Chuẩn bị cho “thời đại hậu dầu mỏ”

Connect Unlimited

Administrator
Thành viên BQT
Trước thềm Hội nghị Doha bàn về việc đóng băng sản lượng, thị trường được khích lệ bởi việc giá dầu lần đầu tiên trong tháng đã vượt ngưỡng 40 USD/thùng vào phiên đầu tuần 11/4. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa thế giới, bao gồm cả nước xuất khẩu dầu lớn nhất toàn cầu là Saudi Arabia có thể hân hoan từ bỏ kế hoạch chuẩn bị cho “thời đại hậu dầu mỏ”.

Phản ứng nhất thời

Trở lại với phiên 11/4 cũng như phiên cuối tuần qua, giá dầu hồi phục chủ yếu là do được kích thích bởi thông tin ba tuần qua, các công ty năng lượng Mỹ đã phải liên tiếp cắt giảm số giàn khoan dầu. Trong tuần kết thúc vào ngày 8/4, Mỹ chỉ còn 354 giàn khoan đang hoạt động, giảm 8 giàn khoan so với một tuần trước đó và là mức thấp nhất kể từ tháng 11/2009. Việc dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 4,9 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 1/4 cao hơn nhiều so với mức dự báo của giới chuyên gia cũng là chất xúc tác đẩy giá dầu đi lên. Đặc biệt, các chuyên gia phân tích cho rằng nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ tăng trung bình 1,4%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020 đã giúp “trấn an” thị trường.

Rốt cuộc, lần đầu tiên trong tháng 4, mốc 40 USD/thùng đã được phá vào sáng 11. Nhưng vấn đề là nó có được giữ vững hay cũng chỉ neo được vài hôm rồi lại tuột mất như từng diễn ra trong quá khứ? Câu trả lời không quá phức tạp bởi thị trường dầu mỏ vẫn đang “điêu đứng” với tình trạng cung vượt cầu và mọi người đều biết chỉ có cắt giảm sản lượng thì cung cầu mới tái cân bằng. Trong khi đó, tới nay, không có bất cứ quốc gia sản xuất dầu mỏ nào mong muốn đơn phương cắt giảm sản lượng.

Ngày 4/4, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zangadeh đã từ chối yêu cầu đóng băng sản lượng mà Saudi Arabia đưa ra đồng thời cho biết thêm nước này sẽ nâng sản lượng khai thác lên mức 4 triệu thùng/ngày và không có ý định thiết lập mức trần về sản lượng. Trong khi đó, khi trả lời phỏng vấn của hãng tin Bloomberg (Mỹ), Phó vương Saudi Arabia Mohammed bin Salman tuyên bố Riyadh chỉ tham gia thỏa thuận đóng băng sản lượng khi các nước thành viên khác của Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đều tham gia. Nếu như bất cứ nước sản xuất dầu nào quyết định nâng sản lượng, “Saudi Arabia sẽ không ngốc nghếch” (cắt giảm/đóng băng sản lượng).

aramco.jpg

Một vấn đề nữa là việc đóng băng ở mức sản lượng tháng 1 hoặc tháng 2 sẽ không thúc đẩy được tiến trình tái cân bằng cung cầu trên thị trường dầu mỏ. Bởi vì ngoài Iran, tổng sản lượng của OPEC và Nga vẫn đang ở mức gần 40,5 triệu thùng/ngày như số liệu của Goldman Sachs. Do vậy, chuyên gia phân tích thị trường hàng hóa Damien Courvalin thuộc Goldman Sachs cho rằng không nên chờ đợi niềm vui từ Doha vào ngày 17/4 tới. Theo ông Courvalin, thị trường phải mất 18 tháng mới có thể bắt đầu tái cân bằng, cho nên, Thỏa thuận Doha dù đạt được cũng không có bất cứ ý nghĩa nào, thậm chí còn giáng đòn làm giá dầu giảm xuống. Dự kiến trong quý II/2016, giá dầu bình quân ở mức 35 USD/thùng.

Bắt tay đại tu nền kinh tế

Giá dầu xuống thấp khiến nhiều nhiều chính phủ điêu đứng, nhất là đối với những nước ngân sách tài chính phụ thuộc lớn vào nguồn thu từ dầu mỏ như Venezuela, Nga hay thành viên OPEC. Saudi Arabia không là ngoại lệ. Để thoát khỏi khó khăn, Saudi Arabia có kế hoạch thành lập một quỹ đầu tư công (PIF) trị giá ít nhất là 2.000 tỉ USD và một trong những sách lược huy động vốn là bán cổ phần của Công ty Dầu khí Saudi Aramco. Đây là hãng dầu khí lớn nhất thế giới, có trị giá hàng nghìn tỉ USD, khai thác dầu nhiều hơn tổng lượng dầu nước Mỹ khai thác (khoảng 10,2 triệu thùng/ngày), cung cấp 9/10 thu nhập của Chính phủ Saudia Arabia.

Theo Phó vương Mohammed bin Salman, Saudi Arabia sẽ bán cổ phần Công ty Dầu khí Saudi Aramco vào năm 2017 hoặc năm 2018. Tiền thu về sẽ được sử dụng để phát triển các dự án ở trong, ngoài nước, biến hiệu quả đầu tư trở thành thu nhập chủ yếu của chính phủ chứ không phải là từ dầu mỏ nữa. Quy mô của PIF sau này sẽ lớn tới mức có thể mua đứt 4 công ty có giá trị lớn nhất thế giới hiện nay là Apple, Alphabet (công ty mẹ của hãng Google), Microsoft (của tỷ phí Bill Gates) và Berkshire Hathaway (của tỷ phú Warren Buffet). Tỉ lệ đầu tư ở nước ngoài của PIF sẽ được nâng từ mức 5% khi thành lập tới 50% vào năm 2020.

Kế hoạch nêu trên nếu được thực hiện dự kiến sẽ là cuộc cách mạng long trời lở đất làm thay đổi Saudi Arabia. Bởi từ khi gia nhập hàng ngũ các nước sản xuất dầu vào thập niên 1980, kinh tế Saudi Arabia cơ bản dựa vào nguồn thu từ dầu mỏ. Năm ngoái, giá dầu bắt đầu trượt dốc, Saudi Arabia phải đối mặt với những ngày khốn khó, trở thành một trong những quốc gia mà vấn đề thất nghiệp nghiêm trọng nhất thế giới. Năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Saudi Arabia đạt mức thấp nhất trong 6 năm, thâm hụt tài chính gần 100 tỷ USD, cao nhất trong lịch sử.

Để giám bớt áp lực tài chính, từ cuối năm 2015, Saudi Arabia bắt đầu nâng giá xăng dầu và phí dịch vụ công cộng. Hiện nay, chính quyền đang xem xét điều chỉnh trợ cấp, đánh thuế giá trị gia tăng, áp thuế đối với các mặt hàng xa xỉ phẩm, đồ uống nhẹ và cả năng lượng. Ngoài ra, Saudi Arabia cũng tính tới việc học tập Mỹ, xây dựng hệ thống “thẻ xanh” đối với lao động nước ngoài. Dự kiến, chương trình “thẻ xanh” cùng chương trình cho phép giới chủ đóng phí để sử dụng lao động nước ngoài ngoài hạn ngạch mỗi năm sẽ mang về 10 tỉ USD cho Saudi Arabia.

Nói tóm lại, Saudi Arabia đang nỗ lực “đại tu” nền kinh tế. Những cải cách mạnh tay có thể sẽ vấp phải phản đối. Nhưng trong bối cảnh giá dầu dự báo sẽ tiếp tục ảm đạm, Saudi Arabia khó có lựa chọn nào khác ngoài quyết tâm chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Lối thoát của Saudi Arabia cũng có thể trở thành gợi mở cho những nước mà thu nhập tài chính vẫn đang phụ thuộc lớn vào dầu mỏ.

Hà Ngọc - baotintuc.vn/​
 

Việc làm nổi bật

Top