Indonesia miễn nhiều loại thuế để khuyến khích thăm dò dầu khí

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Nhằm tạo cú hích cho ngành dầu khí, Indonesia có kế hoạch miễn nhiều loại thuế khác nhau đối với hoạt động thăm dò, trong bối cảnh giá dầu giảm sâu đã khiến không ít doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí, sa thải nhân công, chưa kể thủ tục hành chính nhiêu khê làm nản lòng nhà đầu tư.

Nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á này được đánh giá là có tiềm năng rất lớn về tốc độ tăng trưởng nhu cầu năng lượng và đang sở hữu trữ lượng khí đốt lớn thứ hai trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư

Bộ trưởng Tài chính Indonesia, bà Sri Mulyani Indrawati, cho biết cơ quan này sẽ trình Tổng thống Joko Widodo dự thảo chính sách thuế mới, trong đó thuế giá trị gia tăng, thuế đất, thuế nhập khẩu và nhiều loại phí, thuế khác mà doanh nghiệp phải nộp cho chính quyền địa phương sẽ thuộc đối tượng được miễn. Bà Mulyani tin tưởng, nhờ đó mà hình ảnh về lĩnh vực dầu khí Indonesia sẽ trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư.

Kể từ năm 2010 đến nay, các công ty dầu khí hoạt động ở Indonesia phải nộp những loại thuế nêu trên trong giai đoạn thăm dò, sau đó có thể được hoàn lại khi đi vào khai thác. Điều này có nghĩa họ sẽ mất tiền nếu thăm dò xong mà không tìm thấy mỏ dầu khí nào.

Doanh nghiệp đương nhiên là không hài lòng với quy định như vậy, vì nó không có tác dụng khuyến khích hoạt động thăm dò ở Indonesia, nơi mà tỷ lệ thành công trung bình chỉ khoảng 39%. Bộ Tài chính Indonesia hiểu được bất cập trên, nên cũng sẵn sàng thay đổi, tuy nhiên vẫn muốn doanh nghiệp phải đánh đổi để được hưởng chính sách thuế dễ thở hơn.

Với quan điểm không chỉ chia sẻ khó khăn mà còn phải chia sẻ quả ngọt, bà Mulyani muốn nhà nước được chia phần lớn hơn trong doanh thu từ dầu khí của doanh nghiệp trong trường hợp giá thị trường tăng “đáng kể”.

Indonesia, thành viên Đông Nam Á duy nhất của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), đang áp dụng tỷ lệ “ăn chia” doanh thu cố định, bất kể giá cả biến động thế nào: với dầu mỏ, phần của nhà nước là 70%, còn khí đốt là 60%.

Petronas-Finds-Gas-in-Malaysia-Indonesia-and-Australia.jpg

Bà Mulyani còn thông tin thêm rằng cơ chế miễn thuế cũng có thể được dành cho một số dự án trong giai đoạn thăm dò nếu thấy cần thiết để tăng hiệu quả kinh tế. Việc Indonesia miễn các loại thuế đối với hoạt động thăm dò dầu khí được các chuyên gia đánh giá là một bước đi đáng hoan nghênh trong việc tạo cú hích cho toàn ngành, nhưng cần kết hợp với những giải pháp khác nữa để thu hút đầu tư trở lại sau khi nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm chi phí, sa thải nhân công, vì giá dầu giảm liên tục và giảm gần 60% từ giữa năm 2014.

Chuyên gia Johan Utama của công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie cho rằng trong điều kiện giá cả thị trường dầu mỏ như hiện nay, có thể mất tới hàng năm trời thì niềm tin nhà đầu tư vào lĩnh vực dầu khí của Indonesia mới có thể khôi phục được.

Thành viên OPEC nhập khẩu ròng

Indonesia - nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á, được đánh giá là có tiềm năng rất lớn về tốc độ tăng trưởng nhu cầu năng lượng và đang sở hữu trữ lượng khí đốt lớn thứ hai trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng thủ tục hành chính rườm rà và tệ quan liêu, cộng với sự khó lường của hệ thống chính sách, đã gây chậm trễ hoặc bế tắc cho một số dự án dầu khí trọng điểm, dẫn đến cản trở sự phát triển của toàn ngành.

Indonesia rất muốn thúc đẩy sản lượng dầu khí còn để hỗ trợ cho ngân sách quốc gia. Năm 2016, dự kiến lĩnh vực này chỉ đóng góp được 3,4% tổng thu ngân sách, một bước lùi quá xa so với con số 25% năm 2006.

Là một thành viên của OPEC, nhưng Indonesia lại nhập khẩu ròng dầu mỏ trong nhiều năm trở lại đây. Số liệu thống kê của chính phủ Indonesia cho thấy, sản lượng dầu của nước này đã giảm dần từ mức đỉnh 1,7 triệu thùng mỗi ngày vào năm 1991, xuống 786.000 thùng trong năm 2015.

Kể từ khi tập đoàn dầu khí BP bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 1980, tổng trữ lượng dầu mỏ của Indonesia chưa bao giờ thấp như năm 2015, với 3,6 tỷ thùng. Trong khi đó, trữ lượng khí đốt chỉ thua mỗi Trung Quốc, nhưng đã rời xa đỉnh cao năm 2008.

Chevron, ExxonMobil và Total là những nhà đầu tư lớn nhất ở Indonesia. Các công ty này cùng với nhiều doanh nghiệp khác hy vọng chính phủ Indonesia sẽ xem xét lại các điều khoản trong hợp đồng phân chia sản phẩm, chẳng hạn như tăng tỷ lệ sản lượng dành cho nhà đầu tư, để họ cải thiện được lợi nhuận và dòng tiền, từ đó có thêm động lực và cơ sở đầu tư mạnh hơn trong tương lai.

Hải Châu - Thời báo Kinh doanh​
 

Việc làm nổi bật

Top