IMF kêu gọi các nước xuất khẩu dầu ở Trung Đông hạn chế chi tiêu chính phủ

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết các nước xuất khẩu dầu mỏ ở Trung Đông tiếp tục cắt giảm trợ cấp năng lượng, đồng thời triển khai thêm một số cải cách để kiềm chế chi tiêu của chính phủ.

Trong báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế khu vực, IMF cho hay số tiền dành cho trợ cấp của các nước xuất khẩu dầu mỏ ở Trung Đông đã giảm từ 190 tỷ USD trong năm 2014 xuống mức ước tính hiện tại là 86 tỷ USD/năm.

091931_23092016-opec2.jpg

Tuy nhiên, điều này phần lớn là do sự suy giảm của giá năng lượng toàn cầu kể từ giữa năm 2014, thời điểm giá dầu đạt trên 100 USD/thùng.

Nguồn thu từ dầu mỏ liên tục giảm đã buộc chính phủ các nước phải cắt giảm chi tiêu, đặc biệt là ở vùng Vịnh, nơi người dân đã quen với việc được hưởng lợi từ những chính sách trợ cấp hào phóng và có việc làm nhàn hạ trong khu vực công.

Tính cả khu vực Trung Đông, các nước xuất khẩu dầu đã có thể giảm tổng thâm hụt ngân sách xuống khoảng 375 tỷ USD cho giai đoạn 5 năm từ 2016 đến 2021, thấp hơn so với dự kiến được đưa ra trong năm ngoái là 565 tỷ USD cho giai đoạn này.

Để giảm chi tiêu, sáu quốc gia thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) gồm Saudi Arabia (A-rập Xê-út), Kuwait (Cô-oét), Qatar (Ca-ta), Bahrain (Ba-ranh), Oman (Ô-man) và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) đã triển khai các biện pháp thắt lưng buộc bụng nhạy cảm, trong đó có việc bãi bỏ trợ cấp khí đốt và điện.

Việc giá dầu tăng từ mức trung bình 42 USD/thùng năm 2016 lên mức dự kiến 55 USD/thùng trong năm 2017 đã giúp giảm mức thâm hụt dự kiến của các nước GCC xuống còn 240 tỷ USD, từ con số dự kiến năm 2016 là 350 tỷ USD.

Giám đốc phụ trách khu vực Trung Đông và Trung Á của IMF Jihad Azour tin tưởng rằng các nước GCC cần phải bổ sung thêm những cải cách bao gồm cải cách ngân sách nhằm giảm mức thâm hụt.

Báo cáo của IMF dự đoán vào năm 2022, các nước xuất khẩu dầu GCC, Iran và Algeria (An-giê-ri) sẽ có thêm 6,5 triệu người bước vào độ tuổi lao động, điều này đồng nghĩa với việc các nước này sẽ phải khẩn trương tìm cách tạo thêm nhiều việc làm trong khu vực tư nhân.

Thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu thô của các nước xuất khẩu dầu đạt được trong năm ngoái đã giúp tăng giá nhiên liệu. Tuy nhiên, triển vọng cho thị trường vẫn không chắc chắn.

Ông Azour nói thêm rằng kế hoạch của các nước GCC áp dụng thuế giá trị gia tăng vào năm tới là một cách để tăng doanh thu.

IMF cho rằng các chính phủ có thể phân bổ nhiều hơn cho các chương trình phúc lợi xã hội bằng cách hạn chế các khoản trợ cấp có lợi cho người giàu có.

Saudi Arabia, nền kinh tế lớn nhất thế giới Arập, cũng đã buộc phải bắt tay vào kế hoạch đầy tham vọng nhằm giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ và đa dạng hóa nền kinh tế. Sự sụt giảm giá dầu đã đẩy dự trữ ngoại tệi của nước này giảm xuống còn 508 tỷ USD.

Các quốc gia nhập khẩu dầu như Ai Cập, đã phần nào bớt gánh nặng do giá dầu thấp hơn. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế tiếp tục bị cản trở bởi những lo ngại về an ninh và các cuộc xung đột khu vực.

Ai Cập đã nhận được những khoản giải ngân đầu tiên trong gói vay trị giá 12 tỷ USD từ IMF đạt được vào tháng 11/2016. Để đủ điều kiện vay, Ai Cập đã phải giảm trợ cấp và thả nổi đồng nội tệ, đẩy lạm phát tăng hơn 25% đối với các mặt hàng thực phẩm cơ bản, vận tải, nhà ở và cả một số loại thuốc men thiết yếu.

Trong khi đó, IMF đưa ra báo cáo rằng Iran đã có đà phục hồi kinh tế tốt sau khi một số biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ. Lĩnh vực phi dầu mỏ của nước này dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh từ dưới 1% trong năm 2016 lên gần 3,5% vào năm 2017./.

Nguyễn Tùng (P/v TTXVN tại Cairo)​
 

Việc làm nổi bật

Top