Khu Kinh Tế Dung Quất:: Từ vùng cát trắng đến Trung tâm lọc - hóa dầu quốc gia

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Từ một vùng đất cát trắng rộng mênh mông chỉ có cây dại, lúp xúp sim mua, đến nay, Khu kinh tế (KKT) Dung Quất (Quảng Ngãi), mô hình KKT đầu tiên của cả nước đã vững vàng đi đầu trong thu hút đầu tư với những dự án quy mô, hiện đại.

Người dân trong vùng KKT quen với câu cửa miệng “tối ăn khoai đi ngủ, tối ăn củ đi làm” thì nay đang dần trở thành những cư dân đô thị, được sống trong những khu tái định cư khang trang, vững chắc. Dẫu cuộc sống ở đâu đó còn những góc khuất, nhưng dường như họ cũng đã hài lòng với những gì đang có.

Hạ tầng hút nhà đầu tư

Là mô hình KKT ven biển đầu tiên của cả nước, ngay từ khi mới thành lập, KKT Dung Quất đã có những ưu việt nhất định khi trực thuộc Chính phủ quản lý. Có lẽ vì vậy, vấn đề hạ tầng kỹ thuật thu hút đầu tư đư được ưu tiên đầu tư đồng bộ. Hơn 4.500 tỷ đồng và 3.850.000 USD cho hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu các nhà đầu tư đã được rót vào đây thời gian qua. Nhờ vậy, nhiều trục chính được hình thành, như: Đô thị Vạn Tường, tuyến Bình Long - Nhà máy lọc dầu (NMLD) - Cảng Dung Quất (đường Võ Văn Kiệt), đường Dung Quất - Sân bay Chu Lai - Cảng Kỳ Hà, Dốc Sỏi - Cảng Dung Quất và các tuyến giao thông trục chính trong các khu công nghiệp, tổng chiều dài các tuyến giao thông đầu tư xây dựng hoàn thành và được đưa vào sử dụng.

Các công trình hạ tầng xã hội và môi trường cũng được đầu tư xây dựng, gồm 19 Khu dân cư quy mô diện tích 130 ha phục vụ việc di dời gần 2.000 hộ với gần 15.000 nhân khẩu; Trường cao đẳng nghề Dung Quất có quy mô đào tạo 2.000 học sinh; Trung tâm truyền hình Dung Quất; Bệnh viện Dung Quất với 100 giường; Hạ tầng phân Khu công nghiệp Sài Gòn - Dung Quất...

KKT Dung Quất hiện nay đang sở hữu 5 cảng biển, công suất bốc dỡ hàng hóa 17 triệu tấn/năm. Trong đó, 2 cảng tổng hợp của PTSC và 1 cảng tổng hợp của Gemadept; 3 cảng chuyên dùng: 1 cảng của Doosan, 1 cảng của Nhà máy đóng tàu và 2 cảng của NMLD Dung Quất. Trong đó, 1 cảng dùng để nhập dầu thô từ tàu vào bể, 1 cảng xuất sản phẩm sau khi thành phẩm.

Bến chuyên dùng phục vụ chung KKT Dung Quất do Công ty TNHH MTV Hào Hưng làm chủ đầu tư, đang triển khai thi công san nền, hệ thống cọc cầu cảng, với vốn thực hiện khoảng 150 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2017, cơ hội cho KKT Dung Quất đón nhận các chuyến tàu “siêu trường, siêu trọng”.

Điểm nhấn của KKT Dung Quất về phía Nam là Dự án KCN - Đô thị - Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi (với vốn đăng ký 139,85 triệu USD) là dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ có sức lan toả lớn không chỉ cho phía Bắc Quảng Ngãi mà còn có tầm phủ sóng rộng vào trung tâm thành phố và lan sang phía Nam.

Với tầm ảnh hưởng rộng lớn của Dự án mang tính chuyên nghiệp này, Công ty TNHH VSIP Quảng Ngãi đã tạo nên một động lực mới trong thu hút các dự án thứ cấp vào KCN - Đô thị - Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi.

khu-kinh-te-dung-quat-tu-vung-cat-trang-den-trung-tam-loc---hoa-dau-quoc-gia1469727094.jpg

Hiện nay, Dự án đã đền bù giải phóng mặt bằng khoảng 310 ha, san nền khoảng 190 ha, đầu tư hoàn thành khoảng 8 km đường giao thông, 8 km tuyến mương nước mưa, 9 km tuyến nước thải, 8 km tuyến cấp nước, hoàn thành Nhà làm việc (3.500 m2, với cấu trúc nhà 03 tầng bê tông cốt thép), trạm xử lý nước thải (6.000 m3/ngày), trạm phòng cháy chữa cháy (4.000 m2)..., với tổng vốn thực hiện khoảng 51 triệu USD. Đã thu hút 11 doanh nghiệp đăng ký đầu tư, có 5 dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 2.400 lao động.

Xây dựng đô thị công nghiệp, hạt nhân Trung tâm lọc hóa dầu quốc gia

Với lợi thế là KKT ven biển, có cảng nước sâu, quỹ đất phong phú, cơ chế chính sách ưu đãi và được ưu tiên đầu tư. Sau gần 20 năm xây dựng và phát triển, KKT Dung Quất đã khẳng định là hạt nhân, động lực cho sự phát triển của tỉnh Quảng Ngãi và khu vực.

Hiện nay, KKT Dung Quất đã hoàn thành công tác lập quy hoạch chi tiết các khu chức năng (diện tích khoảng 45.000 ha), đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, đáp ứng yêu cầu cho các nhà đầu tư. Việc phát triển các ngành công nghiệp nặng tại Quảng Ngãi đã có tác động lan tỏa, kích thích các ngành công nghiệp phụ trợ, đô thị và dịch vụ phát triển.

Trong thời gian tới, KKT Dung Quất sẽ tiếp tục đầu tư để giữ vững vai trò hạt nhân tăng trưởng của tỉnh trên các mặt tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động. Tạo nền tảng đến năm 2020, Quảng Ngãi cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Theo đó, Quảng Ngãi tiếp tục phát huy vai trò cảng biển nước sâu trong thu hút đầu tư các dự án công nghiệp nặng, dự án quy mô lớn… để sớm hình thành Trung tâm Lọc hoá dầu và Trung tâm Năng lượng Quốc gia tại KKT Dung Quất. Phát triển các ngành công nghiệp nặng, có quy mô lớn trên cơ sở phát huy lợi thế cảng biển nước sâu Dung Quất, tập trung hỗ trợ để triển khai dự án nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất, các dự án hóa dầu, hóa chất, năng lượng, bột giấy và thu hút các ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến và các loại hình dịch vụ vào KCN VSIP và các KCN trong KKT Dung Quất...

Đồng thời, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng; đường giao thông trục chính, các công trình hạ tầng, các dự án hạ tầng hỗ trợ an sinh xã hội phục vụ cho các khu dân cư tái định cư và khu nhà ở cho công nhân, phát triển tổ hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ VSIP gắn với đô thị Quảng Ngãi.

Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án đầu tư; thường xuyên kiểm tra, giám sát, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, không để phát sinh mới về ô nhiễm môi trường; kịp thời xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là xử lý nước thải và chất thải rắn.

Đổi mới có hiệu quả mô hình quản lý, thực hiện tốt cơ chế phối hợp và cơ chế “Một cửa, tại chỗ” trong quản lý, gắn kết giữa quản lý một số lĩnh vực với quản lý hành chính lãnh thổ. Xây dựng, ban hành quy chế phối hợp giữa Ban Quản lý KKT Dung Quất với các đơn vị sở, ngành liên quan trong việc giải quyết hồ sơ, thủ tục đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Thực hiện tốt Tổ một cửa tại KCN VSIP.

Phối hợp với các công ty đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN để tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư ở các quốc gia có tiềm năng. Ưu tiên thu hút vào các lĩnh vực đầu tư như: hóa dầu, phụ trợ của lọc dầu, luyện cán thép, công nghiệp cơ khí chế tạo, dệt may, da giày, thực phẩm, chế biến nông sản, cảng biển, dịch vụ logistics, các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, phát triển cảng và dịch vụ hậu cần nghề cá.

Tăng cường việc liên kết phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ theo hướng giới thiệu các dự án đầu tư mới, hoặc đầu tư mở rộng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến các địa phương có nhu cầu thu hút đầu tư, có lực lượng lao động dồi dào và lợi thế về các lĩnh vực dệt may, giày da…

Hà Minh - Báo Đầu tư​
 

Việc làm nổi bật

Top