Hội nghị dầu khí CERA Week - cơ hội và thách thức

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Ngày 6/3, tại thành phố Huston của Mỹ đã khai mạc Hội nghị quốc tế CERA Week, một trong những sự kiện quan trọng nhất của ngành dầu khí toàn cầu, với sự tham dự của các doanh nghiệp khổng lồ trong lĩnh vực này.
Các doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý dầu khí trên thế giới đã tề tựu về đây để thảo luận tình hình thị trường dầu khí và bày tỏ, chia sẻ quan điểm của mình về tương lai dầu khí toàn cầu.

Phái đoàn Nga do Bộ trưởng Năng lượng A. Novak dẫn đầu. Trước khi lên đường đến Huston, ông Novak tuyên bố rằng Nga tham dự hội nghị này với mục đích khẳng định niềm tin vững chắc vào sự hồi phục của thị trường năng lượng toàn cầu trong tương lai gần.

Kết quả nào đang được mong đợi?

Bộ trưởng Novak chưa nói rõ làm thế nào để đạt được mục đích này, vì vấn đề ở chỗ Hội nghị CERA Week không có dự kiến sẽ ra tuyên bố chung, cũng không phải sẽ đi đến một thỏa thuận nào đó giữa các bên tham gia. Rất có thể ông Novak sẽ tập trung vào việc thu hút đầu tư. Tuy nhiên, người đứng đầu General Invest (cơ quan Tổng đầu tư) của Nga Denis Gorev cho rằng hiện tại hãy còn quá sớm để nói về chuyện này, vì lệnh trừng phạt của phương Tây vẫn như hòn đá tảng chặn dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào Nga.

“Các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến thị trường năng lượng của Nga, nhưng mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và Mỹ cũng như lệnh trừng phạt đã buộc họ phải từ bỏ kế hoạch (đầu tư vào Nga) của mình” - ông nói.

4809_Cong_nhan_Rosneft_cYa_Nga.jpg

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, những tiếp xúc trực tiếp, cởi mở tại hội nghị này có thể sẽ thuyết phục được các nhà đầu tư một lần nữa hướng ánh mắt vào Nga.

Ông Daniil Kirikov, Chủ tịch tập đoàn Kirikov Group cũng cho rằng việc nối lại quan hệ hợp tác với các công ty Mỹ có thể sẽ là một kết quả tích cực của hội nghị đối với Nga. “Điều đó sẽ cho phép chúng ta củng cố vị thế của mình trong những cuộc thương lượng làm ăn sắp tới” - ông nói.

Theo ông, trong năm 2017, giá dầu bình quân sẽ không vượt ngưỡng 58 USD/thùng, và mức giá 80-90 USD/thùng có lẽ phải còn lâu nữa mới đạt được. Để tránh tình trạng giá dầu rớt sâu khiến các nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, tất cả các quốc gia đều phải đồng lòng hành động. Theo ông Kirikov, các quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ cần phải nhất trí với nhau về điều đó ngay tại Hội nghị CERA Week lần này.

Câu hỏi về việc gia hạn Thỏa thuận cắt giảm sản lượng

Hội nghị lần này có sự tham dự của Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo. Tuy nhiên, ngay trước khi sự kiện diễn ra, ông cũng lưu ý rằng vẫn còn quá sớm để bàn về khả năng kéo dài thỏa thuận về việc đóng băng sản lượng dầu (đạt được hồi cuối tháng 11/2016, có hiệu lực trong nửa đầu năm 2017).

Các chuyên gia lo ngại rằng thời hạn hiệu lực của thỏa thuận này sẽ không được kéo dài. Theo họ, một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chuyện này là mùa khai thác đang đến gần (khi kết thúc mùa đông); các nước vùng Vịnh (và cả Nga), sau khi cắt giảm sản lượng trong các tháng 12/2016 và 1-2/2017 thì lại đang cho thấy dấu hiệu tăng dần sản lượng trong tháng 3. Ngoài ra còn có một yếu tố nữa là dầu đá phiến của Mỹ đang gây áp lực trên thị trường quốc tế. Liệu các nước trong và ngoài OPEC có chịu cắt giảm sản lượng của mình trong khi dầu đá phiến của Mỹ mặc sức làm mưa làm gió?

Ai chiến thắng trong cuộc chiến giá dầu?

“Hội nghị CERA Week 2017 có mục đích mang tính toàn cầu: cần phải hiểu rằng chúng ta đang ở đâu khi chấm dứt cuộc chiến giá cả vốn đã kéo dài suốt 2 năm nay và giờ đây đã gần như kết thúc. Cũng cần hiểu ra rằng ai là người chiến thắng trong cuộc chiến ấy” - ông Nikolai Yvanov, người phụ trách Ủy ban Thị trường năng lượng thuộc Viện Tài chính năng lượng Nga phát biểu. Theo ông, người chiến thắng không chỉ là Nga cùng các nước trong và ngoài OPEC đã tham gia Thỏa thuận cắt giảm sản lượng dẫn đến xu hướng tăng giá dầu, mà còn cả các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ.

Ngay trước thềm hội nghị, người đứng đầu công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới ExxonMobil, ông Darren Woods cho biết ExxonMobil tăng đầu tư trong lĩnh vực khoan dầu đá phiến: hiện tại các dự án này chiếm tới 1/3 tổng khoản đầu tư của ExxonMobil, và các năm tiếp theo sẽ là 1/2. Được biết, ExxonMobil đang tích cực mua gom đất ở tỉnh Permi ở Tây Texas - khu vực sẽ sớm trở thành một nguồn chính của khai thác dầu đá phiến.

Việc ExxonMobil quan tâm sâu đến dầu đá phiến rất dễ hiểu, vì loại dầu này đòi hỏi đầu tư ít, khai thác nhanh và thời gian thu hồi vốn rất ngắn, chỉ khoảng 5 năm so với 20 năm hoặc hơn ở lĩnh vực khai thác dầu truyền thống.

Các chuyên gia nhất trí nhận định rằng việc ExxonMobil chuyển tâm điểm chú ý sang dầu đá phiến sẽ là một xu hướng mới mà các nhà khai thác dầu mỏ khác trên thế giới sẽ noi theo trong tương lai gần.

Mỹ không bỏ lỡ cơ hội

Giới quan sát quốc tế nhận xét rằng những nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC và một số nước nằm ngoài tổ chức này có mang lại lợi ích phần nào cho các quốc gia tham gia thỏa thuận, nhưng chủ yếu nuôi béo các nhà sản xuất dầu của Mỹ khi họ tăng cường khai thác dầu đá phiến. Theo giới quan sát, hành động gia tăng khai thác dầu đá phiến ở Mỹ có thể sẽ bóp chết mọi nỗ lực kìm hãm sản lượng của OPEC và Nga.

Hiện tại, nhân cơ hội OPEC và một số nước khác giảm sản xuất và xuất khẩu dầu để giữ và tăng giá, Mỹ khẩn trương gia tăng xuất khẩu khi giá dầu đang có xu hướng đi lên nhờ nỗ lực của OPEC và đồng minh. Tuy nhiên, liệu các nước xuất khẩu dầu trong và ngoài OPEC có chịu ngồi yên xem Mỹ đẩy lượng xuất khẩu lên đến 1,2 triệu thùng/ngày như hiện nay? Cứ tình trạng này, rồi đến lúc họ sẽ phải có biện pháp đối phó và rồi rất có khả năng chiến thuật cắt giảm sản lượng sẽ không còn tác dụng, theo giới phân tích. Nếu xảy ra một cuộc chiến mới giữa hai xu hướng giảm sản xuất để giữ hoặc tăng giá và tăng sản xuất để tranh đua nhau thì không biết bức tranh toàn cảnh về tình hình dầu khí thế giới sẽ thay đổi như thế nào.

Bá Thủy - Petrotimes.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top