Khủng hoảng nhiên liệu, năng lượng tại Pháp chưa thể hạ nhiệt

Connect Unlimited

Administrator
Thành viên BQT
Cuộc khủng hoảng nhiên liệu và năng lượng tại Pháp do hoạt động phong tỏa các cơ sở lọc dầu, đình công trong nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng như lọc dầu, sản xuất điện, đường sắt, hàng không, hải cảng, xây dựng… diễn ra ở nhiều thành phố trên toàn nước Pháp vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Hiện lãnh đạo các tổ chức công đoàn, đặc biệt là Tổng liên đoàn lao động Pháp (CGT), tiếp tục thể hiện thái độ cứng rắn và kêu gọi công nhân mở rộng quy mô và phạm vi các cuộc biểu tình nhằm gây sức ép đòi chính phủ rút lại dự luật cải cách lao động.

Trong ngày 27/5, phong trào phản đối tiếp tục gia tăng với 6/8 nhà máy lọc dầu của Pháp đã ngừng hoạt động hoặc giảm công suất, rất nhiều kho xăng dầu bị phong tỏa khiến các xe bồn không được tiếp nhiên liệu để phân phối cho các trạm xăng. Sáng cùng ngày, công nhân của Công ty công nghiệp hàng hải (CIM) - doanh nghiệp đảm bảo cung cấp xăng dầu cho các sân bay ở thủ đô Paris và hai nhà máy lọc dầu, đã quyết định kéo dài cuộc đình công.

Mặc dù chỉ có 240 công nhân, nhưng CIM là nút thắt quan trọng của toàn bộ hệ thống xăng dầu nước Pháp, quản lý các cảng tiếp nhận xăng dầu tại cảng Le Havre và một số cảng khác, theo đó trung chuyển tới 40% lượng nhiên liệu toàn quốc.

Kể từ ngày 25/5, Pháp đã phải sử dụng nguồn dầu mỏ dự trữ chiến lược để bù vào phần năng lượng bị thiếu hụt cho hoạt động hàng ngày khi nghiệp đoàn công nhân lọc dầu tổ chức đình công phản đối dự luật cải cách lao động của chính phủ. Ngoài nguy cơ thiếu xăng dầu, nước Pháp còn phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện do nhân viên của toàn bộ 19 nhà máy điện hạt nhân ở Pháp đã ủng hộ quyết định đình công.

Việc gia tăng các hoạt động biểu tình, đình công cùng chiến dịch phong tỏa các nhà máy lọc dầu đang ảnh hưởng mạnh tới đời sống kinh tế và làm xáo trộn cuộc sống thường nhật của người dân. Tại khu phố trung tâm của thành phố Rouen, thủ phủ vùng Normandie - khu vực bị ảnh hưởng nhất bởi cuộc khủng hoảng xăng dầu, các cửa hàng ghi nhận lượng khách giảm ít nhất 10-20%. Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh trong thành phố cho biết số người địa phương đi vào thành phố đã giảm mạnh do lo ngại hoạt động đi lại tốn xăng.

2705bieutinh.jpg

Các cuộc đình công và biểu tình đã khiến cho bầu không khí xã hội Pháp trở nên căng thẳng. Phát biểu trên các phương tiện truyền thông, Thủ tướng Pháp Manuel Valls cho biết có thể có "những thay đổi" hay "những cải thiện" trong dự luật lao động, song nhấn mạnh chính phủ sẽ không từ bỏ dự luật.

Tổng thống Pháp François Hollande, đang tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại Nhật Bản, cũng đã có những tuyên bố ủng hộ quan điểm của Thủ tướng Valls, theo đó các cải cách trong lĩnh vực lao động vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện.

Dự kiến, các cuộc đình công vẫn sẽ tiếp diễn trong những ngày tới. Hai tổ chức công đoàn gồm CFDT và UNSA đã kêu gọi đình công vào ngày 31/5, các công đoàn viên CGT trong ngành đường sắt tiếp tục biểu tình vào tất cả các ngày thứ Tư và thứ Năm hàng tuần.

Ngoài ra, Cơ quan quản lý giao thông đô thị vùng Paris (RATP) cũng chủ trương tiến hành cuộc đình công vô thời hạn kể từ ngày 2/6 trong khi các tổ chức công đoàn trong ngành hàng không dân dụng tiến hành đình công các ngày 3, 4, 5 tháng 6. Một cuộc tổng đình công trên toàn quốc đã được lên kế hoạch vào ngày 14/6 - ngày Thượng viện Pháp bắt đầu thảo luận về dự luật lao động gây tranh cãi./.

TTXVN​
 

Việc làm nổi bật

Top