Đồng minh Mỹ tăng phạt giao thông bù giá dầu

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Cuộc chiến giá dầu đã khiến Saudi Arabia thay đổi toàn diện. Từ việc cắt giảm chi tiêu, trợ cấp xã hội đến tái cơ cấu nền kinh tế trong nước.

Tăng phí thị thực, tăng tiền phạt vi phạm giao thông

Saudi Arabia tiếp tục kế hoạch đại tu kinh tế kèm theo việc cắt giảm chi tiêu công, giảm tiền lương và tăng phí... nhằm ứng phó với sự sụt giảm nghiêm trọng của giá dầu trên thị trường.

“Chính phủ đang cải cách rất nhanh, còn người dân cảm thấy mình bị tụt lại đằng sau. Cuộc sống và kinh doanh như trước đây không thể tiếp tục”, bà Lama Alsulaiman, thành viên ban lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Saudi Arabia nhận xét.

Chính phủ Saudi Arabia đã quyết định giảm bớt nguồn trợ cấp lớn cho nhiên liệu, điện và nước cho các doanh nghiệp đang hoạt động trên đất nước.

Almarai là một công ty sản xuất sữa lớn ở Ảrập Saudi đang phải tìm cách khắc phục việc sẽ không còn được sử dụng nguồn năng lượng giá rẻ do nhà nước cung cấp.

Thực tế, để duy trì hoạt động kinh doanh, sản xuất ở giữa vùng sa mạc nắng nóng, Almarai cần có 180.000 con bò Holstein, chuồng trại được làm mát, nước bơm từ dưới lòng đất sâu.

Ngoài ra thức ăn cũng phải nhập từ Argentina cùng với hệ thống giữ lạnh hiện đại và khoảng 9.000 chiếc xe để vận chuyển sữa ướp lạnh cho các toàn bộ bán đảo Ả rập.

Tuy nhiên, với cách tính mới từ chính phủ, Almarai sẽ bị thiệt hại khoảng 133 triệu USD lợi nhuận sau thuế trong năm nay.

20161023-dong-minh-my-tang-phat-giao-thong-bu-gia-dau-2.jpg

Ngoài ra, để tăng nguồn thu ngân sách ngoài dầu mỏ tăng gấp 3 lần vào năm 2020, chính phủ Saudi Arabia đang bắt đầu thực hiện tăng phí thị thực, tăng tiền phạt vi phạm giao thông và tăng thuế đồ uống có đường.

Bên cạnh đó, chính phủ nước này cũng đang siết chặt vấn đề cấp visa mới cho lao động nước ngoài để thay thế bằng nguồn lao động dồi dào trong nước.

Theo kế hoạch, Saudi Arabia đặt chỉ tiêu tăng 450.000 việc làm mới trong khu vực tư nhân vào năm 2020.

Vì thế nếu doanh nghiệp không đạt một tỷ lệ phần trăm nhất định người bản xứ thì họ sẽ bị phạt và không được gia hạn visa mới cho lao động nước ngoài.

Trên khắp đất nước, những tấm bảng quảng cáo mới xuất hiện với “kế hoạch Tầm nhìn 2030”. Kế hoạch này kêu gọi đa dạng nền kinh tế trong 14 năm tiếp theo, bao gồm mở rộng ngành công nghiệp khai thác mỏ của đất nước để khai thác vàng, phosphate và uranium; xây dựng các ngành tài chính, công nghệ, giải trí và du lịch.

Bắt buộc phải thay đổi

Thực tế, Saudi Arabia được biết đến là đất nước với sự trợ cấp hậu hĩnh của nhà nước.

Mọi ngành công nghiệp ở quốc gia này đều chủ yếu dựa vào năng lượng giá rẻ, dù trực tiếp hay gián tiếp. Thậm chí Riyadh săn sàng đốt dầu thô hết thùng này tới thùng nọ để sản xuất điện, cách mà rất ít quốc gia làm trên quy mô lớn.

Tuy nhiên, kể từ khi giá dầu bắt đầu giảm năm 2014, quốc gia Trung Đông này đã bắt buộc phải thay đổi để tự cứu lấy mình.

Ngày 25/ 12/2014, Chính phủ Saudi Arabia đã bất ngờ khi ra tuyên bố cắt giảm lương công chức trong năm 2015. Nguyên nhân được đưa ra là do nguồn thu ngân sách chịu ảnh hưởng mạnh từ sự lao dốc của giá dầu.

Bộ Tài chính Saudi Arabia cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực như giáo dục và y tế, nhưng sẽ giảm chi cho lương và các khoản phụ cấp - mảng chiếm 50% chi tiêu công. Để bù đắp thâm hụt ngân sách, Riyadh dự kiến sẽ sử dụng vốn vay và rút tiền từ dự trữ ngoại hối.

Từ đó đến nay, quốc gia Trung Đông này thường xuyên có những sự điều chỉnh về lương cũng như phụ cấp chi tiêu.

Lần gần đây nhất là ngày 26/9. Quốc vương Saudi Arabia Salman đã ra sắc lệnh cắt giảm 20% lương của các bộ trưởng và giảm các khoản phụ cấp đối với các quan chức nhà nước, trong một nỗ lực triển khai chính sách thắt lưng buộc bụng để ứng phó với tình trạng sụt giảm nguồn thu từ dầu mỏ.

“Nội các đã quyết định dừng và hủy một số khoản thưởng và phụ cấp tài chính”, tuyên bố có đoạn viết.

Theo đó, 160 thành viên của Hội đồng Shura do Quốc vương Salman chỉ định để tư vấn cho chính phủ sẽ bị giảm 15% phụ cấp hằng năm về nhà ở, đồ nội thất và xe ô tô.

Chính phủ Saudi Arabia cũng được yêu cầu ngừng cấp xe công cho các quan chức cấp cao, trong khi phụ cấp điện thoại cũng bị cắt giảm. Ngoài ra, tiền phụ cấp ngoài giờ bị giảm về ngưỡng từ 25-50% lương cơ bản, trong khi số ngày nghỉ phép trong một năm không được quá 30 ngày.

Tháng trước, tại cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ ở Algeria, Saudi Arabia đã bất ngờ thay đổi quan điểm, đồng ý với chủ trương cắt giảm sản lượng để nâng giá dầu thô. Điều này đã tạo nên cú hích đối với thị trường dầu mỏ ảm đạm thời gian qua.

Chưa dừng lại, hồi tháng 4 năm nay, Phó vương Saudi Arabia Mohammed Bin Salman đã công bố một kế hoạch tổng hợp để ứng phó với khủng hoảng “thời đại hậu dầu mỏ”.

Biện pháp đầu tiên là thành lập một quỹ đầu tư công (PIF) trị giá ít nhất là 2.000 tỉ USD và một trong những sách lược huy động vốn là bán cổ phần của Công ty Dầu khí Saudi Aramco.

Đây là hãng dầu khí lớn nhất thế giới, có trị giá hàng nghìn tỉ USD, khai thác dầu nhiều hơn tổng lượng dầu nước Mỹ khai thác (khoảng 10,2 triệu thùng/ngày), cung cấp 9/10 thu nhập của Chính phủ nước này.

Ngoài ra, Saudi Arabia cũng tính tới việc học tập Mỹ, xây dựng hệ thống “thẻ xanh” đối với lao động nước ngoài. Dự kiến kế hoạch này mỗi năm sẽ mang về thêm 10 tỉ USD cho Saudi Arabia.

Rõ ràng với tình hình hiện nay, việc chính phủ Riyadh tìm cách thay đổi, đại tu nền kinh tế là điều cần thiết. Nếu tiếp tục chậm trễ cũng như ỷ lại vào Mỹ những thiệt hại đối với quốc gia Trung Đông này sẽ nặng nề hơn rất nhiều.

Trung Dũng - Báo Đất Việt​
 

Việc làm nổi bật

Top