Cuộc chiến giá dầu: Kịch bản nào khiến thị trường phải lo ngại?

Connect Unlimited

Administrator
Thành viên BQT
Sự thất bại tại Doha có lẽ sẽ chỉ ảnh hưởng trong ngắn hạn trừ khi Saudi Arabia muốn đất nước của mình phá sản.

Hiệu ứng Doha sẽ không kéo dài

Theo nhận định của CTCK thành phố Hồ Chí Minh (HSC), tâm lý thất vọng trước thất bại tại cuộc gặp tại Doha có lẽ sẽ chỉ ảnh hưởng trong ngắn hạn.

Cuộc họp giữa 16 nước trong và ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tại Doha đã cho kết quả rất thất vọng khi họ đã không thể đi đến đồng thuận về việc đóng băng sản lượng nhằm hỗ trợ cho giá dầu.

Thay vào đó, một nguy cơ đã thành hiện thực là Saudi Arabia đã thể hiện quan điểm cứng rắn trước việc Iran từ chối tham gia thỏa thuận đóng băng sản lượng cho đến khi đạt được mức sản lượng bằng với mức trước khi có lệnh cấm vận. Theo đó Saudi Arabia đã đồng ý tham gia thỏa thuận đóng băng sản lượng mà không có Iran tham gia ngay từ đầu. Có thể nói, đối với Saudi Arabia sẽ là vô nghĩa khi tham gia cuộc họp Doha mà không giữ quan điểm giống như tại các cuộc đám phán trước khi cuộc gặp Doha diễn ra. Và câu trả lời ở đây có lẽ là quyết định của Saudi Arabia chỉ được đưa ra vào phút chót sau nhiều tuần thảo luận nội bộ tại nước này.

oil_1.jpg

HSC đưa ra hai kịch bản khả dĩ cho giá dầu trong tương lai. Kịch bản đầu tiên là cân bằng cung cầu hiện tại giữ nguyên với nguồn cung được cân bằng. Trong đó, việc tăng nguồn cung từ Iran sẽ được bù đắp bởi sự giảm nguồn cung từ Mỹ trong khi các nước xuất khẩu dầu khác giữ sản lượng khá ổn định. Do sản lượng của các nước ngoài OPEC (trong đó có Nga) đã sát mức sản lượng tối đa khi hầu hết các dự án mở rộng thiếu vốn triển khai. Nói cách khác, trong kịch bản này nguồn cung nói chung chỉ tăng nhẹ do các nước xuất khẩu chính ngoại trừ Iran sẽ giữ ổn định sản lượng xấp xỉ mức hiện tại. Trong khi đó bản thân Iran cũng sẽ tăng sản lượng một cách từ tốn hơn. Trong khi đó cầu cũng tăng dần với nhu cầu từ Trung Quốc tốt hơn kỳ vọng nhờ nền kinh tế ổn định trở lại sau khi có các biện pháp kích thích kinh tế, cùng với đó là việc Trung Quốc mở rộng kho dự trữ chiến lược nhằm tận dụng lợi thế giá dầu thấp.

Kịch bản thứ hai, cung sẽ tăng mạnh hơn dự kiến với Saudi Arabia tăng mạnh sản lượng ở mức còn cao hơn cả Iran. Quan điểm cứng rắn của Saudi Arabia bao gồm cả khả năng nâng ngay lập tức sản lượng từ 10,2 triệu thùng/ngày lên 11,5 triệu thùng/ngày, sau đó lên 12,5 triệu thùng/ngày trong vòng 6-9 tháng, qua đó bù hết vào phần cung giảm đi trong 6 tháng qua chủ yếu là do sản lượng dầu đá phiến giảm. Trong kịch bản này, HSC vẫn giả định cầu sẽ diễn biến giống như trong kịch bản thứ nhất. Theo đó, năm 2016 tình hình sẽ lặp lại giống 2015 trong đó cả cung và cầu tiếp tục tăng nhanh. Tình trạng dư cung khoảng 2 triệu thùng/ ngày vẫn giữ nguyên và quá trình tái cân bằng cung cầu sẽ diễn ra trong giai đoạn năm 2017-2018.

Trong kịch bản đầu tiên giá dầu ban đầu sẽ giảm mạnh, và đây là điều đang diễn ra. Sau đó, giá dầu sẽ hồi phục từ từ với sự tái cân bằng của cung-cầu, được hậu thuẫn từ các yếu tố quan trọng như đồng USD yếu đi so với các đồng tiền chủ chốt cộng với cầu tăng mạnh hơn kỳ vọng từ các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Ấn Độ.

Nếu kịch bản thứ 2 xảy ra, giá dầu có khả năng giảm mạnh trong những tháng tới và cuối cùng sẽ kiểm chứng lại đáy của tháng 1, câu chuyện chính sẽ là sự cạnh tranh thị phần giữa Saudi Arabia và Iran tại các thị trường lớn đang tăng trưởng như Trung Quốc và Ấn Độ.

Khốc liệt cuộc chiến giành thị phần

Các nước thành viên OPEC sản xuất 32,47 triệu thùng dầu/ngày vào tháng 3, cao hơn 1,2 triệu thùng/ngày so với mức bình quân quy định trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, nguồn cung của OPEC thấp hơn 90.000 thùng/ngày so với sản lượng của tháng 3 cho dù sản lượng của Iran tăng 400.000 thùng so với mức của tháng 1.

Nguồn cung từ Iraq giảm 600.000 thùng/ngày do đóng cửa đường ống xuất khẩu dầu phía bắc và từ Nigeria giảm 250.000 thùng/ngày do dừng khai thác loại dầu Forcados. Ngoài ra nguồn cung từ Kuwait cũng giảm mạnh và nguồn cung luôn bị gián đoạn thay vì mở rộng ổn định.

Trong khi Iran có khả năng nâng sản lượng thì tốc độ tăng sản lượng sẽ từ tốn hơn kể từ giờ. Tuy nhiên Saudi Arabia có thể dễ dàng tăng sản lượng làm 2 giai đoạn cho đến khi đạt đến công suất tối đa là 12-12,5 triệu thùng/ ngày. Ban đầu, thị trường có thể hấp thụ được phần sản lượng tăng lên này do nguồn cung từ một số nước xuất khẩu dầu khá giảm. Tuy nhiên khi nguồn cung từ các nước nói trên tăng trở lại trong khi Saudi Arabia vẫn giữ sản lượng ở mức cao để duy trì thị phần thì vấn đề sẽ bắt đầu nảy sinh, đây chính là kịch bản có khả năng khiến thị trường phải lo ngại.

Tình hình sản xuất của các nước ngoài OPEC có vẻ dễ đoán hơn. Báo cáo hàng tháng của OPEC kỳ vọng nguồn cung từ các nước ngoài OPEC giảm 730.000 thùng/ngày vào năm nay so với dự báo trước đó là 700.000 thùng/ngày. Trong khi đó, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cũng kỳ vọng sản lượng của các nước ngoài OPEC sẽ giảm 700.000 thùng/ngày.

Do sản lượng của các nước ngoài OPEC kỳ vọng giảm và giả định nguồn cung từ OPEC không tăng mạnh, IEA dự báo tình trạng dư cung sẽ dịu đi trong nửa cuối năm còn 200.000 thùng/ngày từ mức 1,5 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2016.

Kịch bản nào nhiều khả năng xảy ra trong trung hạn trên thực tế phụ thuộc vào đánh giá mức độ rủi ro từ Saudi Arabia. Bộ trưởng Dầu mỏ Nga Alexander Novak kỳ vọng thị trường dầu sẽ mất thêm 6 tháng để tìm được điểm cân bằng sau khi cuộc gặp Doha thất bại. Ông Alexander Novak cho rằng tình trạng dư cung sẽ chấm dứt vào giữa năm 2017.

Một điểm mấu chốt nữa là sản lượng của Iran dự kiến sẽ không tăng thêm nhiều kể từ giờ do hiện không dễ tăng sản lượng vì còn phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng mới sẽ được xây dựng. Theo đó, nếu Saudi Arabia muốn duy trì thị phần thì nước này có lẽ không cần thiết phải nâng sản lượng để đạt được mục đích này. Như vậy kịch bản đầu tiên dễ xảy ra hơn.

Trong ngắn hạn không hẳn chỉ có tin xấu

Đồng USD tiếp tục suy yếu và Công ty dầu mỏ Kuwait công bố sản lượng giảm mạnh trong vài ngày qua do công nhân đình công đòi tăng lương là thông tin tốt cho giá dầu. Theo đó sản lượng đã giảm từ 930.000 thùng/ngày xuống chỉ còn 520.000 thùng/ngày. Khó có thể nói trước sự gián đoạn sản xuất sẽ diễn ra trong bao lâu.

Số liệu sản lượng và tồn kho dầu công bố hàng tuần tại Mỹ cũng cho thấy sản lượng ở đây đang giảm dần trong khi tồn kho dầu ít nhất đã bắt đầu có cả tăng và giảm sau khi tăng lên mức rất cao trước đó. Nói cách khác, thất bại tại Doha không phải là một động lực duy nhất của giá dầu tại thời điểm này.

Theo HSC, nhiều khả năng giá dầu sẽ tìm được điểm cân bằng mới ở khoảng 35-38 USD/thùng trong những tuần tới và mọi việc sau đó sẽ tùy thuộc một phần vào chiều hướng biến động của các nhân tố ngắn hạn đề cập trên đây. Nhìn rộng hơn nữa là việc liệu Saudi Arabia có biến khả năng tăng mạnh sản lượng thành sự thật hay không.

Xu hướng giá dầu phụ thuộc nhiều vào triển vọng cung-cầu cộng với xu hướng suy yếu của đồng USD và ít phụ thuộc hơn vào kỳ vọng vào một thỏa thuận tại Doha. Do đó, sự thất bại tại Doha có lẽ sẽ chỉ ảnh hưởng trong ngắn hạn trừ khi Saudi Arabia muốn đất nước của mình phá sản.

Tuấn Trường - taichinhplus.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top