Giá điện ở Mỹ giảm mạnh nhờ điện khí và điện gió

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Giá điện bán sỉ ở Mỹ giảm mạnh nhờ sự phát triển nhanh chóng của các nhà máy điện khí và các trang trại điện gió.

Sự trỗi dậy của nguồn điện mới

Theo Wall Street Journal, hoạt động sản xuất điện ở Mỹ đang thay đổi mạnh mẽ. Năm ngoái, lần đầu tiên, điện khí vượt qua điện than để trở thành nguồn cung điện dẫn đầu ở Mỹ trong hơn 50 năm qua. Năm 1950, điện than chiếm 46,9% tổng sản lượng điện ở Mỹ. Năm 2000, sản lượng điện than tăng gấp 12 lần so với năm 1950 và chiếm 53,4% tổng sản lượng điện của Mỹ.

Nhưng khi bước qua thế kỷ mới, điện khí bắt đầu thách thức sự thống trị của điện than. Các nhà sản xuất dầu và khí đốt ở Mỹ tăng cường áp dụng các công nghệ hiện đại để khai thác trữ lượng khí đốt dồi dào có trong các địa tầng đá phiến dầu. Kết quả là sản lượng khí đốt ở Mỹ đã tăng 27,3% trong giai đoạn 2008-2016, giúp giá khí đốt giảm mạnh, tăng sức cạnh tranh cho các nhà máy điện khí.

Cùng lúc đó, điện gió và điện mặt trời cũng đang tăng tỷ trọng trong cơ cấu sản xuất điện của Mỹ nhờ chi phí đầu tư giảm và các chính sách ưu đãi. Năm 2008, điện gió và điện mặt trời chỉ chiếm 1,4% tổng sản lượng điện của Mỹ nhưng năm ngoái con số này tăng lên 6,7%.

diennhucau_TWEU.JPG

Một phân tích của Ngân hàng đầu tư Lazard (Mỹ) cho thấy nếu không tính các khoản trợ cấp, chi phí trung bình để sản xuất điện tại một nhà máy điện khí khoảng 60 đô la Mỹ/MWh, so với mức 102 đô la Mỹ ở một nhà máy nhiệt điện than và 150 đô la Mỹ ở một nhà máy điện hạt nhân.
Chi phí sản xuất điện ở các trang trại điện gió và điện mặt trời quy mô lớn thậm chí còn thấp hơn, lần lượt ở mức 45 đô la Mỹ và 49,5 đô la Mỹ/MWh. Tuy nhiên, điện mặt trời và điện gió kém ổn định hơn so với các nguồn điện truyền thống vì ánh sáng mặt trời và gió không phải lúc nào cũng có.

Vào năm ngoái, giá điện bán sỉ của công ty Ercot, nhà quản lý mạng lưới phân phối điện chính của bang Texas, giảm xuống mức còn 25 đô la Mỹ/MWh so với mức 55 đô la Mỹ/MWh cách đây 10 năm. Nếu tính ra tiền đồng, giá điện bán sỉ chỉ ở mức 560 đồng/kWh. Giá điện bán sỉ của Ercot giảm khi tỷ trọng sản lượng điện gió ở công ty này tăng nhanh.

Năm ngoái, điện gió đóng góp 15% tổng sản lượng của Ercot, cao hơn mức 12% của điện hạt nhân. Các nhà nghiên cứu ở Viện Năng lượng thuộc Đại học Texas dự báo đến năm 2019, điện gió sẽ vượt nhiệt điện than để trở thành nguồn điện chiếm tỷ trọng lớn thứ hai trong cơ cấu sản xuất điện của Ercot, chỉ đứng sau điện khí.

Trong khi đó, giá điện bán sỉ của công ty truyền tải điện PJM Interconnection, đơn vị cung cấp điện cho 13 bang ở Mỹ, cũng giảm về mức 29,33 đô la Mỹ/MWh trong năm 2016, mức thấp nhất kể từ năm 1999.

Giá điện bán sỉ ở PJM Interconnection giảm chủ yếu do nhiều nhà máy điện khí mới được xây dựng nhờ giá khí đốt rẻ. Trong năm 2006, điện khí chỉ chiếm 8% trong tổng sản lượng điện của PJM Interconnection nhưng trong năm 2016, con số này đã tăng lên 27%.

Nhu cầu điện thấp cũng góp phần khiến giá điện bán sỉ giảm trong bối cảnh người Mỹ mua sắm các đồ điện gia dụng tiết kiệm năng lượng hơn và các công ty giảm sử dụng điện để tiết kiệm chi phí. Năm ngoái, nhu cầu điện ở PJM Interconnection chỉ tăng 0,3% sau hai năm sụt giảm trước đó.

Theo số liệu của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), giá điện bán lẻ cho các hộ gia đình trong tháng 9-2017 dao động từ 10-20 cent (tương đương 2.270 đến 4.540 đồng)/kwh tùy theo bang.
Điện hạt nhân và điện than bị đe dọa

Sự cạnh tranh trên thị trường điện với sự trỗi dậy của điện khí và điện gió đang gây áp lực lên các nhà máy điện hạt nhân và nhiệt điện than, thậm chí cả những nhà máy điện khí sử dụng công nghệ cũ với chi phí vận hành cao.

Hồi đầu 5, công ty Exelon, sở hữu chuỗi nhà máy điện hạt nhân lớn nhất nước Mỹ, thông báo sẽ đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island 43 năm tuổi ở bang Pennsylvania vào năm 2019. Đây là quyết định đặng chẳng đừng nhằm “cầm máu” sau khi nhà máy chịu lỗ 800 triệu đô la Mỹ trong năm năm qua và không ký được hợp đồng mới nào trong ba năm liên tục.

Năm ngoái, Công ty năng lượng FirstEnergy ở bang Ohio, cho biết sẽ thoát ra khỏi thị trường điện bằng quyết định bán bốn nhà máy điện khí cũ và đang lên kế hoạch bán tiếp các nhà máy điện hạt nhân và điện than.

Trong mùa hè vừa qua, công ty điện lực NRG Energy ở bang New Jersey thông báo bán các tài sản trị giá bốn tỉ đô la Mỹ bao gồm các nhà máy điện truyền thống để cắt giảm chi phí và gánh nợ 13 tỉ đô la Mỹ.

Hôm 28-11, công ty năng lượng WEC Energy, thông báo sẽ đóng cửa nhà máy nhiệt điện than Pleasant Prairie ở bang Wisconsin vào quí 2-2018 để chuyển sang đầu tư cho thêm cho nguồn điện rẻ hơn như điện gió và điện mặt trời. Pleasant Prairie, sử dụng trung bình 13.000 tấn than mỗi ngày, cung cấp điện cho một triệu hộ gia đình khi hoạt động hết công suất.

Trong khi đó, công ty năng lượng Vistra Energy cho biết sẽ đóng cửa ba nhà máy nhiệt điện than ở bang Texas vào đầu năm 2018 do không thể cạnh tranh nổi với điện khí, điện gió và điện mặt trời.
Nguồn: Chánh Tài/TBKTSG Online​
 

Việc làm nổi bật

Top