Chưa bắt được Vũ Đình Duy: Vẫn xử vụ án bình thường

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Đối với vụ án liên quan đến bị cáo Vũ Đình Duy, nếu đủ hồ sơ chứng cứ, tài liệu thì vẫn có thể xét xử bình thường.

Ngày 26/6/2017, Bộ Công an đã phát đi thông báo về việc Cơ quan cảnh sát điều tra (C46 - Bộ Công an) quyết định truy nã đặc biệt toàn quốc với Vũ Đình Duy - nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

vu-ong-vu-dinh-duy-van-xet-xu-neu-du-chung-cu_292321492.jpg

Ông Vũ Đình Duy, nguyên tổng Giám đốc PVTEX. Ảnh: PVtex.
Tuy nhiên, trao đổi với Đất Việt, ngày 29/01/2018, điều tra viên Đinh Quốc Thiện người phụ trách tiếp nhận thông tin liên quan đến lệnh truy nã của ông Vũ Đình Duy cho biết: "Cho đến nay vẫn chưa có thêm bất cứ thông tin gì liên quan đến tung tích của ông Duy, chưa biết ông Duy đang ở đâu.

Chúng tôi đã phát lệnh truy nã quốc tế, hiện nay vẫn phối hợp với các cơ quan chức năng truy tìm".

Bên cạnh đó, theo ông Thiện, trong thời gian qua khi đưa ra số điện thoại đường dây nóng thì cũng có một số thông tin báo nhưng không được chính xác, không có giá trị, nên không xác minh được. Còn về phía công an thì cũng có các nghiệp vụ điều tra riêng của ngành.

Trong trường hợp này, một vấn đề được quan tâm là vụ án hình sự Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí và các đơn vị liên quan đã bị khởi tố. Việc chưa bắt được đối tượng Vũ Đình Duy có ảnh hưởng đến tiến trình tố tụng hay không?

Trả lời câu hỏi này, điều tra viên Đinh Quốc Thiện cho biết: "Đối tượng nào trốn hết hạn điều tra thì tạm đình chỉ vì chưa bắt được. Các đối tượng liên quan thì vẫn xét xử bình thường. Đối tượng bỏ trốn sẽ điều tra sau".

Về vấn đề này, trao đổi với Đất Việt, Luật sư Phạm Hoài Nam - Đoàn Luật sư TPHCM cho biết: "Nếu cơ quan điều tra có đầy đủ hồ sơ, tài liệu chứng cứ, chứng minh hành vi phạm tội của ông Vũ Đình Duy, các vị lãnh đạo có liên quan đến hành vi đó, thì vẫn tiến hành xử vụ án bình thường. Việc xử vắng mặt, trong Luật đã quy định rõ.

Với án kinh tế, có tài liệu chứng minh thì vẫn xử lý bình thường, không có gì vi phạm về tố tụng, bởi thường án kinh tế chứng cứ đều nằm trong các hồ sơ.

Tất nhiên có tội hay không có tội là do Tòa án phán quyết. Nếu đủ cơ sở thì Tòa tuyên án, còn không thì tòa yêu cầu trả hồ sơ để cơ quan điều tra truy bắt bằng được đối tượng về quy án".

Trong khi đó, Luật sư Trần Thu Nam cho rằng, một vụ án xét xử dựa trên các chứng cứ, tài liệu thu thập được. Nếu đủ chứng cứ của nhân chứng khác với các tài liệu khác mà đủ kết luận được các bị can, bị cáo phạm tội, thì vẫn đưa ra xét xử.

Tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài: Cần có biện pháp hiệu quả

Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại phiên kết luận phiên họp của Ban Chỉ đạo 138 và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, ngày 29/1.

Phó Thủ tướng cho rằng cần xác lập các chuyên án lớn về chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm ma túy, tội phạm buôn lậu các mặt hàng xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, đường cát…

Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức; kiên quyết “không có vùng cấm” trong công tác phòng chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Phải phòng chống tội phạm trong chính cơ quan phòng, chống tội phạm; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả ngay trong chính các cơ quan có chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

 

Việc làm nổi bật

Top