các thị trường thế giới. Tại thị trường Mỹ, giá dầu đã và đang trên đà tăng mạnh. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), sự bất ổn tại khu vực Trung Đông đã giúp đẩy giá dầu thô vượt quá mức 70 USD/thùng.

171718_us-strike-in-syria-targets-military-chemical-weapons-sites.jpg

Hệ thống phòng thủ tên lửa Syria đánh chặn tên lửa hành trình và tên lửa tầm xa của Mỹ trên bầu trời Damascus. (Nguồn: Phuket News)
Ngày 11/4, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) đã tăng phi mã đến 2% lên 66,82 USD/thùng, mức cao nhất của 3 năm, còn giá dầu Brent cũng tiến 1,4% lên mức 72 USD/thùng, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp dụng các biện pháp quân sự đối với Syria.

Đến phiên ngày 13/4, giá dầu Brent và dầu thô ngọt nhẹ tiếp tục tăng mạnh lên các mức lần lượt là 72,58 USD/thùng và 67,39 USD/thùng, ghi dấu mức tăng mạnh nhất trong tuần qua kể từ tháng 7/2016.

Mức tăng này đã nằm trong tính toán của các chuyên gia kinh tế. Trước đó, chuyên gia Jim Williams đến từ hãng tư vấn về năng lượng WTRG Economics đã nhận định giá dầu sẽ có thể vượt ngưỡng từ 60 - 70 USD/thùng nếu chịu tác động từ những yếu tố địa chính trị như chiến tranh, hay các cuộc cách mạng có khả năng can thiệp vào hoạt động sản xuất dầu mỏ của các cường quốc trong lĩnh vực này như Saudi Arabia, Iran, Russia, Venezuela, Iraq, or Kuwait. Cũng theo chuyên gia này, sự thay đổi về chế độ sẽ mang lại tác động lâu dài trên thị trường năng lượng, giống như trường hợp của “đại gia” dầu mỏ Libya.

Trong khi đó, vàng luôn được coi là “nơi trú ẩn an toàn” mỗi khi thế giới xảy ra bất ổn về kinh tế và chính trị. Ngày 13/4, giá vàng đã tăng 0,7%, lên mức 1.344,40 USD/ounce. Trước đó, giá kim loại quý này thậm chí đã có lúc leo lên mức cao nhất kể từ ngày 25/1 do chịu chi phối bởi các yếu tố như căng thẳng leo thang ở Syria, Mỹ trừng phạt Nga và lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Trên các thị trường chứng khoán, sắc xanh – đỏ cũng đan xen nhau trong các phiên giao dịch tuần qua, giữa bối cảnh giới đầu tư không ngừng nghe ngóng thông tin về động thái của Tổng thống Mỹ Trump cùng các đồng minh liên quan đến vấn đề Syria. Ngày 11/4, chứng khoán Phố Wall đồng loạt đi xuống do các nhà đầu tư thận trọng trước diễn biến địa chính trị về vụ tấn công bị nghi là sử dụng vũ khí hóa học ở Syria để rồi sau đó lấy lại đà tăng vào phiên 12/4, sau khi Tổng thống Trump tỏ thái độ bớt cứng rắn hơn trong những đe dọa về hành động quân sự tại Syria. Tuy nhiên, việc Washington bất ngờ triển khai cuộc tấn công nhằm vào Syria rạng sáng 14/4 chắc chắn sẽ tiếp tục tạo ra một phen chao đảo khi các thị trường này mở cửa trở lại vào ngày 16/4.

Đối với Syria, Ngân hàng Thế giới (WB) hồi tháng 7/2017 ước tính tình trạng xung đột kéo dài nhiều năm qua đã khiến nền kinh tế nước này thiệt hại tới 226 tỷ USD, với trung bình 538.000 việc làm bị mất mỗi năm trong giai đoạn 2010 - 2015. Quy mô GDP của Syria đạt 60 tỷ USD năm 2010, song con số này đã giảm xuống còn 20 tỷ USD trong năm 2015 và 15 tỷ USD vào năm 2016. Ngoài ra, cuộc nội chiến cũng đã biến Syria từ một nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ nay phải phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu. Sản lượng dầu thô của Syria đã giảm từ 385.000 thùng/ngày vào năm 2010 xuống còn 8.000 thùng/ngày vào năm 2017.

Những “đại gia" dầu mỏ thiệt hại lớn

Ngoài những biến động trên các thị trường hàng hóa, hậu quả nhãn tiền của cuộc xung đột tại Trung Đông đã được nhìn thấy tại nhiều quốc gia có liên quan như Nga và Iran, hay Iraq – những “đại gia” của ngành sản xuất dầu thế giới, bởi vì mặc dù Syria không phải nơi khai thác dầu lớn, song nước này nằm gần eo biển Hormuz - trạm trung chuyển quan trọng với hàng triệu thùng dầu đi qua mỗi ngày, nên cuộc xung đột ở Syria chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển dầu.

131101_1050358cfd514ae96195f2c0ccf19db5.jpg

Hình ảnh một vụ nổ ở thủ đô Damascus ngày 14/4, được Cơ quan truyền thông quân đội của Chính phủ Syria đăng tải trên Twitter.
Thêm vào đó, sự hậu thuẫn của Nga và Iran đối với Chính phủ đương thời Syria cũng là một trong những nguyên nhân khiến hai nước này liên tiếp phải hứng chịu những đòn trừng phạt và cô lập kinh tế nặng nề từ phía Mỹ. Vào ngày 6/4, phía Washington đã thông báo quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với 7 doanh nhân có thu nhập cao trong giới “chóp bu” của Nga cùng hàng chục công ty của họ và 17 quan chức cao cấp chính phủ. Trong số những công ty bị trừng phạt có Rusal, công ty sản xuất nhôm hàng đầu của Nga với thị phần trên toàn cầu chiếm 9% và được điều hành bởi doanh nhân Oleg Deripaska.

Hậu quả là sau khi lệnh trừng phạt được công bố, đồng loạt đồng Ruble của Nga và giá cổ phiếu của Rusal đều lao dốc. Trong tuần qua, thị trường nhôm thế giới cũng đã tăng hơn 10% do quan ngại về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trên thị trường. Cùng với đó, các nhà phân tích cũng quan ngại rằng Rusal rất có thể sẽ tiếp tục bị loại bỏ khỏi các thị trường thế giới do tác động từ phía Mỹ.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, có hai kịch bản có thể xảy ra tiếp theo đối với đồng Ruble trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ và tình hình leo thang ở Syria. Kịch bản thứ nhất phụ thuộc vào các sự kiện của chính sách đối ngoại và bản chất của các lệnh trừng phạt mới có thể được áp dụng chống lại Nga. Nếu mọi thứ đều bình thường và không quá nghiêm trọng thì đồng Ruble sẽ tự khôi phục phần giá trị đã mất và sẽ không xảy ra cảnh mua sắm hoảng loạn ngoại tệ, TV, tủ lạnh ở các cửa hàng như hồi cuối năm 2014.

Một kịch bản khác và là kịch bản thiệt hại nhiều nhất, đó là nếu Mỹ áp đặt các biện pháp hạn chế đối với các khoản nợ chính phủ của Liên bang Nga. Cho tới lúc này, các chuyên gia hy vọng vào một kịch bản khả quan. Ông Geogry Vashchenko - người đứng đầu bộ phận kinh doanh của thị trường chứng khoán Nga Fried Finance cho rằng, tình hình trên thị trường đang biến động mạnh, nhưng không đến mức hoảng loạn.


baoquocte.vn
(theo DW, Vox, CNBC)
 

Việc làm nổi bật

Top