Hiệp định 16. 07. 1991

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Do ra đời trong cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung và bao cấp của cả 2 quốc gia tham gia liên doanh nên công tác quản lý, điều hành Vietsovpetro trước năm 1990 có nhiều khiếm khuyết . Để khắc phục tình trạng ấy, ngày 16/7/1991 hai Chính phủ Việt Nam và Liên Xô đã ký hiệp định sửa đổi cho phù hợp với chính sách đổi mới/cải tổ của 2 nước và bắt đầu từ 1/9/1991 Vietsovpetro hoạt động trên nguyên tắc hạch toán độc lập, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất, kinh doanh của mình, đóng các loại thuế và các nghĩa vụ cho nước chủ nhà theo luật pháp Việt Nam cũng như địa bàn hoạt động, thời gian hoạt động và phân chia lợi nhuận theo các điều khoản đổi mới của liên doanh.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, nguyên Vụ trưởng Vụ Dầu khí Văn phòng Chính phủ Đỗ Quang Toàn kể:

Với vai trò là Trưởng đoàn Chuyên viên phía Việt Nam (22 thành viên gồm các bộ, ngành) đàm phám những vòng cuối cùng với đoàn chuyên viên phía Liên Xô (20 thành viên của các bộ, ngành) sửa đổi Hiệp định 1981 về Hợp tác Dầu khí giữa Việt Nam và Liên Xô, tôi muốn nhắc lại quá trình và những kỷ niệm khó quên, ghi nhớ và cảm ơn những người bạn Liên Xô chân tình trong hợp tác dầu khí với Việt Nam và thắng lợi là Hiệp định sửa đổi đã được ký kết.

…Ngày 19-6-1981 tại Moskva, Phó thủ tướng Trần Quỳnh và Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô K.F. Katusev đã ký "Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xôviết về việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh Việt - Xô tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam".

Hiệp định được ký kết là một bước ngoặt cho sự phát triển ngành công nghiệp Dầu khí của Việt Nam, đặc biệt sau khi các công ty dầu khí phương Tây như Agip, Deminex và Bowvalley đã chấm dứt hợp đồng và rút khỏi Việt Nam, giúp Việt Nam vượt qua khó khăn trước thế bao vây cấm vận kinh tế của Mỹ và các thế lực khác do Mỹ ủng hộ chống phá Việt Nam.

Sự hợp tác hai nước thời kỳ này là rất cần thiết, nhân dân Việt Nam ghi nhớ và biết ơn nhân dân và Chính phủ Liên Xô về sự kiện này.

Thành quả mà Hiệp định Dầu khí Việt - Xô 1981 mang lại là đã thành lập được Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu khí tại thềm lục địa phía Nam Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đã có bộ máy điều hành tương đối có hiệu quả để tiến hành công tác chuyên môn kỹ thuật từ tìm kiếm, thăm dò đến khai thác dầu khí, tổ chức tốt quản lý công việc. Kết quả vui mừng là ngày 24-5-1984 đã phát hiện dòng dầu công nghiệp đầu tiên và ngày 26-6-1986 tấn dầu đầu tiên đã được khai thác tại mỏ Bạch Hổ. Mục tiêu tìm dầu khí của những người làm Dầu khí ở Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro đã đạt được, đó là thành quả bước đầu của sự hợp tác Việt - Xô về Dầu khí.

Để nâng cao hơn nữa thành quả của sự hợp tác này phải tính toán xem xét các vấn đề cụ thể trải qua thời gian thực thi các công việc, những bất cập trong việc thi hành các điều khoản của Hiệp định ký 1981. Tổng cục Dầu khí Việt Nam đã có tờ trình 11/HTQT-TM gửi Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng về sửa đổi Hiệp định Dầu khí Việt - Xô ký 1981. Nôi dung tờ trình đánh giá nội dung Hiệp định Việt - Xô ký 1981 và nhận định về hiệu quả của Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro (tôi đã viết chi tiết ở trang 88-92, Tập II, Lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam).

Việc đàm phán sửa đổi Hiệp định Dầu khí Việt - Xô 1981 cũng đã được Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam đặt ra. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp khí Liên Xô V.S.Chernomyrdin, đại diện phía Liên Xô cũng gửi Văn thư số 22-1-11/496 ngày 17-7-1987 cho Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam Phạm Hùng phản ánh những kết quả tốt mà Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro đạt được, nhưng cũng đề cập đến nhiều tồn tại trong khâu quản lý và điều hành của Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro có liên quan các thỏa thuận giữa hai Chính phủ trong các Hiệp định và Nghị định thư liên quan đến Dầu khí. Cuối cùng phía Liên Xô đề nghị hai phía Việt Nam và Liên Xô xem xét lại một số điều khoản của Hiệp định Dầu khí Việt Nam - Liên Xô ký ngày 19-6-1981.

Đề nghị này của phía Liên Xô là dựa trên các kết luận và kiến nghị của đoàn chuyên gia Liên Xô đã sang Việt Nam từ ngày 12-5 đến ngày 25-5-1987 làm việc với lãnh đạo và kiểm tra thực tế các hoạt động sản xuất của Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro, đồng thời cũng căn cứ báo cáo và kiến nghị của Đoàn Thanh tra Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã sang thanh tra hoạt động của Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Xô tháng 1-1987.

Ở cấp Chính phủ hai nước, trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 26-10 đến ngày 29-10-1987 của đoàn đại biểu Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô do Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng V.K.Gisev dẫn đầu, hai phía Việt Nam và Liên Xô đã ký Biên bản Liên chính phủ ngày 29-10-1987 cũng có đoạn liên quan đến vấn đề đàm phán sửa đổi Hiệp định Dầu khí Việt - Xô năm 1981.

Ngày 30-6-1988, Tổng cục Dầu khí Việt Nam đã trình Thường trực Hội đồng Bộ trưởng phương án đàm phán và kiến nghị về thành phần đoàn Việt Nam, thời gian và địa điểm đàm phán.

Vòng đàm phán đầu tiên diễn ra tại Moskva từ ngày 29-7 đến ngày 8-8-1988. Trưởng đoàn phía Việt Nam là Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí Trương Thiên cùng 10 thành viên. Trưởng đoàn phía Liên Xô là Thứ trưởng thứ nhất Bộ Công nghiệp Dầu I.I. Philimonov cùng 16 thành viên. Nội dung đàm phán cụ thể giao cho hai Vụ trưởng Vụ Đối ngoại, Bộ Công nghiệp dầu Liên Xô A.U.Kotov và của Tổng cục Dầu khí Việt Nam Đào Duy Chữ.

Các vòng đàm phán tiếp theo được diễn ra giữa hai nước Việt Nam, Liên Xô theo thỏa thuận từng thời điểm và diễn ra tới 8 vòng đám phán.

Vòng đám phán thứ 7 và thứ 8 diễn ra tại Việt Nam. Thời điểm này Tổng cục Dầu khí đã sáp nhập vào Bộ Công nghiệp nặng theo Nghị quyết của Quốc hội. Vòng đàm phán thứ 7 và thứ 8, Chính phủ giao cho Bộ Công nghiệp nặng tổ chức đàm phán. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng Trần Lum làm Trưởng đoàn Chính phủ Việt Nam và theo quyết định số 2863/CNNg-HTQT ngày 29-10-1990 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng thì Trưởng đoàn chuyên viên phía Việt Nam là phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Bộ Công nghiệp nặng Đỗ Quang Toàn cùng 21 thành viên của các bộ, ngành liên quan. Các vòng đàm phán thứ 7 và thứ 8 được diễn ra tại Hà Nội và thành phố Vũng Tàu.

Những vấn đề gay cấn nhất mà các vòng đàm phán quan tâm là Hiệp định Dầu khí Việt Xô 1981 có những nội dung không phù hợp với thông lệ Quốc tế về dầu khí như: Thời hạn của hiệp định đối với hoạt động Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro; không gian hoạt động (giới hạn các lô dầu khí); các loại thuế phải nộp cho Nhà nước Việt Nam; tiền thuê mặt đất, mặt biển và nhiều vấn đề khác về quản lý, sản xuất kinh doanh... đã được hai bên thẳng thắn trao đổi nhưng còn nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, phía Liên Xô cũng nhận thức được rằng, việc sửa đổi một số điều khoản của Hiệp định Dầu khí Việt Xô 1981 là cần thiết để phù hợp các hiệp định mà Chính phủ hai nước đã ký, phù hợp với Luật Đầu tư nước ngoài của Việt Nam... và thông lệ Quốc tế về Dầu khí trong các Hợp đồng Dầu khí.

Trong các vòng đàm phán, xuất phát từ tinh thần hiểu biết lẫn nhau và trên tinh thần hữu nghị giữa Việt Nam và Liên Xô, các vấn đề đã đề cập ở trên đã dần được tiếp cận, cụ thể như các loại thuế từ không có gì (Vietsovpetro được miễn mọi thứ thuế trực thu và gián thu, không phải làm bất cứ nghĩa vụ gì đối với Nhà nước Việt Nam) đã tiếp cận sát hơn các đề nghị của phía Việt Nam như: Thuế tài nguyên Việt Nam đề nghị 18%, Liên Xô đề nghị 16%; Thuế lợi tức 40%/Liên Xô 30%; Thuế chuyển lợi nhuận ra ngoài Việt Nam hai bên thống nhất 5%...

Đặc biệt ngày 12-12-1990, tại thành phố Vũng Tàu, được sự ủy quyền của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên Xô, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng Việt Nam Trần Lum và Thứ trưởng thứ Nhất Bộ Công nghiệp Dầu khí Liên Xô B.A. Nikitin đã ký Nghị định thư về các vấn đề liên quan đến hoạt động của Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro, nội dung chính của Nghị định thư là: Từ ngày 1-1-1991, hạch toán của Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro sẽ được thực hiện bằng USD; từ ngày 1-1-1991, các lô 04,10,11,15 và phần còn lại của Lô 05 sẽ được hoàn trả cho phía Việt Nam; Từ ngày 1-1-1991, khí đồng hành lấy lên trong quá trình khai thác dầu từ các mỏ, ngoài việc sử dụng cho công nghệ khai thác của Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro sẽ được giao cho phía Việt Nam tại mỏ không phải trả tiền.

Việc ký Nghị định thư dự định sẽ được thực hiện vào 14 giờ ngày 12-12-1990 tại Vũng Tàu thì có sự việc xảy ra rất quan trọng nên phải hoãn ký. Vì vào hồi 11 giờ cùng ngày thì tôi (Đỗ Quang Toàn) kiểm tra lại văn bản chuẩn bị ký đã phát hiện một sai sót cực kỳ nghiêm trọng là câu "Từ 1-1-1991, khí đồng hành lấy lên trong quá trình khai thác dầu từ các mỏ" thì văn bản lại ghi "từ mỏ Bạch Hổ". Như vậy là rất sai, có nghĩa là chỉ mỏ Bạch Hổ còn các mỏ khác phải trả tiền. Trong quá trình đàm phán, hai bên đã thống nhất là từ các mỏ chứ không phải chỉ có mỏ Bạch Hổ. Sự việc đã được báo cáo ngay cho Bộ trưởng Trần Lum và Thứ trưởng Trương Thiên. Ngay buổi chiều cùng ngày, Bộ trưởng Trần Lum giao trách nhiệm cho tôi đi gặp trực tiếp Thứ trưởng thứ Nhất B.A. Nikitin đề nghị để Bộ trưởng Trần Lum gặp Thứ trưởng thứ Nhất B.A. Nikitin ngay buổi tối cùng ngày để hai bên trao đổi về sai sót trên.

Buổi tối cùng ngày, cuộc gặp giữa lãnh đạo cấp cao hai bên đã diễn ra đúng kế hoạch. Phía Việt Nam chỉ có Bộ trưởng Trần Lum, Thứ trưởng Trương Thiên và tôi. Phía bạn chỉ có Thứ trưởng thứ Nhất B.A. Nikitin và Trưởng đoàn chuyên viên. Hai bên rất nhanh chóng đạt thỏa thuận và văn bản đã được chuẩn bị sẵn. Trưởng đoàn hai phía Việt Nam và Liên Xô ký ngay tại bàn, không cần phải tổ chức buổi lễ nữa. Đây lại một lần nữa chứng minh cho tình hữu nghị, sự chân thành trong hợp tác giữa hai bên Việt Nam và Liên Xô.

Đây là những thỏa thuận rất quan trọng cho Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là Việt Nam được sử dụng khí đồng hành lấy lên trong quá trình khai thác từ các mỏ sau khi sử dụng cho nhu cầu kỹ thuật, phần còn lại sẽ được bàn giao cho phía Việt Nam tại mỏ không phải trả tiền. Nhìn lại thấy đây là thỏa thuận rất quan trọng cho phía Việt Nam.

Chốt lại là vòng đàm phán thứ 8 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 10-7 đến ngày 16-7-1991. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng Trần Lum dẫn đầu; đoàn Liên Xô do Thứ trưởng thứ Nhất Bộ Công nghiệp Dầu khí B.A. Nikitin dẫn đầu. Trưởng đoàn chuyên viên phía Việt Nam là Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Công nghiệp nặng Đỗ Quang Toàn và 22 thành viên của các bộ, ngành. Trưởng đoàn Chuyên viên phía Liên Xô là Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Công nghiệp Dầu khí O.K. Popov và 20 thành viên.

Trong vòng đàm phán này, tất cả các tồn tại của các vòng đàm phán trước được chốt lại, tuy vậy để chốt được các chỉ tiêu theo đúng được sự chỉ đạo của Nhà nước là một sự tranh luận rất gay go, những chỉ tiêu mà Hiệp định 1981 không có mà hiệp định sửa đổi này phải có.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười rất quan tâm đến việc sửa đổi Hiệp định Dầu khí 1981. Trong kỳ đàm phán cuối cùng này, ngày nào vào buổi chiều ông cũng đề nghị Bộ trưởng Trần Lum báo cáo sự tiến triển của đàm phán. Chỉ tiêu mà Chính phủ đặt cho Bộ trưởng Trần Lum phải đạt được là: Thuế tài nguyên 18%; Thuế lợi tức 40% (quan trọng nhất); Thuế chuyển lợi nhuận của Liên Xô ra khỏi Việt Nam 5%; các tiền thuê mặt đất, mặt biển... và các chỉ tiêu khác phải đạt được như các hợp đồng dầu khí đã ký với nước ngoài.

Với trách nhiệm là trưởng đoàn chuyên viên đàm phán, tôi bám sát các chỉ đạo của Chính phủ mà người chỉ đạo trực tiếp là Bộ trưởng Trần Lum và tranh thủ ý kiến tập thể của các thành viên trong đoàn. Hằng ngày sau mỗi buổi đàm phán tôi báo cáo kết quả cho Bộ trưởng Trần Lum, tóm tắt tình hình chung để Bộ trưởng Trần Lum báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, các cuộc báo của Bộ trưởng tôi được đi theo để lĩnh hội sự chỉ đạo của Chủ tịch Đỗ Mười. Đặc biệt những vấn đề quan trọng mang tính nguyên tắc mà còn vướng mắc thì được giải quyết bằng lãnh đạo cấp cao của hai đoàn, thường là được giải quyết nhanh chóng thể hiện sự tôn trọng hiểu biết lẫn nhau.

Kết thúc đàm phán, kết quả đạt được thật vui mừng, đáp ứng đúng sự chỉ đạo của Chính phủ và Chính phủ đồng ý cho phép hoàn chỉnh Hiệp định sửa đổi để làm lễ ký kết chính thức giữa hai Chính phủ.

a-1-194.jpg

Một số điều chỉnh của Hiệp định sửa đổi mang tên: "Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xôviết về việc tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực thăm dò địa chất và khai thác dầu khí tại thềm lục địa phía Nam Việt Nam trong khuôn khổ Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro" có những nội dung chính như sau: Xóa bỏ chế độ bao cấp, chuyển Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro sang hoạt động theo nguyên tắc hạch toán độc lập từ 1-1-1991. Khu vực hoạt động của Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro bao gồm vùng biển trong giới hạn các Lô 05-1,09 và 16. Thời hạn hiệu lực của Hiệp định 16-7-1991 sẽ kết thúc vào ngày 31-12-2010 (Hiệp định cũ thời hạn mãi mãi). Vốn pháp định của Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro tính đến 1-1-1991 là 1.500 triệu USD, trong đó phần mỗi bên là 750 triệu. Khí đồng hành lấy lên từ các mỏ trong quá trình khai thác dầu, sau khi Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro sử dụng cho công nghệ khai thác, còn lại giao cho phía Việt Nam sử dụng không phải trả tiền. Các loại thuế: Thuế tài nguyên 18%; Thuế lợi tức 40%; Thuế chuyển lợi nhuận của phía Liên Xô ra ngoài Việt Nam 5%. Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro phải trả tiền thuê các vùng biển và khu đất sử dụng từ 1-1-1991. Và nhiều điểm mới khác mà Hiệp định 1981 không có.

Thành công của việc sửa đổi Hiệp định Dầu khí Việt - Xô 1981 là thắng lợi của việc thực hiện chính sách đổi mới của Việt Nam và Liên Xô, bảo đảm quyền lợi hợp lý của nước chủ tài nguyên, xóa bỏ được chế độ điều hành quan liên bao cấp, chuyển sang hoạt động hạch toán kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao, thể hiện quan hệ hợp tác cùng có lợi trên tinh thần hữu nghị giữa Việt Nam - Liên Xô và Liên bang Nga sau này.

Trong tuyên bố chung giữa Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đức Lương và Tổng thống Liên bang Nga V.V Putin tháng 3-2001 tại Hà Nội ghi nhận: "...những kết quả hợp tác lâu năm giữa hai nước trong lĩnh vực dầu khí là cơ sở vững chắc để phát triển hơn nữa mối quan hệ kinh tế cùng có lợi. Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro là niềm tự hào về sự hợp tác kinh tế giữa hai nước".

Người Việt Nam có nghĩa có tình, không bao giờ quên ơn người đã giúp mình trong lúc khó khăn. Những dấu ấn về sự hợp tác giúp đỡ về dầu khí của Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay mãi mãi trong lòng những người làm dầu khí Việt Nam.


(Theo Năng lượng mới)
A.P giới thiệu​
 

Việc làm nổi bật

Top