Kho ngầm chứa dầu Dung Quất: PVN hãy tự vay tự trả

Connect Unlimited

Administrator
Thành viên BQT
Theo ông Trần Viết Ngãi, kho ngầm chứa dầu trong tương lai là để phục vụ việc mở rộng, phát triển lâu dài của Lọc dầu Dung Quất.

Phương án lâu dài

Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời Bộ Công thương về việc bổ sung Dự án kho ngầm chứa xăng dầu phục vụ mục đích thương mại tại Khu kinh tế Dung Quất vào quy hoạch, trong đó đề nghị Bộ Công thương xem xét lại một số nội dung nhằm làm rõ tính cấp thiết của dự án này.

Theo đó, Bộ Tài chính có đề nghị Bộ Công thương đánh giá tác động của Dự án đối với quy hoạch đã được phê duyệt trước đó là dự án kho dự trữ quốc gia dầu thô tại Dung Quất do Tập đoàn Dầu khí (PVN) làm chủ đầu tư; Xác định rõ phạm vi, quy mô đầu tư của dự án để tránh trùng lắp, chồng lấn với dự án kho dự trữ quốc gia dầu thô do PVN làm chủ đầu tư.

Trao đổi về động thái này của Bộ Tài chính, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, đề nghị xem xét dự án kho ngầm chứa xăng dầu của Bộ Tài chính có nghĩa là tiến độ mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất hơi chậm, thời điểm nào cần đầu tư..., còn đầu tư hay không thì PVN phải có trách nhiệm, Chính phủ chỉ duyệt chủ trương cho họ, kinh phí PVN tự lo, có thể đi vay để làm, không lấy của Nhà nước.

Cũng theo ông Ngãi, ở thời điểm này Dung Quất không cần thêm kho ngầm chứa xăng dầu. Lý do là vì với quy mô công suất chỉ 5-6 triệu tấn dầu thô/năm như hiện nay, chỉ kho nổi là đủ. Việc xây dựng kho ngầm là tính cho tương lai, khi quy mô công suất Nhà máy Dung Quất đạt 9-10 triệu tấn dầu thô/năm.

"Hiện tại Dung Quất đã có kho nổi chứa dầu, thấp nhất cũng chứa được 50 nghìn tấn dầu, lớn thì chứa được khoảng 100 nghìn tấn.

Tôi đã đi khảo sát kho nổi trong KKT Dung Quất rất kỹ, kể cả đường ống dẫn ra ngoài cảng đều được làm đâu vào đấy, rất đẹp, ngăn nắp và chu đáo. Hiện nay chỉ kho nổi là đủ, nếu tiếp tục xây thêm kho nổi nữa là hết diện tích. Hơn nữa, không thể xây dựng một loạt kho nổi, rất nguy hiểm.

Kho nổi và kho chìm khác nhau ở chỗ: tính an toàn của kho chìm cao hơn, khi sản lượng tăng thì nên làm các bồn chứa ngầm, có thể nửa ngầm nửa nổi, đảm bảo an toàn, vận hành quản lý chặt chẽ và khó bị thất thoát.

Hiện nay Công ty Bình Sơn (đơn vị vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - PV) làm hàng rào rất chắc và có các chốt bảo vệ, không ai xâm phạm được, ngoài ra còn có hệ thống cứu hỏa. Do đó, nếu để phát triển quy mô công suất lên 10 triệu tấn dầu/năm và sắp tới công suất ấy là không đủ, phải nhập dầu chua ở nước ngoài về thì Lọc dầu Dung Quất khi ấy không phải lọc dầu đơn thuần như bây giờ nữa mà là lọc hóa dầu để tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm khác có giá trị rất cao như nhựa đường, hạt polymer...

Thái Lan định làm Nhà máy lọc dầu Nhơn Hội ở Bình Định với công suất 30 triệu tấn dầu thô/năm nhưng không phải để cấp dầu cho Việt Nam mà chủ yếu là sản xuất các sản phẩm về sau để bán ra toàn cầu. Hiện nay công ty Formosa của Đài Loan làm được hạt polymer bán trên toàn cầu và trở thành tỷ phú cũng nhờ cái đó.

Nếu chỉ bán dầu như Dung Quất hiện nay thì không ăn thua, công lọc ra không đáng mấy. Ngoài dầu và các sản phẩm của dầu còn có nhựa đường. Nhựa đường rất cần cho việc xây dựng đường sá, mà Việt Nam đang phải nhập hoàn toàn từ Trung Quốc dù giá rẻ nhưng chất lượng kém. Nếu chúng ta làm ra được phục vụ cho đường sá Việt Nam với chất lượng tốt, giá cả hợp lý, thậm chí rẻ thì tốt hơn nhiều, trong khi đó ngành dầu khí phát triển bền vững, có thu nhập cao.

Lọc dầu Dung Quất đang chỉ lọc một loại dầu duy nhất là dầu ngọt lấy từ mỏ Bạch Hổ và chỉ 5-6 năm nữa là mỏ hết dầu. Dầu ngọt coi như không cần lọc, trong khi để hóa dầu đòi hỏi đầu tư công nghệ cao nhưng thu lợi nhuận thì cực lớn.

Việc xây dựng kho ngầm chứa dầu trong tương lai chính là để phục vụ cho việc mở rộng và phát triển lâu dài của Nhà máy lọc dầu Dung Quất", Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam giải thích.

Ông Trần Viết Ngãi cho biết thêm, tiến độ xây dựng kho ngầm có thể sẽ bị chậm lại bởi theo chủ trương cũ, khi Nhà nước duyệt đầu tư thì năm 2017 phải cải tạo, nâng cấp xong Lọc dầu Dung Quất từ 6 triệu tấn dầu/năm lên 10 triệu tấn dầu/năm nhưng bây giờ mới đang triển khai. Dự kiến, phải sau 2020 mới có thể hoàn thành mục tiêu trên bởi thiếu vốn, dù phía Nga có tham gia đầu tư.

kho-ngam-chua-dau-dung-quat-tinh-cho-tuong-lai_1565947.jpg

Trước lo ngại về khả năng thu hồi vốn của kho ngầm chứa xăng dầu sau khi vận hành, ông Ngãi tỏ ra lạc quan bởi như ông đã nói, sau này Dung Quất sẽ tiến hành lọc hóa dầu chứ không lọc dầu đơn thuần, cho ra các sản phẩm có giá trị rất cao như nhựa đường, hạt polymer... Còn mức giá cho thuê kho ngầm chứa dầu theo dự kiến là 3,5 USD/m3/tháng được ông giải thích là đầu tư như thế nào thì phải khấu hao dần như vậy và mức giá trên chẳng qua là giá trị của vốn khấu hao.

PVN phải tiết giảm các chi phí không cần thiết

Theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, hiện nay các kho ngoại quan chứa xăng dầu do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đảm nhận, còn PVN chỉ lo cho kho nổi trong hàng rào của Lọc dầu Dung Quất.

Đặt câu hỏi: việc PVN và Nhà máy lọc dầu Dung Quất liên tiếp có nhiều văn bản kêu cứu về tình trạng ế thừa xăng dầu, sắp hết chỗ chứa dầu và lo đóng cửa nhà máy có phải là nguyên nhân chính để thúc đẩy dự án xây kho ngầm chứa xăng dầu hay không?, ông Trần Viết Ngãi cho rằng: "Tự Công ty Bình Sơn phải cân đối lại sao cho các sản phẩm xăng dầu sản xuất ra phải có chỗ chứa, kho ngầm hay kho nổi không quan trọng. Điều doanh nghiệp này cần làm là phải làm rõ tính chất ưu việt của kho ngầm, kho nổi trên cơ sở khoa học. Chẳng hạn, làm kho ngầm thì chứa được nhiều xăng dầu hơn, an toàn hơn, bảo vệ dễ hơn, thậm chí 1 kho ngầm bằng 3-4 kho nổi, do đó việc xây dựng kho ngầm không phải băn khoăn gì cả. Tất nhiên chi phí làm kho ngầm đắt hơn kho nổi vì phải đào xuống lòng đất, phải có phương án chống rò rỉ ra ngoài... Các nước đều làm như thế cả".

Về việc PVN và Dung Quất kêu xăng dầu sắp hết chỗ chứa do chênh lệch mức thuế giữa các sản phẩm xăng dầu của Dung Quất với các mặt hàng xăng dầu nhập từ các nước trong khu vực ASEAN và Hàn Quốc, ông Ngãi thừa nhận, giá xăng dầu trong nước không cao nhưng thuế nhập khẩu cao, vì thế vừa qua PVN đã kiến nghị Chính phủ giảm thuế về bằng với hàng nhập từ Hàn Quốc.

"Tuy nhiên, Hiệp hội Năng lượng cũng đề xuất PVN phải tiết giảm các chi phí không cần thiết để giá thành của xăng dầu Việt Nam tốt nhất là rẻ hơn giá nhập khẩu, không thì cũng phải bằng giá nhập khẩu chứ không được cao hơn.

Những chi phí không cần thiết đó là: tiền lương của PVN rất cao, năng suất lao động thấp do đông người quá, các chi phí khác, kể cả chi phí ngoại giao, chi phí cho các khoản đầu tư khác mà bây giờ chưa thu hồi được. Ví dụ, PVN tốn rất nhiều chi phí xây dựng các công trình nhà cửa, khách sạn, nhà cao tầng không chỉ ở Hà Nội, TP.HCM mà đầu tư tràn lan, gần như tỉnh nào cũng có. Cái đó mất hàng chục ngàn tỷ đồng mà chưa thu hồi được xu nào.

PVN muốn giữ giá dầu của mình cao hơn để bán ra thị trường trong nước nhưng doanh nghiệp trong nước không chịu bởi giá cao thì họ không mua.

Đành rằng PVN khó khăn trong khi giá dầu thế giới xuống thấp, họ muốn bán với giá cao để bù đắp thua thiệt nhưng không ai ủng hộ, bởi thế PVN bắt buộc phải tiết giảm các chi phí không cần thiết.

Lọc dầu Dung Quất chỉ lấy dầu về rồi lọc, sau đó bán ra, không cần hóa dầu hay làm bất cứ gì khác nên chi phí để ra 1 tấn dầu không nhiều. Có nghĩa là chi phí đầu vào không lớn mà đầu ra lớn là vô lý, giá thành không cao lắm trong khi giá bán cao thì không chấp nhận được", ông Trần Viết Ngãi thẳng thắn.

Thành Luân - Báo Đất Việt​
 

Việc làm nổi bật

Top