DQS kiến nghị được dùng tiền đang “đóng băng” tại Oceanbank

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất (DQS) đã lỗ đến 121,08 tỷ đồng trong năm 2016 dù doanh thu đạt 436,5 tỷ đồng. Năm 2017, DQS đặt mục tiêu doanh thu đạt 953,3 tỷ đồng, lợi nhuận 29,5 tỷ đồng.

Báo cáo mới đây về tình hình sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2016 của Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất (DQS) cho thấy, doanh thu của DQS năm 2016 đã đạt 436,5 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí lên đến 557,58 tỷ đồng do đó DQS ghi nhận khoản lợi nhuận trước thuế âm 121,08 tỷ đồng.

Năm 2016 DQS đã hoàn thiện việc đóng mới, hoán cải và bàn giao Sà lan nhà ở VSP 6 cho Liên doanh Việt Nga VietsovPetro (VSP) vào tháng 3/2016.

Đồng thời tiếp tục thực hiện dự án đóng mới 2 tàu dịch vụ, ký hợp đồng đóng mới và hoàn thành 1 tàu kéo – lai dắt với chủ tàu Công ty Khoa Linh trong tháng 12/2016. Ký hợp đồng đóng mới 1 tàu LPG với chủ tàu Công ty Việt Xuân Mới trong tháng 10/2016, hiện tàu này đang được triển khai thi công, dự kiến hoàn thành trong 8,5 tháng.

Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy, DQS đã hoàn thiện việc sửa chữa và bàn giao các tàu Trường Sa, Hoàng Sa, tàu VSP-02 cho Liên doanh Việt Nga VietsovPetro; sửa chữa tàu PTSC 04 cho PTSC Quảng Ngãi, tàu Petrolimex 6 cho Petrolimex…

nha-may-dong-tau-dung-quat_llhk.jpg

Trước đó, khoản lợi nhuận của DQS ghi nhận lần lượt là 49,73 tỷ đồng và 28,47 tỷ đồng trong 2 năm 2014 và 2015.

Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của DQS, theo DQS là những tác động tiêu cực kéo dài từ những tồn tại của Vinashin chuyển giao. Cụ thể như các sản phẩm 104.000DWT, 105.000DWT và các tàu 54.000DWT số 1, 54.000DWT số 2 được chuyển giao về gây lỗ nặng.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất đầu tư dở dang, thiếu đồng bộ, tiến độ thi công kéo dài, một số hạng mục đầu tư đặc biệt quan trọng chưa có như cầu cảng, một số hệ thống dây chuyền đến nay chưa có nhu cầu sử dụng hoặc chưa đủ điều kiện sử dụng. Tổng tài sản cố định của DQS tính đến ngày 31/12/2014 của DQS là 2.478 tỷ đồng trong đó, giá trị còn lại tài sản cần dùng tương ứng là 702 tỷ đồng.

Khoản chi phí tài chính tồn tại từ thời điểm chuyển giao gồm lãi vay YMC, phí bảo lãnh vay vốn cảu Bộ Tài chính, chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện từ 6 tháng cuối năm 2010-2013 DQS phải phân bổ vào sản xuất kinh doanh bình quân khoảng 250 tỷ đồng/năm.

Về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017, DQS cho biết, kế hoạch năm 2017, DQS đạt doanh thu hơn 982 tỷ đồng, thoát lỗ với khoản lợi nhuận sau thuế 29,5 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, DQS cho biết, DQS tiếp tục kiến nghị với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), các cơ quan quản lý nhà nước tháo gỡ, cho phép DQS được sử dụng nguồn tiền gửi đang bị đóng băng tại Ngân hàng đại diện Oceanbank để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Mới đây, trong báo cáo của Bộ Công Thương, bộ này đã nêu ra 3 phương án xử lý DQS bao gồm chuyển đổi sở hữu Công ty DQS thông qua định giá, bán đấu giá tài sản, công nợ; Phá sản Công ty DQS theo quy định của pháp luật và phương án tiếp tục tái cơ cấu Công ty DQS.

Bộ Công Thương cho biết, trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố: tình hình thực tế, tính pháp lý, tính khả thi..., đề xuất ưu tiên lựa chọn phương án phá sản Công ty DQS theo quy định của pháp luật.

Tính toán cho thấy, nếu thực hiện phương án phá sản, giá trị ước tính có thể thu hồi vẫn thấp hơn nợ phải trả. Do đó, PVN sẽ không thể thu hồi được khoản tiền trên 5.000 tỷ đồng đã đầu tư vào DQS. Ngoài ra, các thủ tục xử lý phá sản tương đối phức tạp, kéo dài và tốn thêm chi phí thực hiện thủ tục phá sản. Hơn nữa, việc bán thanh lý tài sản có thể khó khăn và hạn chế trong khi vấn đề giải quyết quyền lợi cho hơn 1.200 lao động khi mất việc cũng là vướng mắc.

NGUYỄN THẢO - Bizlive.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top