Điểm mặt các dự án bê bết thời dàn lãnh đạo PVN cũ quản lý

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Ông Đinh La Thăng và một số cựu lãnh đạo PVN bị đề nghị xử lý liên quan tới hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC); đầu tư loạt nhà máy nhiên liệu sinh học; dự án Nhiệt điện Thái Bình 2; nhà máy xơ sợi Đình Vũ hay góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank).

Chiều 27/4, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã có thông báo nội dung kỳ họp thứ 14 diễn ra từ ngày 24 đến 26/4 tại Hà Nội dưới sự chủ trì của ông Trần Quốc Vượng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

pvn-1493298074157.jpg

Theo đó, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị xử lý trách nhiệm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và một số lãnh đạo cũ của PVN như: ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN từ 2009-2011; ông Phùng Đình Thực - nguyên ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVN từ 2008-2010; ông Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Chủ tịch HĐTV 2010-2015; Ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch HĐTV 2010- 2015…

Các sai phạm được chỉ ra liên quan tới hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC); đầu tư loạt nhà máy nhiên liệu sinh học; dự án Nhiệt điện Thái Bình 2; nhà máy xơ sợi Đình Vũ hay góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank).

PVC thua lỗ kéo dài

Báo cáo kiểm toán Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC - mã chứng khoán PVX) mới nhất cho thấy, lỗ lũy kế hợp nhất của PVC tại ngày 31/12/2016 là khoảng 2.970 tỷ đồng (trước đó 1 năm, lỗ lũy kế của tổng công ty này là 3.028 tỷ đồng), dư nợ vay ngân hàng quá hạn tại ngày 31/12/2016 là khoảng 299 tỷ đồng và các vấn đề khác có thể ảnh hưởng tới khả năng thanh toán của PVC trong 12 tháng tới.

Mặc dù tiếp tục có lãi trong năm 2016 nhưng khoản lỗ lũy kế lên tới 2.970 tỷ đồng cho thấy PVC vẫn đang phải chịu hệ lụy nặng nề bởi hai năm kinh doanh bê bết dưới thời ông Trịnh Xuân Thanh làm lãnh đạo từ 2012, 2013 để lại. Trong hai năm đó, PVC bị lỗ ròng lần lượt 1.847,3 tỷ đồng và 2.228,3 tỷ đồng. Sau đó, PVC dần vực dậy để có lãi 102,5 tỷ đồng năm 2014 (sau khi điều chỉnh số liệu) và 22,7 tỷ đồng năm 2015.

Vào giữa tháng 9 năm ngoái, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định số 51/C46 (P12) khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 163 Bộ Luật Hình sự xảy ra tại PVC và các đơn vị thành viên.

Theo đó, ông Vũ Đức Thuận - nguyên Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PVC; ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó tổng Giám đốc; ông Trương Quốc Dũng, nguyên Phó tổng Giám đốc và ông Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng PVC đã bị khởi tố bị can. Ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Tổng giám đốc và Chủ tịch PVC được xác định phải chịu trách nhiệm chính song đã bỏ trốn ra nước ngoài và đang bị truy nã.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PVX của PVC hiện có mức giá 2.000 đồng và đang nằm trong diện bị cảnh báo từ 8/4/2015 do có lợi nhuận chưa phân phối bị âm. Thị giá PVX hiện chỉ bằng 1/10 so với giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 19/8/2009.

Hàng loạt dự án ethanol nghìn tỷ nằm đắp chiếu

Ba dự án nhà máy xăng sinh học ethanol là Nhà máy ethanol Phú Thọ, ethanol Dung Quất và ethanol Bình Phước là 3 dự án sản xuất ethanol nhiên nhiệu do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư. Mỗi nhà máy có công suất 100 triệu lít/năm, nguồn vốn đầu tư do các cổ đông góp 30% và 70% phải đi vay ngân hàng.

ethanol-1493298636472.jpg

Theo kết luận Thanh tra Chính phủ công bố mới đây, các dự án này tính đến nay, đều không đạt hiệu quả về đầu tư. Sau khi thực hiện xong dự án, các nhà máy đi vào hoạt động đều thua lỗ lớn và hầu như không vận hành thương mại. Cùng với nhà máy ethanol Dung Quất, toàn bộ vốn đầu tư vào 3 dự án với tổng số tiền đã thanh toán tính đến tháng 11/2014 là 5.401 tỷ đồng chưa có hiệu quả.

Riêng tại dự án Nhà máy ethanol Phú Thọ, cơ quan chức năng đã làm rõ những sai phạm có liên quan đến nhà thầu là PVC -thời điểm ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch. Cụ thể, dự án có tổng mức đầu tư khi phê duyệt là 1.317,5 tỷ đồng, giá trị gói thầu EPC hơn 59 triệu USD nhưng trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư PVB và nhà thầu PVC đã điều chỉnh tăng thêm hơn 14,3 triệu USD. Đặc biệt, dự án được khởi công sớm nhất nhưng chưa hoàn thành, nhà thầu PVC đã dừng thi công từ tháng 11/2011, vi phạm hợp đồng PVC, gây hậu quả nghiêm trọng.

Đối với dự án Phú Thọ, nhà thầu PVC đã đơn phương dừng thi công dự án gây hậu quả nghiêm trọng khiến toàn bộ máy móc, thiết bị lắp đặt đã bị han gỉ, vốn đã đầu tư 1.534 tỷ đồng chưa phát huy, tăng chi phí vốn vay và các chi phí khác; việc thi công các gói thầu, dự án thành phần thuộc nhà máy cũng bị ngừng trệ.

Tại dự án ethanol Dung Quất, PVN đã giao Tổng CTCP Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (PTSC) chủ trì xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi, tìm địa điểm xây dựng nhà máy. Tuy nhiên, đây là nhà thầu không có kinh nghiệm đã đưa ra một loạt quyết định sai trong việc song chọn địa điểm đầu tư và ký kết hợp đồng EPC. Việc chỉ định thầu cũng không thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và vi phạm quy định Luật Đấu thầu.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, vốn đầu tư đã sử dụng cho dự án là 2.124 tỷ đồng tăng 631 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư khi phê duyệt dự án (tăng 42%) làm tăng chi phí khấu hao tài sản cố định và chi phí vốn vay dẫn đến tay giá thành sản phẩm. Nhà máy đã tạm dừng sản xuất từ tháng 4/2015 và hơn 40 nhân công/tổng số 220 nhân công đã nghỉ việc, trong đó chủ yếu là các kỹ sư giỏi của nhà máy. Năm 2014, công ty chỉ phân phối được 5.000 m3 ethanol cho thị trường trong nước (đạt 5% công suất nhà máy). Việc sản xuất cầm chừng của nhà máy đã dẫn đến khoảng lỗ trên 140 tỷ đồng.

Nhà máy xơ sợi Đình Vũ “bất động”

Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ của Công ty Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm giữ trên 75% vốn cổ phần, tổng vốn đầu tư lên tới 325 triệu USD (tương đương gần 7.000 tỷ đồng) nhưng ngay từ khi chạy thử và vận hành vào tháng 5/2014 đã liên tục đối mặt với việc không bán được hàng, tạm dừng sản xuất.

Dự án đã chậm tiến độ tới 2 năm, khi đi vào hoạt động, vận hành khoảng 7 tháng đã lỗ hơn 1.085 tỷ đồng, doanh thu không đủ bù chi phí tối thiểu.

pvtex2-1493298873561.jpg

Trước thực tế thua lỗ liên tục, PVN đã từng đề nghị nhà nước cần có hỗ trợ bằng cơ chế đặc thù đưa nhà máy hoạt động ổn định và thu hồi vốn đầu tư. Theo báo cáo, PVN đang phải gánh chịu toàn bộ khoản công nợ đã vay để thực hiện dự án cũng như khoản lỗ gần 1.500 tỷ đồng của nhà máy.

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra về việc đầu tư xây dựng dự án này, theo đó, chỉ ra hàng loạt sai phạm như trong quá trình triển khai thực hiện dự án, PVTex đã không tổ chức thẩm định, tính toán kỹ, tăng tổng mức đầu tư không đúng với chi phí, tính sai chi phí…

Trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng mua thiết bị, chủ đầu tư và nhà thầu không tuân thủ quy định của hợp đồng, thay đổi nguồn gốc xuất xứ nhiều thiết bị. Nhiều thiết bị khác sau khi nhập về sử dụng đã bị trục trặc, hỏng hóc cũng là nguyên nhân dẫn đến việc nhà máy thử nghiệm kéo dài, sản phẩm không đạt chất lượng chiếm tỷ lệ cao.

Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ cho biết, quá trình thanh tra dự án đã phát hiện có dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư. Do đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Nhiệt điện Thái Bình 2

Theo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, việc chỉ định gói thầu EPC tại Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 do PVN làm chủ đầu tư, PVC được giao làm nhà thầu có nhiệm vụ thiết kế bản vẽ thi công, mua sắm hàng hoá, thiết bị vật tư, xây lắp, nghiệm thu, đào tạo và bàn giao vận hành…

Nhóm cán bộ chủ chốt của PVC là người trực tiếp ký duyệt các thủ tục về tài chính dự án nhà máy nhiệt điện có công suất thiết kết 1.200 MW với tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD).

Được biết, PVC đã ký hợp đồng EPC với Ban quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 - PVN với giá trị khoảng 918 triệu USD và 5.874 tỷ đồng. Cũng ngay trong năm 2011, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ký hợp đồng EPC đã tạm ứng cho dự án này 1.312 tỷ đồng và 6,6 triệu USD.

Liên quan tới dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, theo báo cáo tài chính hợp nhất của PVC, đến thời điểm tháng 6/2016, tổng giá trị hợp đồng tạm tính Tổng công ty đã ký với các nhà thầu phù cho công trình này đã vượt giá trị hợp đồng EPC ký.

Mất trắng 800 tỷ đồng góp vốn vào Oceanbank

Năm 2008, Oceanbank tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng nên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp 400 tỷ đồng (tương ứng 20% cổ phần) bằng cách chuyển từ tài khoản tiền gửi sang tài khoản của Oceanbank. Tiếp đó, Oceanbank tăng vốn lên 3.500 tỷ đồng vào năm 2009 và 4.000 tỷ năm 2011 thì PVN góp thêm tương ứng 300 tỷ và 100 tỷ nhằm giữ được tỉ lệ 20% cổ phần.

Theo tài liệu công bố, đến ngày 31/3/2014, OceanBank nợ xấu gần 15.000 tỷ đồng, trước thuế lỗ hơn 10.000 tỷ đồng, âm vốn 249% vốn chủ sở hữu.

Ngày 6/5/2015, Ngân hàng Nhà nước đã mua lại OceanBank với giá 0 đồng và đổi tên thành Ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên Đại Dương. Điều này cũng đồng nghĩa với việc 800 tỷ đồng tương đương 20% cổ phần của PVN cũng sẽ mất trắng.

Đáng lưu ý, trong thời gian là góp vốn vào Oceanbank, để thực hiện quản lý, giám sát vốn, PVN cử 3 người sang Oceanbank và họ phải báo cáo về theo từng tháng, quý, năm. Tuy nhiên, tất cả các báo cáo đó không hề có cảnh báo hoặc tín hiệu nguy hiểm về vốn. Ngoài ra, PVN còn thực hiện giám sát ngoài, quá trình này cũng không phát hiện sai phạm nào.

Phương Dung - Dân Trí​
 

Việc làm nổi bật

Top