“Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2016”

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
“Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2016” do Báo Công Thương (Bộ Công Thương) tổ chức; đã diễn ra ngày 25/8, tại Hà Nội. Diễn đàn là một hoạt động nhằm triển khai chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1855/QĐ-TTg ngày 27/12/2007, ngày 25/8.

Diễn đàn có sự tham dư của 500 đại biểu từ các cơ quan bộ/ban ngành trung ương và địa phương; các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế và chính sách, các hiệp hội ngành hàng, các trường đại học và viện nghiên cứu cùng với đại diện của các cơ quan thông tấn báo chí và truyền thông.

MG5130.JPG

Theo đại diện BTC cho biết, diễn đàn là cơ hội quý báu để các nhà quản lý, lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và nhà đầu tư chia sẻ kinh nghiệm về sử dụng năng lượng trong sản xuất kinh doanh và mở rộng hợp tác để đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững; trao đổi và thảo luận về các chính sách, các vấn đề về tầm nhìn quốc gia về sử dụng năng lượng và các giải pháp cho Việt Nam đạt được sự phát triển bền vững vì mục tiêu phục vụ con người, quốc gia dân tộc; Nâng cao nhận thức sử dụng tiết kiệm năng lượng của các doanh nghiệp; Động viên các doanh nghiệp có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh doanh gắn với việc tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1855/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 chỉ rõ, phát triển năng lượng phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo đi trước một bước, đảm bảo đồng bộ, bền vững, đa dạng hóa các nguồn năng lượng và công nghệ tiết kiệm năng lượng; Từng bước hình thành thị trường năng lượng, đa dạng hóa sở hữu và phương thức kinh doanh, xóa bao cấp và độc quyền; Phát triển đồng bộ và hợp lý hệ thống năng lượng, quan tâm phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…

Trình bày tại Diễn đàn, ông Tăng Thế Hùng -Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch -Kế hoạch (Tổng cục Năng lượng -Bộ Công Thương), chia sẻ: Chặng đường 9 năm thực hiện chiến lược phát triển năng lượng đã đạt những bước tiến quan trọng.Hệ thống điện quốc gia có tổng công suất trên 42.000MW, sản xuất điện năm 2014 khoảng 160 tỷ kWh; than khai thác trên 40 triệu tấn; dầu khai thác khoảng 17 triệu tấn và khí 10 tỷ m3, năng lượng tái tạo bước đầu đã được khai thác, sử dụng hiệu quả.Mục tiêu cụ thể của chiến lược là phấn đấu đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội với năng lượng sơ cấp đến năm 2020 đạt khoảng 100 -110 triệu TOE; năm 2025 khoảng 110 -120 triệu TOE và năm 2050 khoảng 310 -320 triệu TOE. Bên cạnh đó, phát triển các nhà máy lọc dầu, từng bước đáp ứng đủ nhu cầu về các sản phẩm dầu trong nước, đưa tổng công suất các nhà máy lọc dầu lên khoảng 25 -30 triệu tấn dầu thô vào năm 2020; đảm bảo mức dự trữ chiến lược xăng dầu quốc gia đạt 60 ngày vào năm 2020 và 90 ngày vào năm 2025. Đến năm 2020, phấn đấu hầu hết các hộ dân nông thôn có điện.


Tham luận của ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than & Khoáng sản Việt Nam trình bày tại Diễn đàn đã nêu rõ: Việt Nam nằm trong top những nước tiêu thụ năng lượng tương đối lớn so với khu vực và trên thế giới. Tăng trưởng kinh tế liên tục với tốc độ khá cao của Việt Nam giúp cải thiện mức sống của người dân và làm tăng nhu cầu sử dụng năng lượng. Dự báo nhu cầu điện theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, điện thương phẩm: Năm 2020 Khoảng 235 - 245 tỷ kWh; năm 2025 Khoảng 352 - 379 tỷ kWh; năm 2030 Khoảng 506 - 559 tỷ kWh. Nhu cầu than riêng cho ngành điện đến năm 2020, tổng công suất Khoảng 26.000 MW, sản xuất Khoảng 131 tỷ kWh điện, chiếm Khoảng 49,3% điện sản xuất, tiêu thụ Khoảng 63 triệu tấn than; năm 2025, tổng công suất Khoảng 47.600 MW, sản xuất Khoảng 220 tỷ kWh điện, chiếm Khoảng 55% điện sản xuất, tiêu thụ Khoảng 95 triệu tấn than; năm 2030, tổng công suất Khoảng 55.300 MW, sản xuất Khoảng 304 tỷ kWh, chiếm Khoảng 53,2% điện sản xuất, tiêu thụ Khoảng 129 triệu tấn than. Như vậy tỷ trọng nhiệt điện sử dụng than ngày càng tăng.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Biên, Quy hoạch phát triển Ngành than tại Quyết định 403/QĐ-TTg: Tổng trữ lượng và tài nguyên than dự tính đến ngày 31/12/2015 khoảng 48,88 tỷ tấn gồm khoảng 2,26 tỷ tấn trữ lượng và 46,62 tỷ tấn tài nguyên, trong đó có 0,34 tỷ tấn than bùn. Trữ lượng và tài nguyên than huy động vào quy hoạch khoảng 3,05 tỷ tấn gồm khoảng 1,22 tỷ tấn trữ lượng và 1,83 tỷ tấn tài nguyên, trong đó có 0,06 tỷ tấn than bùn. Sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành trong các giai đoạn của quy hoạch: Khoảng 41 - 44 triệu tấn vào năm 2016; 47 - 50 triệu tấn vào năm 2020; 51 - 54 triệu tấn vào năm 2025 và 55 - 57 triệu tấn vào năm 2030, trong đó than Anthraxit cấp cho các ngành khác khoảng 10 triệu tấn, còn lại cấp cho sản xuất điện. " Như vậy, nhu cầu than ngày càng lớn, khả năng sản xuất than đáp ứng đủ cho các nhà máy điện đã thiết kế sử dụng than Anthraxit trong nước là rất khó khăn, đòi hỏi Ngành than phải đẩy mạnh đầu tư mở rộng và xây dựng mới 25 dự án theo Quy hoạch 60 điều chỉnh. Đến năm 2020, chỉ tính riêng 4 nhà máy điện Thái Bình 1, Thái Bình 2, Vĩnh Tân 1 và Na Dương 2 sẽ tăng thêm khoảng 9 triệu tấn so với hiện nay. Theo dự báo CUNG > CẦU than trên thế giới hiện nay chỉ ngắn hạn, trong khi nhu cầu than cho các nhà máy điện trong nước dùng than Anthraxit các năm tới đây tăng cao thì ngành than phải giữ vững được năng lực sản xuất hiện nay và có lợi nhuận, vốn đầu tư đối ứng để đầu tư xây dựng các mỏ mới", ông Nguyễn Văn Biên nhấn mạnh.

MG5121.JPG

Về phần mình, ông Tô Quốc Trụ, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng VEA (VESB), chia sẻ về tầm quan trọng của việc phải xác định đúng đắn tầm nhìn mới về ngành Năng lượng Việt Nam trong ngắn hạn, dài hạn một cách đồng bộ, thống nhất, hoàn chỉnh. Theo đó, năng lượng ngày càng quý hiểm, việc triển khai và sử dụng hài hòa, lâu dài các nguồn năng lượng là yêu cầu cấp bách không chỉ với một quốc già mà còn có ý nghĩa toàn cầu, chi phí năng lượng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của toàn xã hội xét dưới góc độ an ninh năng lượng thì còn ảnh hưởng tới độc lập tự chủ của mỗi quốc gia. Vì thế Việt Nam cần hết sức quan tâm đến điều hành, quản lý, phát triển và khai thác hợp lý các nguồn năng lượng là điều không thể trì hoãn trong lúc chưa có Bộ chuyên ngành Bộ Công Thương sẽ dành sự quan tâm đến chỉ đạo ngành năng lượng vì đây là ngành kinh tế mũi nhọn vừa là động lực vừa là nên tảng để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển phục vụ đời sống nhân dân.

Cũng theo ông Tô Quốc Trụ, việc thành lập Ban chỉ đạo nhà nước về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia do Phó Thủ tướng phụ trách ngành làm Trưởng ban là vô cùng cần thiết. Ban Chỉ đạo ra đời, hoạt động hiệu quả sẽ thể hiện quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ đối với việc thực hiện tốt nhất Đề án Chiến lược quan trọng này. Bên cạnh đó, Đảng và Chính phủ có cơ chế chính sách thiết thực nhằm đảm bảo phát triển năng lượng bền vững, trước mắt có chủ trương rà soát lại tất cả các văn bản pháp lý liên quan đến hỗ trợ phát triển năng lượng, loại bỏ các văn bản không còn phù hợp, ban hành kịp thời các văn bản mới hấp dẫn và thu hút đầu tư vào ngành Năng lượng. Chính sách Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần được nhấn mạnh và đưa ra biện pháp mạnh để thực hiện trong Chiến lược phát triển Năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt vào năm 2017. Trên phương diện tổng thể Việt Nam cần ưu tiên phát triển các ngành kinh tế - xã hội nói chung và ngành công nghiệp nói riêng có cường độ năng lượng thấp, áp dụng công nghệ mới sản xuất các trang thiết bị hiệu xuất cao, khuyến khích về thuế cho các doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, miễn giảm thuế thu nhập hàng hóa và thiết bị tiết kiệm năng lượng, trợ giá cho đầu tư các dây truyền sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng và các dự án tiết kiệm năng lượng, ban hành tiêu chuẩn bắt buộc về tiêu thụ năng lượng cho thiết bị… Đối với các tập đoàn có chức năng sản xuất năng lượng sơ cấp cần triệt để tiết kiệm chi phí trong cả quá trình tìm kiếm, thăm dò, khai thác, tàng trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng; Đối với các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp sản xuất điện cần phấn đầu giảm tổn thất điện năng tựdùng trong vận hành ở các nhà máy điện, riêng Tập đoàn Điện lực (EVN) cần phấn đấu giảm tổn thất truyền tải, phân phối điện và phát triển lưới điện thông minh nhằm khai thác hiệu quả tối đa hệ thống năng lượng.

"Cùng với đó, Chính sách Nội địa hóa ngành Năng lượng Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành một trung tâm chế biến chế tạo mới về lĩnh vực này của thế giới tạo điều kiện cho ngành cơ khí phát triển; đây là ngành công nghiệp nền tảng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, củng cố an ninh quốc phòng của đất nước. Đối với ngành Năng lượng Việt Nam công nghiệp cơ khí luôn là người bạn đồng hành không thể thiếu trong quá trình nỗ lực phấn đấu để thực hiện có kết quả Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050", ông Tô Quốc Trụ nhấn mạnh.

Là đơn vị tổ chức Diễn đàn, ông Nguyễn Hữu Quý, Tổng Biên tập Báo Công Thương khẳng định: Cách đây 30 năm, ngành năng lượng Việt Nam còn hết sức khiêm tốn. Nguồn điện cả nước mới có khoảng 10 MW nhưng đến nay chúng ta đã có tổng nguồn điện gần 40.000 MW; hệ thống lưới điện từ truyền tải đến phân phối đã phát triển đồng bộ và rộng khắp, đứng thứ 31 thế giới và thứ 3 khu vực. Gần 100% số xã và 99% số hộ dân được sử dụng điện. Quan trọng hơn, ngành điện đã hoàn thành tốt vai trò, sứ mệnh của mình đó là cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành năng lượng Việt Nam cũng đã và đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện các quy hoạch, chiến lược phát triển trong giai đoạn mới, với tốc độ tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 7%/năm giai đoạn từ 2016-2030.

Câu hỏi mà dư luận quan tâm là làm thế nào có đủ năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với nhiều cơ hội mới từ các Hiệp định FTA thế hệ mới; trước những ảnh hưởng to lớn bởi tình hình kinh tế chính trị thế giới và khu vực, cùng các thách thức về môi trường, biến đổi khí hậu; hay những khó khăn mà ngành năng lượng đang gặp phải như thiếu nguồn vốn, vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng; khai thác than, dầu khí ngày càng khó khăn do tài nguyên phân tán, chi phí cao còn sản phẩm bị cạnh tranh gay gắt...

"Thời gian tới, Báo Công Thương cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, sát cánh cùng các doanh nghiệp năng lượng nước nhà thực hiện tốt công tác truyền thông với quan điểm “chủ động đi trước một bước” để doanh nghiệp, nhà đầu tư, cộng đồng xã hội hiểu, chia sẻ và nắm được chủ trương đúng đắn của Nhà nước về lĩnh vực năng lượng cũng như những công việc mà các cơ quan quản lý, doanh nghiệp năng lượng đang thực hiện với mục đích đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", ông Nguyễn Hữu Quý nhấn mạnh.

Baotintuc.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top