Giá dầu trước khả năng gia hạn cắt giảm sản lượng

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang ở trong một vị thế rất bấp bênh trước quyết định nên hay không nên gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Giá dầu chắc chắn sẽ sụt giảm nếu OPEC cho biết thỏa thuận của họ sẽ kết thúc đúng hạn vào ngày 30-6 tới. Nhưng nếu họ tiếp tục gia hạn thỏa thuận cắt giảm thêm 6 tháng nữa thì giá dầu có tăng hơn hay không?

Trong cả năm qua, giá dầu đã nhiều phen trồi lên sau khi sụt giảm mạnh - có lúc xuống dưới 30USD/thùng, nhờ những dự đoán về việc OPEC có thể sẽ cắt giảm sản lượng. Đến tháng 1 năm nay, việc OPEC giảm khai thác đã trở thành hiện thực và nhóm đã đạt được tỷ lệ tuân thủ trên 90% kế hoạch cho tháng 1 và thậm chí còn đạt được kết quả khả quan hơn trong tháng 2 vừa qua.

Cụ thể, báo cáo hằng tháng của OPEC cho tháng 2-2017 được công bố vào sáng hôm 14-3 cho thấy, tổng sản lượng khai thác dầu thô của cả nhóm đã giảm từ 32.097 triệu thùng/ngày trong tháng 1 xuống còn 31.958 triệu thùng/ngày. Các thành viên trong “diện” phải giảm hoặc “đóng băng” sản lượng đã giảm khai thác từ 29,9 triệu thùng/ngày xuống 29,7 triệu thùng/ngày, trong khi Iraq và Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE) tiếp tục bơm vượt quá mức thỏa thuận, vượt quá mức hạn ngạch 63.000 thùng/ngày và 51.000 thùng/ngày.

Nhưng giá dầu vẫn chưa phản ứng lại theo cách mà nhiều người mong đợi. Sau khi phá vỡ ngưỡng kháng cự dài hạn là 52USD/thùng, giá dầu đã không thể tăng lên trên 55USD/thùng trên cơ sở bền vững. Dầu được giao dịch trong biên độ hẹp trong hơn 2 tháng, trước khi đột ngột rớt xuống dưới 50USD/thùng vào ngày 9-3 và bây giờ vẫn đang có xu hướng đi xuống.

gia-dau-truoc-kha-nang-gia-han-cat-giam-san-luong.jpg

Hiện trong nội bộ OPEC cũng bắn đi những tín hiệu lẫn lộn về việc nên hay không nên tiếp tục giảm khai thác.

Kuwait dường như là thành viên đầu tiên của OPEC thừa nhận thực tế rằng, thị trường dầu mỏ quốc tế không đạt được sự cân bằng nhanh như dự kiến ban đầu của cả nhóm, phần lớn do sự gia tăng khai thác dầu đá phiến của Mỹ. Và Kuwait đã lên tiếng kêu gọi gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô của OPEC.

Trong khi đó, Bộ trưởng Dầu mỏ Arập Xêút gần đây tại Hội nghị Năng lượng CERAWeek đã tỏ rõ quan điểm Riyadh không muốn tiếp tục giảm sản lượng khai thác của họ chỉ để hỗ trợ tăng giá dầu, mà để đạt được mục tiêu đó cần phải có hành động phối hợp trong OPEC. Arập Xêút đã phải gánh nhiều gánh nặng nhất cho việc cắt giảm của OPEC. Tổng sản lượng khai thác dầu thô của Arập Xêút đã giảm đáng kể từ năm ngoái, trung bình khoảng 450.000 thùng/ngày và dữ liệu hàng tháng cho thấy sự giảm sâu hơn nữa là sẽ không xảy ra, ít nhất là cho đến khi đạt được thỏa thuận mới.

Trả lời phỏng vấn của Hãng thông tấn Sputnik News (Nga), cựu Trợ lý Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Chuck McConnel cho rằng, khả năng OPEC quyết định kéo dài thời hạn thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ mà họ đã đạt được ngày 30-11 năm ngoái đang gia tăng. Tuy nhiên, quyết định này sẽ không ảnh hưởng lớn đến giá dầu, mà OPEC thì sẽ lại đánh mất thị phần vào tay các đối thủ cạnh tranh khác và rồi sẽ lại rơi vào vòng luẩn quẩn của một cuộc chiến “lưỡng bại câu thương” khác.

Mặc dù có một số bình luận gia kỳ vọng rằng, giá dầu sẽ tăng cao nếu OPEC thông báo gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng, nhưng ông McConnel vẫn tin rằng, điều này sẽ không xảy ra, bởi vì thị trường đã tương đối ổn định. Vị cựu quan chức năng lượng của Mỹ nói: “Tôi nghĩ rằng tình hình của OPEC và thỏa thuận không phải là yếu tố chi phối đến việc thị trường sẽ diễn tiến thế nào. Đó là một phần của thị trường, nhưng chắc chắn nó không phải là động lực”.

Theo ông McConnell, động lực bây giờ là công nghệ và động lực mới này được tạo ra bởi sự thống trị về công nghệ, sẽ có khả năng dẫn tới các biến động giá cả thường xuyên và đột ngột hơn trong tương lai. Nhờ công nghệ, ngành công nghiệp dầu khí đá phiến Mỹ sẽ tiếp tục phát triển và ngày càng trở thành lực lượng chính tác động đến các quyết định của ngành công nghiệp dầu mỏ.

Sản lượng khai thác dầu đá phiến được coi là trở ngại chính đối với giá dầu tại thời điểm này. Bên cạnh đó, việc các quốc gia được miễn thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC, cũng ảnh hưởng đến các nỗ lực cắt giảm nguồn cung. Đầu năm nay, sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng lên mức trên 9 triệu thùng/ngày, chủ yếu nhờ sự gia tăng sản lượng dầu khai thác từ đá phiến. Xu hướng tăng này sẽ còn tiếp tục và theo dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, sản lượng dầu đá phiến trong tháng 4 tới có thể sẽ tăng thêm 109.000 thùng/ngày, với sự tăng lên đáng kể nhất từ các mỏ Permian và Eagle Ford ở Texas và New Mexico, nâng tổng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ lên 4,96 triệu thùng/ngày.

Hiện nay, OPEC đang giám sát hoạt động khai thác dầu thô của Nigeria và có thể sắp tới sẽ ép thành viên này phải cắt giảm. Nigeria hiện đang bơm 1,8 triệu thùng dầu/ngày, tương đương với lượng dầu mà OPEC và 11 nước khai thác dầu khác, trong đó có Nga, cam kết phấn đấu đưa ra khỏi thị trường vào năm ngoái.
Linh Phương - Petrotimes.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top