Giá dầu và mâu thuẫn Iran - Ảrập Saudi

Connect Unlimited

Administrator
Thành viên BQT
Rốt cục, cuộc họp giữa các cường quốc dầu mỏ tại Doha (Qatar) ngày 17-4 kết thúc mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào về việc đóng băng sản lượng dầu do Ảrập Saudi kiên quyết đòi hỏi phải có Iran tham gia. Hội nghị bất thành, làm tan biến hy vọng nâng giá dầu lên, cũng là điều mà giới phân tích đã lường trước vì thị trường dầu hiện nay không chỉ bị chi phối bởi quan hệ cung cầu mà cả các yếu tố địa chính trị.

Hãng tin Bloomberg nhận định giá dầu đã trở thành “nạn nhân” của cuộc đối đầu giữa Ảrập Saudi và Iran trong việc giành giật ảnh hưởng trong khu vực.

Cuộc họp tại Doha có sự tham dự của các đại diện ngành dầu mỏ và năng lượng đến từ 17 nước, bao gồm gần như đầy đủ các thành viên thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng sáu nước ngoài OPEC gồm Nga, Azerbaijan, Colombia, Kazakhstan, Mexico và Oman nhưng Iran, một thành viên quan trọng của OPEC, lại không cử đại diện đến.

c1354_oil_explainer_feb_facebookjumbo.jpg

Phát biểu với đài truyền hình quốc gia Iran trước khi cuộc họp diễn ra một ngày, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namdar Zangeneh nói: “Chúng tôi không thể hợp tác với họ để đóng băng sản lượng dầu của chúng tôi, hay nói cách khác là tự áp đặt trừng phạt chính mình”. Trước đó, Iran nhiều lần khẳng định rằng nước này phải nâng sản lượng ngang bằng trước thời điểm nước này bị phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt rồi mới cân nhắc tham gia thỏa thuận đóng băng sản lượng.

Tại cuộc họp ở Doha, Ảrập Saudi yêu cầu tất cả các thành viên OPEC, bao gồm cả Iran, phải cam kết đóng băng sản lượng. Lập trường cứng rắn của Ảrập Saudi khiến cuộc họp phải kéo dài thêm 10 tiếng đồng hồ nhưng vẫn không đạt được thỏa thuận. Ngay sau đó, trên thị trường quốc tế, giá dầu đã đồng loạt giảm mạnh: vào sáng thứ Hai 18-4, giá dầu thô Brent còn 40,86 đô la Mỹ/thùng, giảm 5,2% so với cuối tuần trước, giá dầu WTI của Mỹ giảm 5,7%, còn 38,06 đô la Mỹ/thùng.

Báo The New York Times cho rằng Ảrập Saudi dường như cương quyết chấp nhận giá dầu thấp để gây áp lực tài chính cho Iran bất chấp các tác động tiêu cực tới kinh tế của mình.

Quan hệ giữa Ảrập Saudi và Iran luôn luôn căng thẳng và nghi kỵ bởi hai nước này đại diện cho hai dòng Hồi giáo đối địch nhau là Sunni và Shiite. Ảrập Saudi lo sợ Iran, với dân số lớn, tài nguyên thiên nhiên dồi dào và nền công nghiệp khá phát triển, sẽ trở thành cường quốc trong khu vực, đe dọa ảnh hưởng của Ảrập Saudi tại vùng Vịnh.

Tình trạng thù địch giữa hai nước bắt đầu bộc lộ khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh ở Iraq vào năm 2003 và sau đó Tehran gia tăng ảnh hưởng đối với chính phủ mới của Iraq do liên minh Hồi giáo Shiite cầm quyền.

Cẳng thẳng giữa hai nước càng tồi tệ hơn do cuộc nội chiến ở Syria vì Iran cung cấp tài chính, thiết bị quân sự và cả binh lính để củng cố chính phủ của Tổng thống Assad, còn Ảrập Saudi hỗ trợ cho các nhóm phiến quân Hồi giáo Sunni chống lại ông Assad. Rồi năm 2015, Iran và Ảrập Saudi lại đối đầu trong cuộc nội chiến ở Yemen khi Ảrập Saudi và các nước đồng minh mở chiến dịch oanh kích ở Yemen theo yêu cầu của chính phủ nước này để tiêu diệt các lực lượng phiến quân Houthi thuộc dòng Hồi giáo Shiite được Iran hậu thuẫn.

Hồi tháng 1-2016, Ảrập Saudi hành quyết một giáo sĩ Shiite nổi tiếng với các tội danh liên quan đến khủng bố và động thái này đã châm ngòi các cuộc biểu tình phản đối ở Iran. Đỉnh điểm của sự việc là người biểu tình tràn vào đại sứ quán Ảrập Saudi ở Tehran để đốt phá. Ngay lập tức, Ảrập Saudi tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao ở Iran.

Sau cuộc họp ở Doha, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak ngầm chỉ trích Ảrập Saudi khi nói rằng: “Tại sao Iran lại có thể là nguyên nhân khiến đàm phán thất bại khi nước này thậm chí không đến dự cuộc họp. Chúng tôi cho rằng sự hiện diện của các nước chiếm 75% sản lượng dầu mỏ toàn cầu ở đây là đủ”.

Nhà phân tích dầu mỏ Amrita Sen ở Công ty Tư vấn năng lượng Energy Aspects (Anh) nhận định: “Chính sách dầu mỏ của Ảrập Saudi đã bị chính trị hóa cao độ”.

Hãng tin Reuters dẫn lời chuyên gia dầu mỏ Peter Lee ở Công ty Tư vấn BMI Research thuộc Công ty Xếp hạng tín dụng Fitch cho biết: “Đối với Ảrập Saudi, câu chuyện không chỉ đơn thuần là dầu mà chủ yếu là về chính trị khu vực”.

Ralph Leszczynski, chuyên viên ở Công ty Dịch vụ hàng hải Banchero Costa (Ý), cũng đồng tình: “Dường như đối với Ảrập Saudi, chính trị và lòng tự hào dân tộc còn quan trọng hơn cả giá dầu”, ông nói.

Thỏa thuận đóng băng sản lượng đổ bể có thể sẽ ít tác động đến các yếu tố cung cầu cơ bản nhưng theo ghi nhận của Ngân hàng Barclays, “thất bại của cuộc đàm phán này sẽ truyền đi cho thị trường một dấu hiệu rõ rằng mối tương quan giữa OPEC với thị trường dầu mỏ đang trở nên mờ nhạt”.

Theo: thesaigontimes.vn/
 

Việc làm nổi bật

Top