Giá dầu thế giới tăng: Kẻ mừng, người lo

Connect Unlimited

Administrator
Thành viên BQT
Trong khi người trồng cao su và các doanh nghiệp (DN) ngành dầu khí cho biết đang trút bỏ dần gánh nặng khi giá dầu bắt đầu tăng trở lại, hàng loạt DN lại canh cánh nỗi lo chi phí đầu vào ăn theo giá xăng dầu.

Giá thành sẽ tăng và cạnh tranh khó khăn hơn. Đặc biệt, theo các chuyên gia, “bóng ma” lạm phát có nguy cơ quay trở lại nếu giá dầu tăng cao, đồng thời khuyến cáo phải thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nhằm phòng ngừa lạm phát.

Cao su và dầu khí mừng

Đang tất bật cho vụ thu mủ cao su mới, ông Dương Đình Khoa - chủ vườn cao su tiểu điền hơn 5ha (tại xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) - cho biết thông tin từ các đầu mối thu mua cho thấy giá mủ tươi đã khả quan trở lại.

“Theo thông báo của các cơ sở thu mua, giá mủ tươi hiện khoảng 300 đồng/độ, tăng gần 58% so với mức giá vào cuối niên vụ khai thác trước” - ông Khoa cho biết.

0527-dien-bien-gia-dau-the-gioi-tto-1464392915.jpg

Trước đó, theo ông Khoa, khi giá mủ tươi xuống còn 190 đồng/độ vào cuối vụ khai thác năm ngoái, nhiều chủ vườn cao su tiểu điền đã phải ngừng khai thác mủ do tiền bán mủ chưa đủ trả công, thậm chí nhiều hộ chặt bỏ cây cao su để chuyển sang cây trồng khác.

Tuy nhiên, khi giá dầu thế giới tăng trở lại thời gian gần đây, giá mủ cao su tự nhiên cũng tăng theo, nhiều chủ vườn hi vọng năm nay sẽ có lãi.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Tiến (Đồng Phú, Bình Phước) cho biết với giá mủ tươi 290-300 đồng/độ hiện nay, người trồng cao su đã bắt đầu có lời chứ không còn thua lỗ hoặc lấy công làm lời như hồi cuối năm ngoái nữa. “Chỉ sợ đến mùa cạo mủ thì nguồn cung nhiều giá lại giảm” - ông Tiến nói.

Một lãnh đạo Hiệp hội Cao su VN (VRA) cũng cho biết cùng với việc giá dầu tăng trở lại và nguồn cung hạn chế do nhiều nông dân chủ động ngưng cạo mủ, giá xuất khẩu cao su cũng tăng trở lại và các DN cao su đã “dễ thở” hơn.

“Giá cao su xuất khẩu hiện ở mức 33-34 triệu đồng/tấn, thậm chí lên tới 37 triệu đồng/tấn vào cuối tháng 4-2016, tăng 32-42% so với mức giá xuất khẩu vào đầu năm nhờ giá dầu thế giới nhích lên” - vị này cho biết.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hùng Dũng - phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN - cũng cho rằng giá dầu tăng lên 50 USD/thùng trong mấy ngày qua là tín hiệu mừng cho ngành dầu khí VN.

“Nếu giá dầu duy trì ở mức này hoặc tăng cao hơn nữa, ngành dầu khí sẽ bớt đi những khó khăn, tăng được nguồn thu nộp cho ngân sách nhà nước cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng” - ông Dũng nói.

Tuy nhiên, ông Bùi Hoàng Điệp - phó giám đốc Công ty PTSC M&C (chuyên chế tạo các giàn khoan dầu khí) - cho rằng mức giá dầu hiện nay vẫn chưa ổn định và “chưa đủ độ “nóng” để các dự án khởi động lại, bởi nhiều mỏ khai thác dầu tại VN điểm hòa vốn phải ở mức 60-65 USD/thùng.

“Giá dầu tăng nhưng phải ổn định và lâu dài, các nhà đầu tư mới có niềm tin để quay lại đầu tư vì đầu tư khai thác dầu là đầu tư dài hạn” - ông Điệp cho biết.

Nhiều doanh nghiệp lo

Trong khi đó, nhiều DN lo rằng giá xăng dầu tăng trở lại sẽ đe dọa đến chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đang tăng cao.

Theo ông Nguyễn Trí Kiên - giám đốc Công ty Miti, với mức giá xăng dầu đứng ở mức thấp vừa qua, nhiều DN cảm thấy dễ thở vì chi phí vận chuyển chiếm khá cao trong giá thành sản phẩm. Vì vậy, việc giá xăng dầu tăng trở lại gần đây chắc chắn sẽ tác động đến hoạt động của DN, DN phải tiếp tục theo dõi để tính toán.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, phó chủ tịch Hiệp hội Bông sợi VN, cho biết VN hiện vẫn phải nhập thêm 200.000 tấn sợi/năm mới đủ cho nhu cầu sử dụng, trong khi số sợi này đều có gốc hóa dầu nên khi giá dầu tăng, chắc chắn giá sợi cũng sẽ tăng theo, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm dệt may.

Tuy nhiên, hiện giá sợi chưa có biến động gì nhiều do còn phụ thuộc vào nhu cầu thị trường, chưa kể lượng hàng tồn kho của nhà cung cấp vẫn còn tương đối lớn.

d46272a0.jpg

Theo các DN sản xuất nhựa, thông thường đều có một độ trễ nhất định về mức giá giao dịch nguyên liệu nhựa.

Giám đốc một DN cho biết ở thời điểm giá dầu lao dốc, giá nguyên liệu hạt nhựa vẫn không giảm theo mức giảm của giá dầu, dù gốc của nó vẫn từ hóa dầu mà ra. Tuy nhiên, điều mà các DN lo là khi giá dầu tăng trở lại, giá nguyên liệu nhựa sẽ ăn theo.

“Mức giá cuối cùng đều do nhà cung cấp quyết định vì hơn 80% nguồn nguyên liệu nhựa mà các DN trong nước sử dụng hiện nay đều phải nhập khẩu từ nước ngoài” - ông Cao Văn Sang, tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Sài Gòn, cho hay.

Một tiểu thương hàng thời trang ở chợ An Đông (Q.5) cũng cho biết kinh doanh mặt hàng quần áo, thời trang những tưởng không liên quan đến xăng dầu nhưng thật ra quan hệ chặt chẽ.

Mấy năm trước, mỗi lần giá xăng dầu tăng kiểu gì vài tháng sau các mối giao hàng tăng giá theo. Hơn một năm nay, giá xăng dầu giảm liên tục và duy trì ở mức thấp, cộng sức mua cũng yếu nên giá cả các mặt 
hàng không hề tăng.

“Xăng dầu mà tăng kiểu gì phí vận chuyển cũng tăng đầu tiên” - tiểu thương này nói.

Áp lực lạm phát

Theo bà Đỗ Thị Ngọc - phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Ngoài ảnh hưởng trực tiếp, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá đầu vào các ngành sản xuất, dịch vụ.

Khi đầu vào tăng, nhiều khả năng giá một số loại hàng hóa dịch vụ sẽ tăng theo, tiếp tục đẩy CPI cao lên. “Giá xăng tăng vào các ngày 20-4 và 5-5 đã dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 5,15% so với tháng trước, góp phần tăng CPI chung khoảng 0,21%” - bà Ngọc cho biết.

TS Nguyễn Sơn, Viện Kinh tế và chính trị thế giới, nhận định lạm phát ở VN tăng thời gian qua do nhiều yếu tố, trong đó có nguyên nhân từ giá xăng dầu tăng.

Theo ông Sơn, mặt tích cực của giá dầu tăng là sẽ giúp thu ngân sách tăng. Theo như tính toán trước đó, giá dầu giảm 1 USD thì ngân sách thất thu khoảng 1.500 tỉ. Ngược lại, giá dầu tăng 1 USD, ngân sách cũng sẽ tăng thu khoảng 1.500 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, việc tăng thu này không phải là nhiều, vì trước đây VN quen thu ở giá dầu tầm 100 USD/thùng, còn hiện nay chỉ 50 USD/thùng, tổng thu chưa phải lớn.

Dù vậy, điều ông Sơn lo ngại là với tốc độ tăng CPI như hiện nay, lạm phát cả năm của VN nhiều khả năng sẽ vượt 5%, bởi tháng 5 là tháng không cao điểm mà CPI tháng này đã tăng 0,54%, những tháng cuối năm có thể sẽ còn cao hơn.

“Đã đến lúc giảm cho vay chi tiêu. Chính sách tiền tệ cần làm từ sớm, trước 5-6 tháng, đợi khi lạm phát tăng cao rồi sẽ trễ” - ông Sơn khuyến cáo.

GS Trần Ngọc Thơ, trưởng khoa tài chính doanh nghiệp Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng tùy theo giá dầu ở ngưỡng nào, nó sẽ có những ảnh hưởng khác nhau.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay cần lưu tâm là “bóng ma lạm phát” có nguy cơ trỗi dậy, khi DN sẽ tính trước chi phí giá dầu vào trong giá thành sản phẩm, tạo ra tâm lý lạm phát trên toàn 
thị trường.

Do đó, theo ông Thơ, việc Chính phủ cần phát ra những tín hiệu gì trong chính sách điều hành tiền tệ, hoặc có những biện pháp nào để trấn an thị trường ở các thời điểm phù hợp là hết sức quan trọng.

Giá dầu có thể tăng nhưng cũng có thể giảm. Vấn đề là DN, người dân có thể hình dung được diễn biến sắp tới của thị trường sẽ hình thành nên mặt bằng giá như thế nào.

“Thị trường sẽ không hốt hoảng cho dù giá dầu có tăng nếu Chính phủ có những thông điệp điều hành thị trường được phát đi kịp thời. Đây mới là điều quan trọng” - ông Thơ khẳng định.

NHÓM PV KINH TẾ - Báo Tuổi Trẻ​
 

Việc làm nổi bật

Top