Giá dầu thế giới có thể đạt đỉnh trong 3 tháng tới?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Thị trường dầu thô thế giới trong tuần qua chứng kiến một trong những biến động tích cực nhất của giá dầu kể từ đầu năm 2017 đến nay. Giá dầu đã có mức tăng giá tuần cao nhất trong năm nay và quay trở lại trên mức 52 USD/thùng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là sự khởi đầu cho xu hướng tích cực này mà thôi.

Thị trường dầu thô thế giới trong tuần qua chứng kiến một trong những biến động tích cực nhất của giá dầu kể từ đầu năm 2017 đến nay. Giá dầu đã có mức tăng giá tuần cao nhất trong năm nay và quay trở lại trên mức 52 USD/thùng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là sự khởi đầu, một loạt các dấu hiệu tích cực khác đang cho thấy một thực tế khá rõ ràng rằng giá dầu trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục đà tăng trong vòng 3 tháng sắp tới, thậm chí có thể là đạt đỉnh. Nó bao gồm: Cam kết tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các nước xuất khẩu ngoài OPEC, nhu cầu tiêu thụ dầu gia tăng do mùa hè đã đến và khả năng rất lớn cho việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC có thể kéo dài đến hết năm 2017.

gia_dau_the_gioi_co_the_dat_dinh_trong_3_thang_toi_59986_40e7faa0ae51fd4e1d4737fbd3e28d93_oil_resize.jpg

Trong bài phát biểu mới nhất của mình, Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo đã cho biết, kho dự trữ dầu thô trên toàn cầu đang bắt đầu sụt giảm và khiến giá dầu thế giới bật tăng mạnh mẽ trong tuần vừa qua. Đây là những dấu hiệu cho thấy thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC đang khiến cho thị trường dầu thế giới trở nên cân bằng hơn. Theo ước tính, ở thời điểm hiện tại đang có khoảng 285 triệu thùng dầu được dự trữ trên khắp thế giới. Chính số lượng các kho dự trữ quá lớn này là lý do giá dầu không thể tăng mạnh sau khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC bắt đầu có hiệu lực. Theo ước tính của 2 nước thành viên OPEC là Ả Rập Saudi và Kuwait, giá dầu chỉ có thể tăng mạnh trở lại khi các kho dự trữ dầu trên toàn cầu sụt xuống mức trung bình trong vòng 5 năm trở lại đây.

Việc giá dầu có tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu năm 2017 đến nay vào tuần trước, là dấu hiệu cho thấy thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và các nước xuất khẩu ngoài OPEC ký kết tại Vienna vào tháng 11 năm ngoái bắt đầu có tác dụng. Báo cáo mới nhất của Morgan Stanley cho biết, nếu thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC được duy trì đến hết năm nay thay vì chỉ đến tháng 6 như đã cam kết, thì kho dự trữ dầu toàn cầu có thể giảm khoảng 72 triệu thùng trong năm nay, chủ yếu là ở các quốc gia châu Á như Trung Quốc và Nhật Bản – những nền kinh tế luôn có mức độ đề phòng rủi ro về năng lượng cao và luôn duy trì mức dự trữ dầu tương đối lớn.

Các dấu hiệu tích cực có thể khiến giá dầu hồi phục trở lại trong thời gian tới đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn ở thời điểm hiện tại. Trước hết, nhu cầu tiêu thụ dầu tại các thị trường lớn trên thế giới sẽ tăng mạnh trong thời gian tới do mùa hè đã đến, đặc biệt là ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Tại Mỹ, nhu cầu tiêu thụ dầu tăng mạnh. Bất chấp việc các nhà máy dầu đá phiến của nước này quay trở lại hoạt động ở mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây thì Mỹ sẽ vẫn phải tăng mức nhập khẩu dầu để đáp ứng nhu cầu của thị trường nước này.

Yếu tố tích cực thứ 2 là việc tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nước OPEC và các nước xuất khẩu ngoài OPEC đang trở nên nghiêm túc hơn. Điển hình là Iraq. Theo tuyên bố của ông Jabbar Al-Luaibi, Bộ trưởng Dầu lửa Iraq, sản lượng khai thác của nước này đã giảm khoảng 2% trong tháng 3.2017, đạt khoảng 4,46 triệu thùng/ngày. Dù trước đó Iraq là nước đã đưa ra yêu cầu về sự miễn trừ trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng ở Vienna, nhưng hiện tại Iraq sẵn sàng cắt giảm sản lượng của mình sâu hơn nữa. Theo thống kê của OPEC, Iraq đã đồng ý cắt giảm sản lượng khoảng 210.000 thùng/ngày bắt đầu từ tháng 4 tới, và đưa sản lượng khai thác của nước này xuống chỉ còn 4,351 triệu thùng/ngày. Tổng thư ký OPEC Barkindo cho biết, Iraq cam kết họ sẽ bảo đảm tuân thủ đầy đủ.

Điều tương tự cũng diễn ra tại Nga, nước xuất khẩu dầu lớn nhất trong số các nước ngoài OPEC tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng ở Vienna. Cũng giống như Iraq, Nga bắt đầu đẩy mạnh việc cắt giảm sản lượng từ tháng 3 vừa qua theo thỏa thuận với OPEC. Theo dữ liệu của Bộ Năng lượng Nga, sản lượng dầu thô của nước này đã giảm khoảng 1,6% so với mức kỷ lục vào tháng 10 năm ngoái là 11,23 triệu thùng/ngày, giờ đây nó chỉ còn đạt khoảng 11,05 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, Nga đã cam kết sẽ giảm thêm khoảng 300.000 thùng/ngày bắt đầu từ tháng 4.

Trong số 11 nước xuất khẩu dầu lửa hợp tác với OPEC để giảm sản lượng khai thác nhằm vực dậy giá dầu thì Nga là nước có sản lượng lớn nhất. Trong số 1,8 triệu thùng cắt giảm mỗi ngày mà 11 nước xuất khẩu ngoài OPEC chịu trách nhiệm, mức cắt giảm mà Nga đóng góp là khoảng 1/3, tương đương 600.000 thùng/ngày. Việc Nga thực hiện đầy đủ thỏa thuận cắt giảm vì thế sẽ là một yếu tố tích cực giúp vực dậy giá dầu. Theo thống kê, giá dầu Brent trên thị trường London vào ngày 31.3 vừa qua đạt mức 52,83 USD/thùng, tăng tổng cộng khoảng 19% so với mức giá vào tháng 11.2016 – trước khi thỏa thuận cắt giảm ở Vienna được ký kết.

Yếu tố tích cực cuối cùng đối với triển vọng của giá dầu thế giới trong 3 tháng sắp tới là những kỳ vọng về việc thỏa thuận cắt giảm sản lượng ở Vienna sẽ được mở rộng thời hạn thực hiện cho đến hết năm nay, thay vì chỉ đến tháng 6 như cam kết trước đó. Hiện tại, có 5 nước thành viên OPEC cho biết họ sẵn sàng ủng hộ việc gia hạn thỏa thuận đến hết năm 2017 cùng với một nước khác ngoài OPEC là Oman.

Khả năng việc gia hạn thỏa thuận nhận được sự đồng tình của Nga được đánh giá là tương đối lớn, do Nga hiện là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất từ việc cắt giảm này sau khi giá dầu bật tăng lên trên mức 50 USD/thùng. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak đã cho biết vào tuần trước rằng Nga cần thêm thời gian để đánh giá thị trường trước khi quyết định có cam kết gia hạn thỏa thuận hay không. Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia thì có rất ít lý do để Nga từ chối, khi mà dự toán ngân sách 2017 của chính phủ Nga vẫn đang giả định giá dầu chỉ ở mức 40 USD/thùng. Giá dầu càng ở mức trên 50 USD/thùng lâu bao nhiêu, Nga càng có lợi bấy nhiêu.

Nhàn Đàm - Một Thế Giới (theo Bloomberg)​
 

Việc làm nổi bật

Top