Iran hy vọng tái xuất khẩu dầu qua đường ống SUMED của Ai Cập

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Một quan chức Công ty đường ống dầu khí Arập cho biết "đang xem xét để đảm bảo Iran tuân thủ các quy định của lệnh trừng phạt, trước khi nối lại các hoạt động xuất khẩu dầu qua hệ thống SUMED".

Iran đang rất trông chờ vào việc tái xuất khẩu dầu qua tuyến đường ống SUMED trên đất của Ai Cập để cung cấp năng lượng cho thị trường châu Âu và các nước ven khu vực Địa Trung Hải.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran đã làm gián đoạn việc xuất khẩu dầu của Tehran thông qua đường ống SUMED và kênh đào Suez từ năm 2012, đồng thời cũng ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn thu ngoại tệ của Ai Cập.

dau-fortune.jpg

Cuối tháng 11 năm ngoái, Bộ trưởng Dầu mỏ Ai Cập Tarek El Molla cho biết quốc gia Bắc Phi này đang cân nhắc việc cho Iran khởi động dự án sử dụng tuyến đường ống dẫn SUMED để xuất khẩu dầu thô sang châu Âu nhằm tăng nguồn thu cho chính quyền Cairo, đồng thời giúp đất nước Kim tự tháp vượt qua được nguy cơ khan hiếm ngoại tệ như hiện nay.

Việc các lệnh trừng phạt nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo Iran được dỡ bỏ hồi tháng Một năm nay đã giúp khai thông những rào cản lớn nhất và giúp làm sống lại khả năng trung chuyển dầu mỏ của Tehran sang châu Âu qua tuyến đường ống của Ai Cập.

Một quan chức Iran cho biết mặc dù những căng thẳng khu vực gần đây, đặc biệt là rạn nứt nghiêm trọng trong quan hệ ngoại giao giữa Iran và Saudi Arabia nhưng Iran hoàn toàn có hy vọng trong việc tái xuất khẩu qua tuyến đường ống SUMED.

Hiện tại, Ai Cập vẫn đang giữ 50% quyền sở hữu tuyến đường ống dẫn dài 320 km chạy từ Biển Đỏ tới cảng Sidi Kerir của thành phố Alexandria, nằm ở phía Tây của Ai Cập giáp với Địa Trung Hải.

Tập đoàn dầu khí nhà nước Aramco của Saudi Arabia và các công ty từ Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Kuwait - hai nước đồng minh của Saudi Arabia, đều giữ nắm 15% cổ phần tuyến đường ống SUMED, trong khi tập đoàn Qatar Petroleum sở hữu 5% còn lại.

Tờ Bloomberg đã dẫn lời một quan chức của Công ty đường ống dầu khí Arập (APPC) - nhà vận hành tuyến đường ống nói trên, cho biết "đang xem xét một cách kỹ lưỡng để đảm bảo Iran tuân thủ các quy định của lệnh trừng phạt, trước khi nối lại các hoạt động xuất khẩu dầu qua hệ thống SUMED, vốn đã bị tạm ngưng từ tháng 8/2012".

SUMED là một tuyến đường vận chuyển có thể thay thế cho các tàu chở dầu từ vùng Vịnh Persia tới Địa Trung Hải qua kênh đào Suez.

Iran đã tăng cường năng lực sản xuất thêm 500.000 thùng dầu mỗi ngày và dự định bổ sung thêm 500.000 thùng dầu mỗi ngày để đạt mức sản lượng trước năm 2011 với 2,5 triệu thùng dầu mỗi ngày, sau khi các lệnh trừng phạt của Phương Tây được dỡ bỏ.

Nguyễn Tùng (P/v TTXVN tại Cairo)​
 

Việc làm nổi bật

Top