Cơ hội nào để vực dậy giá dầu thế giới?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Hầu hết các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ tham dự hội nghị tại Algerie lần này đều có mong muốn vực dậy giá dầu, nhưng để đi đến một sự đồng thuận về đóng băng sản lượng trong bối cảnh quốc gia nào cũng đang phá vỡ kỷ lục sản lượng khai thác của chính mình, thì lại là một câu chuyện khác.

Cả thế giới sẽ hướng sự chú ý của mình vào cuộc họp sẽ diễn ra tại Algerie vào cuối tháng này giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các nước xuất khẩu chủ chốt nằm ngoài OPEC. Đó sẽ là cơ hội duy nhất trong khoảng thời gian còn lại của năm 2016 để có thể tiến tới một thỏa thuận vực dậy giá dầu trên thị trường, thông qua một thỏa thuận đóng băng sản lượng mà rất nhiều nước trên thế giới đang chờ đợi. Dù tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo đã phủ nhận việc hội nghị tại Algerie lần này có thể đưa ra một thỏa thuận chính thức, do về danh nghĩa đây là một cuộc họp không chính thức; nhưng ông Barkindo cũng thừa nhận khả năng có thể mở thêm một cuộc họp bất thường để bàn về tình hình giá dầu. Hầu hết các quốc gia tham dự hội nghị tại Algerie lần này đều có mong muốn vực dậy giá dầu, nhưng để đi đến một sự đồng thuận về đóng băng sản lượng trong bối cảnh quốc gia nào cũng đang phá vỡ kỷ lục sản lượng khai thác của chính mình, thì lại là một câu chuyện khác.

original.png

Sau hội nghị bàn về giá dầu tại Doha (Qatar) vào hồi tháng Tư năm nay, thì cuộc gặp không chính thức tại Algerie vào cuối tháng Chín này có lẽ là thời điểm quy tụ được các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ một cách đông đảo nhất. Ngoài Ả Rập Saudi và các thành viên OPEC khác, còn có Nga và đặc biệt là Iran – quốc gia thành viên OPEC nhưng đã vắng mặt tại Doha hồi tháng Tư, dẫn tới sự thất bại của thỏa thuận sản lượng này.

Lần trước, Iran đã không được mời và cũng không có ý định tham gia khi yêu cầu của nước này về việc đạt được sản lượng thời điểm trước các lệnh cấm vận trước khi tham gia đóng băng sản lượng đã bị Ả Rập Saudi từ chối. Nhưng lần này, Tehran có những lý do cần thiết để hoàn toàn sẵn sàng tham gia một thỏa thuận đóng băng sản lượng mới, do Iran đã đạt được mức sản lượng yêu cầu là 4 triệu thùng/ngày, và tuyên bố sẵn sàng tham gia bất cứ một thỏa thuận nào miễn là giúp giá dầu bình ổn ở mức 50-60 USD/thùng. Theo thông tin chính thức từ hãng tin của Bộ dầu mỏ Iran – Shana – tổng thống Iran Hassan Rouhani đã tuyên bố nước này sẽ hỗ trợ bất kỳ động thái nào để ổn định thị trường và giá cả.

Việc Iran chấp thuận tham gia thỏa thuận đóng băng sản lượng, đồng nghĩa với việc nút thắt cuối cùng đã được gỡ bỏ. Nhưng nó không đồng nghĩa với việc một thỏa thuận như vậy là điều có thể dễ dàng diễn ra. Sản lượng cung dư thừa trên thị trường thế giới đang lớn hơn rất nhiều so với những gì mà OPEC và các nước xuất khẩu phi OPEC như Nga có thể làm được. Bộ trưởng dầu mỏ Venezuela Eulogio Del Pino tuyên bố vào ngày thứ Hai 19.9 rằng, hiện tại nguồn cung dầu toàn cầu đang vượt quá nhu cầu thực tế khoảng 10%. Ở thời điểm hiện tại, tổng cung dầu trên thị trường thế giới đang ở mức 94 triệu thùng/ngày, có nghĩa là lượng dư cung đang ở mức 9,4 triệu thùng/ngày và đây là mức sản lượng cần giảm nếu muốn giá dầu tăng trở lại ở mức cao.

Mức sản lượng cần giảm 9,4 triệu thùng/ngày là một con số rất lớn, nó bằng gần 2,5 lần sản lượng của Iran, gần gấp đôi sản lượng của Iraq và bằng 80-90% sản lượng của Nga và Ả Rập Saudi. Sẽ không dễ dàng để đạt được mức giảm sản lượng kể trên, kể cả khi một thỏa thuận đóng băng sản lượng được thông qua đi nữa. Theo tính toán, nếu OPEC và các nước ngoài OPEC như Nga đồng ý đóng băng sản lượng, thì cung dầu sẽ chỉ giảm được khoảng 2 triệu thùng/ngày mà thôi; để giảm nhiều hơn cần một thỏa thuận cắt giảm sản lượng, mà đây lại là điều không nước nào muốn ở thời điểm hiện tại.

Ở thời điểm hiện tại, trái với dự đoán của nhiều người, hầu hết các nước xuất khẩu dầu lửa đều đang có sự gia tăng mạnh mẽ về sản lượng khai thác của mình, bất chấp việc giá dầu vẫn chỉ dao động quanh mức 50 USD/thùng. Đáng kể nhất là Ả Rập Saudi, khi nước này đã chính thức soán ngôi Mỹ để trở thành quốc gia có sản lượng khai thác lớn nhất thế giới cách đây một vài tuần, đạt tổng cộng 12,58 triệu thùng/ngày (sản lượng của Mỹ chỉ còn 12,2 triệu thùng/ngày). Nga cũng tương tự, khi đến trung tuần tháng Chín nước này đã đạt mức sản lượng 11 triệu thùng/ngày, gần bằng mức kỷ lục đạt được vào những năm 1980 thời Liên Xô. Các mỏ dầu mới đang tiếp tục được Nga khai thác ở biển Caspi và xa hơn về phía Bắc.

Hầu hết các nước trong và ngoài OPEC cũng đều tăng sản lượng đáng kể, Iran đạt mức 4 triệu thùng/ngày dù được dự đoán phải đến đầu năm 2017 mới đạt được; 3 quốc gia xuất khẩu thuộc vùng Vịnh Ả Rập là Kuwait, Iraq và UAE cũng tiến sát mức kỷ lục trong quá khứ từng đạt được. Hai nước thành viên OPEC khác phải cắt giảm sản lượng trong nửa đầu năm nay do bất ổn chính trị là Nigeria và Lybia cũng đang có kế hoạch tăng sản lượng khai thác trở lại để giải quyết các khó khăn kinh tế-xã hội. Tại Nigeria, hai hãng dầu Exxon Mobil và Royal Dutch Shell đều có kế hoạch tăng khai thác thêm 500.000 thùng/ngày; còn Lybia cũng sẽ dự kiến đạt mức sản lượng gần 1 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay (gấp đôi so với mức 500.000 thùng/ngày hiện nay).

Nói cách khác, khi mà hầu hết các nước xuất khẩu dầu đều tìm mọi cách để gia tăng sản lượng khai thác của mình trong thời gian vừa qua, thì việc tiến tới một thỏa thuận đóng băng sản lượng là điều không dễ xảy ra. Một thỏa thuận cắt giảm sản lượng lại càng khó khăn hơn nữa. Quốc gia nào cũng muốn giá dầu tăng trở lại, nhưng không dễ dàng để đi tới đồng thuận rằng mỗi nước sẽ cắt giảm bao nhiêu về phần mình. Iran đã khăng khăng đòi đạt được mức sản lượng 4 triệu thùng/ngày trước khi đồng ý tham gia thỏa thuận đóng băng sản lượng, thì thực tế là Nga, Ả Rập Saudi và hàng loạt các nước thành viên OPEC khác cũng đã làm điều tương tự. Khi tất cả đều tìm cách tăng sản lượng khai thác lên mức tối đa có thể, thì một thỏa thuận đóng băng sản lượng dù được thông qua đi nữa, cũng chẳng có nhiều ý nghĩa trong việc giảm tổng cung dư thừa.

Nhàn Đàm - Một Thế Giới (theo Reuters/Bloomberg)​
 

Việc làm nổi bật

Top