Ethanol Bình Phước chết yểu, những ai đang ‘khóc’?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Trong ‘cơn say’ nhiên liệu sinh học cuối những năm 2000, nhiều nhà băng, doanh nghiệp đổ tiền vào lĩnh vực này, để rồi phải ‘ngậm đắng’ tới tận bây giờ.

nh___m__y_ethanol_B__nh_Ph_____c_ch___t_y___u00_33_54_000000.jpg

Nhà đầu tư ‘khóc ròng’…

Năm 2009, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) và Tập đoàn ITOCHU Nhật Bản góp vốn thành lập Công ty TNHH Nhiên liệu Sinh học Phương Đông (OBF) theo tỉ lệ tương ứng 51% - 49%, nhằm đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất Ethanol tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

Năm 2010, mặc dù chỉ mới hoàn thành xong nghiên cứu khả khi, Công ty CP Licogi 16 (LCG) đã ‘nhanh chân’ mua lại 22% cổ phần OBF từ PVOil.

Không lâu sau đó, Nhà máy được hoàn thành, tiến hành chạy thử vào tháng 2/2012. 10 tháng sau, OBF nhận bàn giao toàn bộ Nhà máy, tuy nhiên đồng thời phải ngừng vận hành do không có thị trường tiêu thụ.

Nhà máy NLSH Phương Đông cũng đóng cửa im lìm từ đó cho tới nay.

Câu chuyện khó khăn của OBF không phải là trường hợp cá biệt, đặt trong ‘bức tranh’ tối màu của ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học trong nước, với ‘cái chết’ của một loạt nhà máy NLSH trài dài từ Bắc vào Nam như nhà máy NLSH của Tập đoàn Dầu khí PVN và Sea Bank ở Tam Nông, Phú Thọ; nhà máy Ethanol của PVN ở Dung Quất, Quảng Ngãi cùng một số nhà máy nhỏ khác.

Song, nói sao thì nói, việc thiếu tính toán kĩ càng, chạy theo phong trào khiến không ít nhà đầu tư hiện phải đau đầu với các nhà máy NLSH. OBF là ví dụ điển hình.

Trong 3 năm 2010-2012, LCG đã góp tổng cộng 116,5 tỷ đồng trên 123,5 tỷ đồng (tương ứng 22% vốn góp) cam kết góp vốn vào OBF.

Mặc dù vậy, hoạt động thua lỗ nặng nề của OBF khiến khoản đầu tư của LCG ‘đổ sông đổ bể’ chỉ một thời gian ngắn sau đó. Năm 2013, LCG phải trích lập dự phòng tới 98,2 tỉ đồng cho khoản đầu tư trên, góp phần không nhỏ khiến LCG chứng kiến một trong những năm đen tối nhất kể từ ngày thành lập, với khoản lỗ kỉ lục 308 tỷ đồng.

Mạnh tay tái cơ cấu, LCG đã trích lập dự phòng toàn bộ số vốn còn lại trong OBF, 2,4 tỷ đồng năm 2014 và 15,9 tỷ đồng năm 2015. LCG coi như mất trắng khoản đầu tư 116,5 tỷ trên.

100_22_22_000000.png

Thậm chí còn ‘đau’ hơn LCG là Công ty Toyo Thai New Energy (TTNE), một thành viên của Công ty TNHH Public Toyo Thai (TTCL).

Tháng 9/2014, Tập đoàn ITOCHU của Nhật Bản đã ‘tháo chạy’ thành công khi sang nhượng toàn bộ phần vốn góp (49%) trong OBF cho TTNE, sau thời gian rao bán hơn một năm.

Chi tiết thỏa thuận không được công bố, tuy nhiên ITOCHU rất khó để bán được giá hời trong thương vụ trên. Trong khi đó, TTNE dường như cũng không biết rằng họ sắp sửa bước chân vào ‘vũng lầy’ không lối thoát.

BCTC kiểm toán công ty mẹ TTCL 2014 cho thấy mới sau 3 tháng nhận chuyển nhượng 49% cổ phần OBF, công ty Thái Lan đã phải gánh chịu khoản lỗ 97,5 triệu Baht, tương đương khoảng hơn 60 tỷ VNĐ. Con số này tăng mạnh gấp 4 lần lên 360 triệu Baht (230 tỷ đồng) trong năm 2015.

200_23_47_000000.png

Như vậy, chỉ sau hơn 1 năm tham gia vào OBF với tư cách là cổ đông lớn nhất, TTNE đã lỗ ngót nghét 300 tỷ đồng. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới, nếu TTNE không tìm được đối tác chuyển nhượng 49% phần vốn đã góp. Mà với tình cảnh hiện nay của Nhà máy Phương Đông nói riêng và thực trạng xăng sinh học rất khó tiêu thụ ở Việt Nam nói chung, việc tìm được một cổ đông khác để ‘thế mạng’ gần như là không thể.

Thật khó để ‘nuốt trôi’ với những nhà đầu tư Thái Lan, vốn luôn được xem là rất khôn ngoan, nhất là khi họ còn nhiệt tình bỏ ra 4,1 triệu USD phần vốn góp còn thiếu của ITACHU trong OBF.

Về phần PVOil, mặc dù không có số liệu cụ thể, tuy nhiên nhìn sang cảnh ‘ngán ngẩm’ của các cổ đông khác, có thể thấy 29% cổ phần PVOil nắm giữ trong OBF giờ đây có khi chỉ còn trên…giấy.

Ngân hàng điêu đứng

Khi một dự án thất bại thì không chỉ cổ đông mất tiền, mà các nhà băng tài trợ vốn cũng như ‘ngồi trên đống lửa’.

Trong số những tổ chức tín dụng cho OBF vay tiền, Ngân hàng TNHH Indovina (IVB), liên doanh giữa Ngân hàng TMCP Công thương Vietinbank và Ngân hàng Cathay United (CUB) của Đài Loan, là một trong những bên lo lắng nhất.

Tính tới thời điểm ngày 31/12/2015, IVB ghi nhận khoản nợ xấu lên tới 10 triệu USD liên quan tới OBF, được phân loại vào nợ nhóm 4, chiếm phần lớn nợ nhóm này của IVB (10,24 triệu USD).

Khoản nợ trên góp phần không nhỏ khiến tỉ lệ nợ xấu của Indovina tăng mạnh từ 1,2% cuối năm 2014 lên 4% thời điểm 31/12/2015.

300_22_34_000000.png

Xếp khoản vay của OBF vào nợ nhóm 4 đồng nghĩa với việc IVB phải trích lập dự phòng 50%, tương đương 5 triệu USD – hơn 100 tỷ đồng trong năm 2015, ‘bào mòn’ lợi nhuận của ngân hàng này, khiến IVB chỉ ghi nhận khoản lãi sau thuế 152,5 tỷ đồng, bằng non nửa so với mức 323,4 tỷ trong năm 2014.

Với tình trạng hiện nay của OBF cũng như Nhà máy NLSH Phương Đông, gần như khoản nợ trên sẽ ‘nhảy’ xuống nợ nhóm 5 trong năm 2016, bắt buộc IVB phải trích lập 50% còn lại. Điều này chắc chắn sẽ khiến các cổ đông của Ngân hàng, đặc biệt là CUB, không thể hài lòng.

Tình hình đối với các tổ chức tín dụng khác đã tài trợ vốn cho OBF chắc hẳn cũng không mấy khả quan. Theo nguồn tin của người viết, OBF đã huy động được hơn 1.100 tỷ đồng tiền vay từ Agribank, Bảo Việt Bank, Ngân hàng liên doanh Việt Thái (Vinasiam Bank – nay là một chi nhánh của Ngân hàng Siam, Thái Lan), May Bank (Malaysia), Tổng Công ty tài chính CP dầu khí Việt Nam (PVFC – Nay là NHTMCP Đại Chúng PVCombank) và một TCTD trong nước khác.

Nghi Điền - ANTT.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top